Nhìn tưởng là ngẫu nhiên, nhưng đằng sau đều có nhân quả
Có những điều bạn thấy như là không đúng, nhưng nếu biết được nhân quả đằng sau chuyện đó, thì sẽ thấy là vô cùng hợp lý.
- Nhân quả định vận mệnh: 10 năm gian khổ học tập không bằng 1 chén trà
- Báo ứng của người xấu khi nào tới? Hãy nghe Diêm Vương trả lời
Duyên phận giữa người với người, đôi khi sẽ là một hành động vô ý mà hình thành một đoạn nhân duyên. Đương nhiên, vô luận là thiện duyên hay ác duyên, bạn gieo nhân nào thì sẽ nhận được quả đó.
Có người vừa gặp mặt đã rất vui vẻ, như thể là bạn cũ nhiều năm không gặp; cũng lại có người vừa gặp đã thấy như là kẻ thù, đằng sau nhất định là có một loại duyên nào đó khởi tác dụng; vì vậy cứ tùy duyên thì sẽ được tự tại, cưỡng cầu chỉ tự chuốc thêm phiền não. Dưới đây là một câu chuyện trong Phật giáo, nói về quan hệ nhân duyên phức tạp giữa người với người.
Chuyện kể rằng, một hôm nọ, khi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đang giảng pháp cho các đệ tử thì đột nhiên ngài gọi A-nan đến và bảo: “Hãy xách một cái thùng đi đến một ngôi làng nhỏ cách đây 5 dặm, tới chỗ một bà lão đang giặt quần áo bên cạnh giếng, hỏi xin một thùng nước rồi trở về đây, nhớ phải giữ thái độ ôn hòa”. A-nan gật đầu, xách cái thùng đi đến nơi như Đức Phật chỉ dẫn, trong đầu còn nghĩ việc này dễ quá, đi làm một chút là xong.
Không lâu sau A-nan đi tới ngôi làng đó, quả thực nhìn thấy một bà lão tóc hoa râm đang giặt đồ bên giếng. A-nan lễ phép cung kính nói với bà lão: “Bà ơi, có thể cho tôi xin một thùng nước được không?” Bà lão ngẩng đầu nhìn thấy người thanh niên trẻ tuổi, cũng không biết tại sao lại nổi giận đùng đùng, hậm hực nói: “Không được, cái giếng này chỉ để cho người trong thôn sử dụng, bất kỳ người ngoài nào cũng không thể dùng được!”. Sau đó liền đuổi A-nan đi, mặc cho A-nan thỉnh cầu như thế nào cũng không được!
A-nan không biết làm sao, đành phải mang cái thùng không trở về, cũng đem chuyện gặp phải kể lại cho Đức Phật và mọi người ở đó nghe. Đức Phật gật đầu một cái, ra hiệu cho A-nan ngồi xuống, sau đó ngài lại gọi Xá Lợi Phất đi.
Xá Lợi Phất cũng đến ngôi làng đó, thấy bà lão kia vẫn đang giặt quần áo bên giếng, Xá Lợi Phất cũng rất lễ phép nói với bà lão: “Bà ơi, có thể cho tôi xin một thùng nước được không?” Lần này bà lão quay đầu lại nhìn, không hiểu sao lại vô cùng mừng rỡ, giống như gặp được thân nhân vậy. Bà vui vẻ đồng ý, còn tự mình lấy nước đổ đầy thùng cho Xá Lợi Phất. Xá Lợi Phất cảm ơn rồi quay người định trở về, bà lão gọi trở lại và nói chờ một chút, rồi vội vàng vào nhà lấy thức ăn chay đưa cho Xá Lợi Phất.
Sau khi trở về, Xá Lợi Phất cũng kể lại sự tình cho Đức Phật và mọi người nghe. Đức Phật cũng gật đầu và nói Xá Lợi Phất ngồi xuống. A-nan và các tỳ kheo có mặt ở đó đều cảm thấy bối rối và khó hiểu, mới hỏi Đức Phật là vì sao mà bà lão đối xử với hai người quá khác biệt như vậy?
Đức Phật nói: “Trong một kiếp cách đây rất lâu, bà lão này đọa vào đường súc sinh, đầu thai thành một con chuột, nó bị chết ở bên đường và bị ánh nắng chói chang thiêu đốt. A-nan khi đó là một thương nhân đang vận chuyển hàng hóa, nhìn thấy con chuột này, cảm thấy khó chịu, liền bịt mũi mà đi qua. Cùng lúc đó, Xá Lợi Phất trên đường vào kinh đi thi cũng đi qua nơi đây, khi thấy con chuột chết này, động lòng thương xót, tiện tay bốc ít đất phủ lên người nó. Đây là chuyện đã xảy ra từ nhiều kiếp về trước, bây giờ họ gặp lại nhau và sinh ra nhân duyên bất đồng như vậy”.
Nếu chỉ xét theo biểu hiện bề ngoài mà đánh giá đúng sai thì rất dễ dẫn đến sai lầm, bởi vì trong luân hồi hàng trăm triệu năm, nhân quả đan xen phức tạp, con người cứ liên tục tạo nghiệp và trả nghiệp. Chuyện mà mọi người cho là ngẫu nhiên, thì thực ra đó chính là tất nhiên.
Theo Sound of hope