Con của nhà hàng xóm lộn sang đầu thai ở nhà khác, nhận ra bởi vết mực. Cả cuộc đời trải qua những lần chết ly kỳ để hoàn trả mạng… Đó chính là câu chuyện có thật về bố đẻ của tôi.  

Bố tôi là Nguyễn Đức Dấu, sinh năm 1945, hiện đang sinh sống tại huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương. Năm nay bố tôi 77 tuổi, đang sống những ngày tháng an nhàn trong căn nhà rộng rãi, đẹp đẽ. Cả cuộc đời của bố tôi đã trải qua những lần chết ly kỳ, khủng khiếp, khó tưởng tượng nổi. Có lẽ bởi việc sinh ra đời của bố đã đặc biệt nên cuộc đời cũng đặc biệt. Tôi đã nhiều lần muốn viết lại câu chuyện của bố, đến tận bây giờ mới thực hiện được. Mục đích để mọi người hiểu được sinh mệnh là trong vòng luân hồi hiện hữu và sự sống chết của mỗi người đều được an bài theo lượng đức và nghiệp mà họ mang.

Bố tôi là con của nhà hàng xóm đầu thai sang nhà ông bà nội tôi

Khi bố tôi lớn một chút, ông bà đã kể lại sự việc liên quan đến cái vết đen trên mũi của bố. Có một nhà hàng xóm, cách nhà ông bà một cái ao về phía trước nhà. Gia đình này nhiều lần sinh con nhưng đều chết yểu. Theo duy tâm, họ không muốn đứa trẻ lộn lại nhà mình nữa, nên trước khi chôn cất, họ đã đổ một vết mực trên mũi đứa bé để đánh dấu. Thời gian sau đó, bà nội tôi mang thai và sinh hạ bố tôi.

những lần chết ly kỳ có thật của bố tôi
Sau khi vá da đùi thì vết mực màu đen chuyển sang màu da trên mũi bố tôi.

Khi bố tôi sinh ra, trên sống mũi có một vết màu đen như mực. Ban đầu, vết này nhỏ, rồi dần dần lan rộng trên sống mũi. Mấy tháng sau, người mẹ bên hàng xóm đi qua nhà ông bà tôi. Khi thấy bà tôi bế đứa bé có vết đen giống với đứa con họ đã đánh dấu, thì cô ấy nhận rằng đó là con của họ chuyển sinh sang, nhất định là như vậy. Họ kể cho ông bà tôi nghe về chuyện họ đánh dấu thế nào. Họ nói, nếu họ biết sớm có thể làm bay được vết đen đó, vì họ là người gây ra thì cũng là người hóa giải. Muộn quá rồi thì không còn hiệu quả nữa.”

Không biết tên của bố tôi được đặt từ lúc ấy hay sinh ra ông bà thấy có dấu vết lạ nên đặt tên bố là Dấu. Khi bố tôi tầm 10 tuổi, bà nội đưa bố ra Hải Phòng mổ thẩm mỹ. Bác sĩ lấy da ở đùi vá lên mũi nên vết đen ấy chuyển sang màu da.

Những lần chết ly kỳ đầy lãng xẹt trên chiến trường của bố

Có câu nói rằng: “Quá tam ba lần”, cùng lắm vận xui gõ cửa quá 3 lần là hết. Nhưng với bố tôi lần chết hụt ấy đếm ra là con số khá to. Điều đặc biệt là, tình tiết của những lần chết ly kỳ, phải gọi là ly kỳ, khó mà tưởng tượng nổi. Tôi tạm liệt kê từng lần như sau:

Phật hóa lợn rừng cứu mạng

Bố tôi kể:

Năm 17 tuổi bố tôi lên đường nhập ngũ. Đơn vị của bố phải hành quân vào chiến trường B. Lúc tiểu đội của bố băng qua đường mòn Hồ Chí Minh, đoạn cheo leo, vắt qua một ngọn núi cao, bố nhìn thấy một con lợn rừng chạy ngay trước mặt. Bố tôi bảo với đồng đội vây bắt để làm thức ăn. Mọi người đồng ý và vòng lại cùng bắt chú lợn.

Những lần chết ly kỳ đầy lãng xẹt trên chiến trường của bố
Nhờ chú lợn rừng mà cả tiểu đội thoát chết (ảnh minh họa, nguồn Pexels)

Cả đội vừa rời khỏi vị trí thì chú lợn rừng biến mất, đồng thời nghe một tiếng ầm ầm rất lớn. Mọi người tưởng rằng bom B52 của địch thả xuống, ai lấy vội nằm rạp xuống. Nhưng tiếng động ầm ầm, núi lở cả một mảng lớn. Định thần lại, thì ra một cây cổ thụ bị đổ, kéo theo cả mảng núi ở đó đổ xuống, đúng vị trí tiểu đội của bố đang hành quân. Nếu không có con lợn rừng, mọi người không vòng lại thì cả đội đã bị chôn vùi xuống vực sâu.

Khi con lợn rừng biến mất trước mặt bố, bố tôi hiểu ra Thần Phật đã cứu giúp mình. Bố nói với đồng đội: “Bị như vậy không chết, thì chắc chắn trong chiến trường tôi sẽ không chết”. Quả đúng như bố nói, bố tôi vượt qua bao cửa tử trong chiến tranh, bình an trở về.

Bom thả đúng hầm mà không chết

Chiến trường khốc liệt không ai nắm được sự sống trong tay. Ấy vậy mà mạng sống của mỗi người dường như đều có an bài nhất định, ai sống sẽ sống, ai chết sẽ khó mà tránh được. Bố tôi lần nữa minh chứng cho điều ấy.

Căn hầm chữ A bố tôi nằm cùng với hai đồng đội nữa. Điều đặc biệt ở hai người bạn của bố là: một ông da rất đen và một ông da rất trắng. Bố tôi thì da cũng rất trắng. Tối hôm đó, bố tôi nghĩ thế nào sang hầm bên xin thuốc lào và ngủ lại với bạn một bên. Đêm đó, một quả bom thả đúng căn hầm bên kia khiến cho hai người bạn của bố mất mạng. Xương thịt của họ bị bom xẻ tan nát và bay khắp nơi, vướng trên cả cành cây. Sáng hôm sau, bố và đồng đội phải nhặt, nhìn vào màu da đen và trắng để phân loại di thể của hai người.

Nếu bố tôi vẫn ngủ ở đó như bao đêm, chẳng phải thân bố cũng tan nát. Nếu bố có mất thì đồng đội cũng không thể phân biệt đâu là phần thân xác của bố vì có hai người da trắng. Cái chết này của họ chẳng phải như có bàn tay sắp đặt. Và bố tôi, chẳng phải cũng có may rủi, thậm chí ngầm hiểu có ai đó đang âm thầm bảo vệ bố giống như hóa ra chú lợn rừng kia sao?

Lần chết ly kỳ: Sốt rét đã tắt thở, chuyển xuống nhà xác lại sống dậy

Ai đã trải qua chiến tranh mới thấu hiểu nỗi đau của chiến tranh. Nói vậy chứ chỉ có bố tôi, thế hệ của các ông mới hiểu, còn loại trẻ ranh sinh thời bình như tôi đâu hiểu được. Tôi chỉ hình dung qua lời bố kể thôi. Thời ấy, ngoài cái chết bom đạn, còn là cái chết của loại bệnh sốt rét. Không có thuốc đặc trị, trong điều kiện thiếu thốn của chiến tranh nên khi người lính bị sốt rét, việc qua khỏi cũng là một kỳ tích.

Bố tôi là con của nhà hàng xóm đầu thai sang nhà ông bà nội tôi
Sinh mệnh luôn trong vòng luân hồi (ảnh Paxibay)

Bố tôi khi bị sốt rét, chịu đựng đủ sự hành hạ của căn bệnh. Đồng đội khiêng cáng, vận chuyển ngày đêm đến bệnh xá nhưng bố đã không qua khỏi. Bác sỹ xác định bố đã tử vong và chuyển vào nhà xác. Không nhớ chính xác thời gian bao lâu, chỉ biết rằng đồng đội hay tin bố đã qua đời, nên toàn bộ tư trang, vật dụng sinh hoạt hàng ngày của bố đã được đồng đội chia cho nhau, ngay cả cái bát ăn cũng được chia đi. Nằm ở nhà xác, chẳng biết linh hồn bố đã rời khỏi thân chưa hay đi rồi lại quay lại, bố từ từ tỉnh lại, ngón tay cử động.

May quá, ai đó đi qua nhà xác, thấy ngón tay của tử thi động đậy, họ vội gọi bác sỹ. Bố tôi được đưa trả lại điều trị. Thời gian sau bố tôi khỏe, về lại đơn vị thì tư trang chẳng còn gì. Các bạn chỉ dành cho bố nụ cười và cái bắt tay chúc mừng từ cõi chết trở về.

Những lần chết ly kỳ giữa đời thường khó diễn tả

Những lần chết ly kỳ trên chiến trường không là gì so với chuỗi ngày bố ra quân về lại địa phương. Tôi không thể kể hết vì trang giấy có hạn, chỉ có thể kể tóm tắt mà thôi. Tôi cũng không thể liễu giải được bố tôi là ai? Vì sao cuộc đời của ông lại có thể trải qua cơ man kiếp nạn? Tôi cũng không thể hiểu nổi sức chịu đựng, nghị lực lớn thế nào trong con người của ông. Chỉ biết rằng ông đã an nhiên, từng bước vượt qua nó mà sống đến tận ngày nay.

Bị tai nạn ngã xe đạp, 10 người thì cả 10 nói chết, bố tôi nằm cáng trở về
Sức chịu đựng và nghị lực vượt qua bệnh tật là điều đáng khâm phục ở bố tôi.

Lần chết ly kỳ tiếp theo: 10 người thì cả 10 nói chết, bố tôi nằm cáng trở về

17 năm bố cống hiến cho đất nước, rồi xin nghỉ chế độ mất sức, bệnh binh 2/3. Về mất sức nhưng bố vẫn còn sức khỏe. Bố chuẩn bị mọi vật liệu chuẩn bị xây nhà. Lúc ấy, nhà tôi ở phố chợ, với 3 gian nhà to nhất khu ấy. Bố muốn tự mình đóng gạch, đốt lò gạch, chuẩn bị tất cả. Hôm ấy, bố đi xe đạp, để cái mai vắt qua ghi đông và phi xuống dốc. Không ngờ cán mai vướng vào bụi tre bên đường, khiến bố ngã văng ra. Bố rơi xuống bờ sông, ở đó có những tảng đá kè vì dưới chân cầu. Bố bị chấn thương và ngất tại chỗ.

Người ta hớt hải gọi mẹ tôi. Họ nói với mẹ: “chồng mày bị tai nạn, chết trên cống rồi…”. Tôi đang ngồi trên tấm cót rung rinh chẳng hiểu chuyện gì (lúc đó tôi 7 tuổi). Có một bác chạy về nói: “Bố mày chết rồi…”. Tôi chỉ nhớ có vậy.

Thời gian sau, tôi thấy người ta khênh bố tôi bằng cánh cửa. Người bố tôi trắng toát như phi công, bó bột từ đầu qua hông. Bố tôi bị chệch cột sống. Thời đó chỉ có phương pháp bó bột.

Bố tôi nằm im như vậy trong 2 năm. Khi mùi thối của thịt bốc lên, bố mới được người ta tháo bột ra. Đầu bố chải không biết bao trăm con chấy, thịt ở lưng thối hết, hở cả xương sống, chân tay bố teo lại, liệt hoàn toàn… Nhưng trong 2 năm sau kiên trì tự tập luyện, bố tôi đi lại và đạp xe bình thường… Sức chịu đựng đúng là vượt khả năng con người…

3 lần xuất hiện dạ dày, tưởng chết mà không chết

Có một sự việc khi bố tôi còn khỏe, hai tay sách hai xô nước to, không may chệch cột sống, không đi lại được. Chưa kịp đi viện, bố nằm trên chiếc võng. Đung đưa thế nào, võng đứt dây, bố rơi xuống bịch, xương sống vào khớp, bố đứng dậy đi lại bình thường…

Nhưng sau lần tai nạn chệch cột sống trên và liệt dây thần kinh nửa người, bố trở thành người tàn phế. Không thể làm việc nặng, chỉ quanh quẩn ở nhà, giúp vợ con cơm nước.

Sau khi hồi phục, trong khoảng 5 năm bố tôi bị 3 lần xuất huyết dạ dày (lúc đó chị em chúng tôi còn bé). Lý do lần đầu là ăn củ khoai tây giống đã rụng mầm. Xuất huyết dạ dày của bố rất nghiêm trọng, bố nôn ra hàng thau máu. Tôi nhớ mang máng rằng, ai người ta cũng nói: “ông Dấu lần này chắc chết, sống sao được”. Ấy vậy mà cả 3 lần xuất huyết nghiêm trọng như nhau, bố tôi đều hồi phục như từ cõi chết trở về vậy.

Điện giật mà không chết
Khi ông Trời chưa gạch tên bố tôi thì đúng là sinh mệnh chưa kết thúc.

Điện giật mà không chết

Xóm nhà tôi đang ở là một xóm mới, gọi là xóm Cống. Từ sau tai nạn ấy, bố tôi không còn khỏe mạnh nữa, những tiếng ồn ào ở chợ khiến bố tôi không chịu đựng được. Bố quyết định đổi mảnh đất ở phố chợ dịch lên xóm Cống, cách chợ khoảng 500m. Xóm này lúc đó chưa có đường điện chính của Nhà nước, người dân tự kéo, chôn những cây cột tạm bợ.  

Năm đó tôi đang học cấp ba. Mọi người trong xóm quyết định kéo điện từ chợ lên bám theo hàng cột điện của trạm bơm. Tức là đường điện trạm bơm là những cột điện to, điện cao áp, dây trần ở trên; mấy người dân xóm tôi khôn lỏi, kéo dây mắc cùng cột điện đó nhưng cách xuống phía dưới. Bố tôi tham gia kéo dây, vì mỗi gia đình phải đóng góp tiền và sức người.

Buổi chiều hôm đó, tôi làm cỏ vườn, bố tôi đứng dưới kéo dây, cách vị trí tôi làm 300m. Tôi nhìn thấy một chú trèo lên cột điện giữ dây, còn người ở dưới thì kéo. Đột nhiên, bố tôi và một người nữa đang kéo ở dưới hét lên và lăn quay ra đất. Tôi lao ra ngay. Trước mắt tôi, chú kia nằm co rút lại, mắt trợn, người tím và bất động, còn bố tôi nằm thẳng đuỗi. Tất nhiên là nỗi sợ hãi bao trùm, tôi kịp hiểu ra, họ bị điện giật. Thời ấy đường điện đều là dây trần, vì điện cao áp nên đã hút dây của mọi người lên. Kết quả hai người ở dưới bị điện giật, người kia chết trong tích tắc ấy, còn bố tôi thì sống…

3 lần bệnh viện trả về, ở nhà chặt cây chuẩn bị bắc rạp, xây mộ   

Sau 3 lần xuất huyết dạ dày tưởng chết (đã kể ở trên) thì bố còn vô số lần cấp cứu như thế nữa. Đặc biệt nữa, bố tôi thuộc loại nhóm máu hiếm AB nên mỗi lần cấp cứu chúng tôi khổ sở đi tìm người cùng nhóm máu. Tình trạng 2 lần xuất huyết tiếp theo (lúc này chị em tôi đã trưởng thành), bác sỹ tuyến tỉnh lắc đầu. Ở nhà, mọi người đã chặt quang cây dựng bạt, nhưng còn nước còn tát, chị em tôi xin chuyển bố lên Bạch Mai. Bố đã sống trở về, 2 lần đều như vậy.

Ngoài dạ dầy, bố tôi còn bị viêm gan, sỏi mật,… điều trị nhiều năm không khỏi. Nghe người ta mách bố tôi uống thuốc nam. Ông thầy dặn, phải uống trong 10 ngày, có xảy ra điều gì cũng không được đi viện. Bụng bố tôi chướng lên từng ngày, đến ngày thứ 8, to như cái thúng, không ăn, không ngủ, chỉ có sốt. Nếu để cố 2 ngày nữa là bố tôi ra đi. Thuyết phục mãi ông mới đồng ý cho đi viện. Lên viện tỉnh bác sĩ kiểm tra thấy dịch đã tràn khắp phổi. Họ nghi sơ gan cổ trướng, ung thư gan giai đoạn cuối, cho về lo hậu sự.

Chúng tôi lại chuyển ông lên tuyến trên. Bác sĩ Bạch Mai lần này lắc đầu. Nhưng vẫn cố điều trị, được ngày nào hay ngày ấy. Tôi gọi điện về nhà, bảo người nhà xây mộ, chuẩn bị sẵn sàng. Dân làng lần này tin chắc ông Dấu chết. Nhưng rồi, một tháng sau bố tôi xuất viện về nhà bình an…

Đột nhiên hơn 4 năm nay, bố tôi khỏe mạnh, không nhập viện lần nào

Không thể kể hết nỗi khổ của gia đình tôi khi bố tôi liên tục trải qua những lần nhập viện thập tử nhất sinh ấy. Từ khi tôi học lớp 1 đến khi 40 tuổi vẫn là hình ảnh bố tôi ốm yếu, nhập viện. Kinh tế gia đình tôi kiệt quệ, một tay mẹ đảm đang nuôi 5 con ăn học đại học và chăm sóc người chồng của mình. Tôi làm được đồng nào, dành dụm vừa nuôi em vừa lo cho bố. Chẳng khi nào trong túi tôi còn dư tiền và cũng ít khi chúng tôi có được nhiều thời gian bình yên.

Vậy mà hơn 4 năm nay bố tôi lại khỏe mạnh, không hề đi viện. Đó là một điều kỳ lạ, bởi bệnh của bố phải càng ngày càng nặng. Người ngoài có thể nói, do bố tôi dùng thuốc gan có hiệu quả… Riêng tôi biết vì sao. Bởi vì, hơn 4 năm nay, tôi đã bước trên con đường tu luyện Đại Pháp. Một người tu Chính Pháp, cả nhà được thọ ích, đó là chân lý. Hơn nữa, bố đã ủng hộ tôi tu luyện, có thể bố niệm chân ngôn của Phật nên bố đã được phúc báo.

Những lần chết ly kỳ kia của bố tôi đã minh bạch vì sao. Tôi đã nói với bố: “Con tu luyện nên biết được vì sao bố bị như vậy. Con biết bố là ai. Mỗi lần chết hụt đó là một lần bố hoàn trả nghiệp. Đời này bố phải hoàn trả hết những mạng bố đã từng gây ra để thành tựu sinh mệnh của bố… Đây là câu chuyện có thật về bố của tôi.