Trong lúc hai người đang xảy ra tranh chấp, nếu có thể nhận được lời khuyên đúng đắn thì mâu thuẫn sẽ được hóa giải; cả hai sẽ tránh bị thiệt hại mà người khuyên can cũng sẽ nhận được phúc báo. Ngược lại, nếu ai ngấm ngầm xúi giục, kích động người khác kiện tụng thì rồi cũng sẽ bị báo ứng.

Xúi giục người khác kiện tụng bị báo ứng

Sau lưng của Lưu Nguyện Chất có một cái mụn nhọt lớn, các thầy thuốc đã dùng mọi cách để chữa trị mà vẫn không có hiệu quả. Thầy thuốc nói: “Tôi bất lực rồi, xin hãy tìm một người khác giỏi hơn”.

Lưu Nguyện Chất đi mời một đạo sĩ và hướng về Bắc Đẩu Tinh Quân (các vị thần trông coi các ngôi sao trong chòm sao Bắc Đẩu) mà khấn vái cầu xin. Buổi tối ông nằm mơ thấy một vị Thần nói với ông rằng: “Ngươi mạo phạm pháp luật thiên đình. Dù cho có hướng về Bắc Đẩu Tinh Quân mà thỉnh cầu thì cũng khó mà tránh bị trừng phạt”.

Lưu Nguyện Chất nói với Thần linh rằng: “Con phạm vào tội gì?”

Thần linh nói: “Khi ngươi đi dạy học ở nhà người kia, ngươi đã xúi giục gia đình nhà người ta đi kiện. Việc này khiến cả hai gia đình đều bị tổn thất”.

Lưu Nguyện Chất nói: “Con không làm việc đó, là em trai Lưu Nguyện Lập của con làm”. Nghe thấy vậy, Diêm Vương liền lệnh cho phán quan thẩm tra đối chiếu, phát hiện ra là do Lưu Nguyện Lập làm. Vì vậy đã miễn trừ bệnh cho Lưu Nguyện Chất. Đến năm thứ hai thì Lưu Nguyện Lập qua đời.

Không tu khẩu, tùy tiện can thiệp làm cho mẫu thuẫn của người khác thêm gay gắt sẽ phải chịu quả báo
Không tu khẩu, tùy tiện can thiệp làm cho mẫu thuẫn của người khác thêm gay gắt sẽ phải chịu quả báo (ảnh clipart-library)

Giúp người khác viết đơn ly dị bị tước công danh

Trong “Bắc đông viên bút lục sơ biên” của Lương Cung Thần vào triều đại nhà Thanh có ghi lại: Vào triều đại nhà Thanh, ở Ninh Ba có một người tên là Cát Quan Sát đã giúp đồng hương của mình viết đơn ly dị; nhờ vậy mà kiếm được mấy đồng bạc. 

Cát Quan Sát vốn trong mệnh đã được định làm trạng nguyên; nhưng bởi vì giúp người khác viết đơn ly dị mà bị hạ xuống làm cử nhân, chỉ được làm chức giám tư. Cát Quan Sát có một người bạn chuyên coi miếu thờ. Người này đã phàn nàn với Cát Quan Sát về việc mỗi lần anh đi qua một tòa miếu thờ, anh lại hướng vào thần linh ở trong miếu mà thở dài. Việc này khiến thần linh ở trong miếu không thể chấp nhận được. Mỗi khi Cát Quan Sát thở dài thì Thần linh lại đứng dậy bỏ đi. Thần linh báo mộng cho người coi miếu, muốn người xây một bức tường chắn ở trước miếu. 

Lúc người coi miếu đang chuẩn bị khởi công thì mơ thấy Thần linh ở trong miếu báo mộng rằng: Không cần, Cát thư sinh đã giúp người khác viết đơn ly dị nên Thiên thượng đã tước công danh khoa cử của anh ta rồi.

Từ chối viết đơn kiện khi hai anh em xảy ra tranh chấp

Ở Hữu Ninh có một vị thầy giáo dạy trường tư thục (từ đây gọi là Tư Thục Lão Sư), nhà rất nghèo khó. Tuy vậy ông vẫn không ngừng nghiên cứu học tập, đặc biệt là rất thích tìm hiểu về pháp luật.

Trong thôn có một phú ông vừa mới qua đời và hai người con trai của ông đang tranh giành tài sản với nhau. Người anh trai muốn kiện em trai của mình nên đã cầm theo rất nhiều tiền đến gặp Tư Thục Lão Sư; muốn nhờ ông viết hộ đơn kiện. Tư Thục Lão Sư nói: “Tôi học luật là để sau này tránh bị phạt tù; chỉ là chuẩn bị trước vậy thôi! Tôi làm sao có thể giúp ông viết đơn kiện được?”

Tư Thục Lão Sư khuyên giải người anh trai, không nên chỉ vì chút tài sản mà anh em tương tàn; tổn thương hòa khí… Người anh trai nghe xong cũng có chút cảm động. Người em trai cũng đến gặp Tư Thục Lão Sư và cũng được ông khuyên giải. Người em trai nghe xong cũng cảm thấy rất xúc động. Từ đó về sau hai anh em hòa thuận với nhau, cùng nhau chung sức làm ăn. Công việc buôn bán của 2 anh em vì vậy mà càng ngày càng thuận lợi hơn. 

Khuyên giải giúp gia đình người khác thuận hòa sẽ được nhận phúc báo
Khuyên giải giúp gia đình người khác thuận hòa sẽ được nhận phúc báo (ảnh clipart-library)

Khuyên giải tranh tụng được phúc báo

Một ngày nọ, hai anh em trong lúc đang bán ván thì phát hiện ở trên tấm ván có khắc tên của Tư Thục Lão Sư. Hai người lập tức hiểu ra đạo lý trong đó. Hai người họ nói rằng: “Anh em chúng ta lúc trước tranh tụng, nếu không được Tư Thục Lão Sư khuyên giải thì gia nghiệp hôm nay sao có thể hưng vượng thế này được. Chúng ta phải đền đáp cái ơn này”. Hai người giao hẹn với nhau, sẽ lấy tất cả lợi nhuận bán số ván này tặng cho Tư Thục Lão Sư. Sau khi họ về nhà kết toán lại thì thấy lời được ba trăm lượng bạc.

Khi hai anh em đến nhà Tư Thục Lão Sư để tặng bạc, họ thấy Tư Thục Lão Sư và con trai đang ngồi đối diện với nhau ăn cháo mạch. Tư Thục Lão Sư tuổi cũng đã lớn và không còn đi dạy học sinh nữa; cuộc sống rất khó khăn. Hai anh em tặng bạc cho Tư Thục Lão Sư nhưng ông từ chối. Hai anh em mới kể lại chuyện buôn bán thuận lợi nhờ đoàn kết với nhau; lúc này Tư Thục Lão Sư mới chịu nhận nhận chút số bạc.

Không xúi giục kiện tụng nên được miễn trừ tội nghiệp

Trong “Lâu đông minh án” có ghi lại câu chuyện về một người thầy kiện, đã bị quỷ tốt mang đến âm phủ. Diêm Vương nói: “Nghề nghiệp của ngươi chính là tạo ác nghiệp. Thế nhưng ngươi trong lúc ghi đơn kiện lại khuyên người ta đừng có tranh tụng; không nên vu cáo; trong đơn kiện lại cố tình ghi giảm nhẹ đi một chút. Bởi vì ngươi có thiện niệm này, cho nên mới có thể được miễn trừ tội nghiệp. Phán ngươi hoàn dương kéo dài tính mạng”.

Người thiện lương sẽ không đi xúi giục người khác tranh tụng; hay đổ thêm dầu vào lửa trong các mâu thuẫn giữa người với người; nhờ vậy mà nhận được phúc báo. Còn những người không biết tu khẩu, tùy ý can thiệp vào chuyện của người khác; kích động xúi giục thì rồi cũng sẽ bị quả báo.

Theo Chánh Kiến