Trẻ thiếu tình thương của mẹ, lớn lên dễ vướng 3 vấn đề tâm lý

Theo các nhà tâm lý học, những đứa trẻ từ bé đã thiếu tình thương của mẹ, khi trưởng thành thường dễ gặp phải các vấn đề tâm lý.
Không thể phủ nhận rằng hoàn cảnh gia đình không quyết định toàn bộ tính cách của một người, nhưng nó có ảnh hưởng nhất định đến nền tảng và khuynh hướng tính cách (tiêu cực hay tích cực).
Trong hoàn cảnh gia đình, cha mẹ giữ vai trò then chốt, bởi họ chính là những người tạo ra ảnh hưởng sâu sắc, tích cực hoặc tiêu cực, đến cả cuộc đời của một đứa trẻ.
Chỉ xét từ góc độ người mẹ mà nói, những đứa trẻ từ nhỏ không được mẹ chăm sóc tốt thường có 3 vấn đề trong tính cách.
1. Bị mẹ lơ là, trẻ thường có khuynh hướng phân ly
Trong lý thuyết quan hệ đối tượng (object relations), người mẹ đóng vai trò là “đối tượng nguyên thủy”, nếu mẹ không thể phản chiếu đúng nhu cầu cảm xúc của trẻ, điều đó có thể dẫn đến những khiếm khuyết nghiêm trọng trong cấu trúc bản ngã của đứa trẻ.

Nói cách khác, những đứa trẻ không được mẹ chăm sóc chu đáo, hoặc thường xuyên bị mẹ lơ là, sẽ rất khó hình thành một kết cấu nhân cách hoàn chỉnh và ổn định.
Trong tâm lý học có một khái niệm gọi là “mặt nạ nhân cách” (personality mask), là một trong những khái niệm quan trọng của trường phái tâm lý học Carl Jung.
Khái niệm này mô tả những “mặt nạ vai diễn” mà con người sử dụng nhằm đáp ứng các yêu cầu xã hội trong từng hoàn cảnh. Chúng thường phản ánh một phần nhân cách, nên được gọi là “mặt nạ nhân cách”.
Dữ liệu từ nghiên cứu của Phòng khám Tavistock (Anh) cho thấy, 68% bệnh nhân từng bị mẹ bỏ bê có xu hướng phân ly ở một mức độ nhất định.
Tức là, người đó cảm thấy mình bị tách rời khỏi xã hội, không thể nhận thức được nhu cầu thật sự của bản thân, và trong quá trình cố gắng chiều theo mong muốn của người khác, đã dần hình thành nhiều “cái tôi giả”.
Những người không được mẹ chăm sóc chu đáo khi còn nhỏ rất dễ phát triển nhiều “mặt nạ nhân cách” khác nhau, đồng thời có xu hướng kìm nén những nhu cầu thật sự của bản thân.
Thậm chí bản thân họ cũng không thể biết được tâm lý thật sự của mình, từ đó hình thành nên những “bản ngã giả” (pseudoautologous).
Về mặt tính cách thì trông có vẻ bình thường, nhưng thực chất người đó không thể thực sự cảm nhận được cuộc sống, không cảm nhận được sự tồn tại của chính mình, và cũng không thể hình thành một nhân cách trọn vẹn.
2. Không được yêu thương đúng cách, trẻ dễ mắc chứng lo âu xã hội
Với trẻ nhỏ, người mẹ không chỉ là người gần gũi nhất mà còn là đối tượng gắn bó sâu sắc nhất.
Về phía người mẹ, xu hướng bảo vệ con quá mức gần như là phản ứng tự nhiên. Và chính mối quan hệ mẹ – con gắn bó mang tính cộng sinh ấy cũng góp phần định hình tính cách của đứa trẻ trong quá trình trưởng thành.
Việc bị bỏ bê có thể khiến trẻ hình thành xu hướng phân ly, ngược lại, sự bảo vệ và gắn bó quá mức cũng có thể khiến trẻ mắc chứng lo âu xã hội và gặp rào cản trong giao tiếp khi trẻ lớn lên.
Sự can thiệp quá mức từ người mẹ có thể ảnh hưởng đến mức độ hoàn thiện quá trình “tách biệt chủ thể” (Subject Separation) ở trẻ, đây là một giai đoạn quan trọng giúp trẻ phát triển cá tính độc lập.
Tách biệt chủ thể là bước đầu tiên trong quá trình học hỏi và trưởng thành của mỗi người. Tuy nhiên, sự can thiệp quá mức từ người mẹ thường sẽ dẫn đến hai hậu quả tiêu cực cho trẻ:
– Quá bám mẹ: Trẻ dễ trở thành một “đứa trẻ to xác”, nghĩa là dù đã trưởng thành nhưng vẫn phụ thuộc vào mẹ, thiếu kỹ năng giao tiếp và thường gặp thất bại trong các mối quan hệ xã hội.
– Bài xích sự can thiệp của mẹ: Trẻ có xu hướng sợ giao tiếp với mẹ, tự thu mình trong vùng an toàn, phát triển nỗi sợ hoặc ác cảm với việc giao tiếp xã hội.
Một nghiên cứu về thanh thiếu niên tại Hàn Quốc cho thấy, 67% học sinh bị lo âu xã hội và gặp các vấn đề tâm lý do chịu sự can thiệp quá mức từ mẹ.
Cả hai hệ quả trên đều có thể dẫn đến lo âu xã hội và rào cản trong giao tiếp ở mức độ nhất định – và đây cũng là một trong những vấn đề tính cách phổ biến mà nhiều người gặp phải.
3. Thiếu tình thương của mẹ, khiến trẻ thiếu hụt khả năng đồng cảm
Một nghiên cứu từ Trung tâm nghiên cứu tự kỷ của Đại học Cambridge (Anh) cho thấy, trong các bài kiểm tra về “niềm tin sai lệch” và phát triển đạo đức, những đứa trẻ từng bị bỏ bê tình cảm từ sớm có kết quả chậm hơn 11 tháng so với bạn bè đồng trang lứa.

Nói cách khác, nhóm trẻ này rất dễ hình thành nhận thức phi lý và thường không ý thức được rằng mình đang làm tổn thương người khác.
Vì sự phát triển nhận thức của các em diễn ra rất chậm, nên về mặt tính cách, các em thường thể hiện rõ vấn đề thiếu đồng cảm, có xu hướng hành vi giống rối loạn nhân cách ranh giới, và rất dễ bị xem là “trẻ hư” trong mắt người khác.
Xét từ góc độ khoa học thần kinh, nguyên nhân của vấn đề này nằm ở sự kích hoạt bất thường của hệ thống thần kinh gương (Mirror neurons) trong cơ thể.
Khi quan sát cảm xúc của người khác, cường độ tín hiệu BOLD ở hồi trán dưới và thùy đỉnh dưới của họ thấp hơn 29% so với người bình thường.
Điều này khiến họ không thể có được khả năng thấu cảm ở mức tương đương với người khác, dù họ nhận thức được thấu cảm là một kỹ năng xã hội quan trọng thông qua quan sát hành vi của người khác.
Tuy có thể học được hành vi thấu cảm, nhưng họ vẫn không thực sự cảm nhận được cảm xúc của người khác, với họ, thấu cảm chỉ là một công cụ xã giao.
Chính vì vậy, khi trưởng thành, họ thường thiếu khả năng thấu cảm, đồng thời thể hiện tâm lý phòng vệ cao và thái độ lạnh lùng trong các mối quan hệ.
Không thể phủ nhận rằng hoàn cảnh gia đình không thể là cái cớ cho tất cả những khiếm khuyết trong nhân cách hay vấn đề tính cách của một người.
Có một sự thật là, những đứa trẻ chịu ảnh hưởng sâu sắc từ hoàn cảnh gia đình càng nên có dũng khí yêu thương bản thân hơn nữa và sẵn lòng chấp nhận những khiếm khuyết ấy.
Tuy nhiên, vẫn chưa phải là quá muộn nếu người mẹ biết dẫn dắt con kịp thời. Tình thương của mẹ, một mái ấm gia đình hạnh phúc sẽ là nơi chữa lành mọi nỗi đau cho các con.
Theo Aboluowang