Vợ chồng đến được với nhau là do nhân duyên trời định
Bạn có tin rằng vợ chồng đến được với nhau là do nhân duyên trời định? Vì sao trong hàng vạn người đi qua cuộc đời bạn, bạn lại kết hôn với người vợ hiện tại?
- Một ngày vợ chồng, trăm ngày ân nghĩa – câu chuyện cảm động với bao người
- Trân quý duyên vợ chồng, tròn đạo nghĩa phu thê
Nội dung chính
Truyền thuyết Nguyệt lão se duyên
Thời Đường, có một chàng trai mồ côi cha mẹ từ nhỏ tên là Vi Cố. Năm Trinh Quán thứ hai, khi đến Thanh Hà dạo chơi thì giữa đường nghỉ trọ tại phía nam Tống Thành. Có người mai mối giới thiệu cho anh con quan Tư Mã họ Phan và hẹn sáng mai đến cổng miếu Long Hưng.
Cả đêm vui mừng hồi hộp, sáng sớm khi trăng còn chưa lặn anh vội vàng tới trước cổng miếu. Bỗng anh nhìn thấy một ông lão ngồi trên thềm, bên cạnh có ba cái túi vải đang ngồi đọc sách dưới trăng.
Bước tới xem thử, không hiểu chữ viết trong sách nên anh hỏi: “Thưa cụ, cụ đang xem sách gì vậy? Con khổ học nhiều năm, nhưng chưa từng thấy những chữ này bao giờ”.
Ông lão mỉm cười đáp: “Đây không phải sách ở thế gian, sao cậu có thể hiểu được”.
Vi Cố hỏi: “Vậy sách này là ở đâu?”
Ông lão đáp: “Sách của âm phủ”.
Vi Cố ngạc nhiên hỏi: “Sao người ở dưới âm phủ lại đến đây được?”
Ông lão trả lời: “Do cậu đến quá sớm chứ không phải đây là nơi ta không thể đến. Quan viên dưới âm gian không chỉ cai quản việc cõi âm mà còn coi sóc việc nhân gian. Tại sao lại không thể hành tẩu ở đây được?”
Vi Cố lại hỏi: “Vậy ông cai quản việc gì?”
Ông lão đáp: “Chuyện hôn nhân đại sự của mọi người”.
Vợ chồng là do nhân duyên trời định
Vi Cố mừng rỡ hỏi: “Con mồ côi cha mẹ tử nhỏ nên muốn thành thân sớm, mười mấy năm qua đã cầu thân nhiều nơi đều không thành. Hôm nay có người mai mối con quan Tư Mã, ông xem giúp chuyện hôn sự lần này có thể thành công được không?”
Ông lão trả lời: “Không thành, phu nhân tương lai của cậu mới vừa 3 tuổi, đến năm 17 tuổi mới vào nhà cậu ở được”.
Vi Cố lại hỏi: “Trong cái túi của ông mang gì thế?”
Ông lão đáp: “Dây tơ hồng! Dùng để cột vào chân của hai người. Chờ khi họ an định, ta sẽ lặng lẽ cột vào chân của họ. Bất kể hai nhà họ là thù địch hay giàu nghèo cách biệt, cách xa nhau vạn sông ngàn núi, chỉ cần buộc dây tơ hồng vào rồi thì không thể nào thoát khỏi nhau được. Chân của cậu với cô gái kia cũng được buộc rồi, cậu tìm người khác thì có ích gì?”
Vi Cố hỏi tiếp: “Vậy nàng dâu của con là ai? Nhà ở đâu?”
Ông lão trả lời: “Con gái nhà bán rau ở phía bắc của quán trọ”.
Vi Cố hỏi: “Con muốn đi xem thử được không?”
Ông lão đáp: “Bà lão luôn bế cô bé theo khi đi bán rau, lát nữa cậu đi theo ta, ta sẽ chỉ cho cậu.”
Muốn cải biến ý trời
Đến khi trời sáng, người mà Vi Cố chờ vẫn chưa tới. Vì vậy Vi Cố quyết định đi theo ông lão để xem thử một chút. Ông lão gấp sách lại, đeo cái túi vào và lên đường, Vi Cố theo ông lão đến chợ, thấy có bà lão bị mù một mắt đang ẵm một bé gái 3 tuổi, trông vô cùng bẩn thỉu xấu xí. Ông lão chỉ vào bé gái và nói với Vi Cố: “Đó là vợ của cậu”.
Vi Cố bực tức hỏi: “Cháu giết chết bé gái này được không?”
Ông lão nói: “Số mạng bé gái này được ấn định đại phú quý, sẽ cùng cậu chung hưởng hạnh phúc, sao có thể giết được?” Nói xong, ông lão biến mất.
Về nhà, anh ta tức giận mài sẵn một con dao rồi đưa cho người hầu và dặn: “Nếu ngươi giúp ta giết chết đứa bé đó, ta sẽ cho một vạn quan tiền”.
Người hầu nhận lời, giấu con dao trong tay áo rồi đi ra chợ, nhân lúc mọi người chen chúc lộn xộn liền đâm bé gái kia một dao rồi bỏ chạy. Trong chợ rất hỗn loạn nên người hầu này có thể chạy thoát được.
Khi trở về, Vi Cố hỏi người hầu: “Đâm có trúng không?”
Người hầu đáp: “Tôi vốn định đâm vào tim nhưng không trúng, trúng ngay giữa hai chân mày”.
Sau đó, anh ta nhiều lần cầu thân nhưng đều không thành công.
Đã là duyên nợ thì nhất định sẽ gặp lại
14 năm trôi qua, Vi Cố tòng quân trở thành thuộc hạ của quan Thứ sử Vương Thái. Thấy anh có tài, quan Thứ sử liền gả con gái cho. Vợ anh khoảng mười sáu, mười bảy tuổi, dung nhan mỹ miều. Dù đạt như tâm nguyện, nhưng anh thấy giữa hai chân mày vợ luôn dán một bông hoa giấy nhỏ, tắm gội cũng không lấy ra.
Tò mò, anh hỏi chuyện và người vợ nước mắt rưng rưng kể: “Thiếp là cháu của quan Quận thủ đại nhân, không phải con đẻ của ông. Cha thiếp trước là quan của huyện Tống Thành, chết lúc đương chức. Lúc đó thiếp còn đang quấn tã lót, mẹ và anh trai cũng lần lượt qua đời. Gia đình chỉ còn một căn nhà ở phía nam Tống Thành. Thiếp sống với nhũ mẫu tên Trần Thị. Hàng ngày bán rau kiếm sống”.
“Vú nuôi thương thiếp quá nhỏ nên đi đâu cũng đưa đi theo. Năm 3 tuổi, trong khi ra chợ bán rau bị tên côn đồ đâm trúng vào giữa hai chân mày, để lại vết sẹo, vì thế thiếp phải dùng bông hoa giấy nhỏ để che đi. Thúc thúc đến nhận chức ở huyện Lư Long đã bảy, tám năm nay, thiếp may mắn được theo thúc thúc, cũng lấy danh nghĩa là con gái của ông để gả cho chàng”.
Vợ chồng đến được với nhau là do nhân duyên trời định
Vi Cố hỏi vợ: “Trần Thị có phải là bị mù một mắt hay không?”
Vợ của Vi Cố đáp: “Đúng vậy! Vì sao chàng lại biết?”
Vi Cố nói: “Người đâm nàng là do ta phái đi, đây quả là chuyện kỳ lạ!” Thế rồi, Vi Cố đem toàn bộ câu chuyện kể lại hết cho vợ nghe.
Từ đó hai vợ chồng ngày càng “tương kính như tân”, sau này sinh hạ được một bé trai đặt tên là Vi Côn, lớn lên làm quan Thái thú ở Nhạn Môn. Vợ Vi Cố được phong làm Thái Nguyên quận Thái phu nhân.
Qua đây có thể thấy, không phải ngẫu nhiên mà hai người không quen biết gặp nhau trong biển người mênh mông lại có thể nên duyên vợ chồng. Cũng giống như câu tục ngữ cổ: “Trăm năm mới đặng chung thuyền, ngàn năm mới đặng nên duyên vợ chồng”, vợ chồng đến được với nhau đều là do nhân duyên trời định, dù có muốn thay đổi cũng không thể được.
Tổng hợp