Có câu “tai vách mạch rừng”, trước khi nói điều gì thì chúng ta phải suy nghĩ trước sau, không nên nói lung tung, tránh để người khác nghe được mà tự chuốc họa vào thân. 

Người có nhân phẩm tốt thì sẽ biết ‘giữ mồm giữ miệng’, nói chuyện với ai thì cũng chỉ cười vui lúc đó rồi cho qua, không để trong lòng; cũng càng không đi lan truyền thị phi khắp nơi.

Làm người thì phải nhớ “nói không quá lời, giỡn không quá trớn”, lời nào không chắc thì tốt nhất là không nên nói. Đối với những điều ở dưới đây, bạn dù có cao hứng đến mấy cũng không nên đi nói với người khác để tránh phiền phức.

1. Không nên kể chuyện nhà của cấp trên cho đồng nghiệp

Có câu “nhân vô thập toàn”, ngay cả cấp trên thì vẫn sẽ mắc sai lầm như bình thường và thậm chí là làm ra một số việc đáng xấu hổ; gia đình của sếp cũng có thể xảy ra lục đục tranh chấp mà không hạnh phúc.

Nếu bạn thân với sếp của mình thì thông thường sẽ được nghe những câu chuyện về quá trình khởi nghiệp hay là hoàn cảnh gia đình của sếp. Người thông minh đều biết rằng, cấp trên thường không muốn người khác biết về hoàn cảnh gia đình của mình; nhất là một số sếp có gia đình không được hòa thuận. Tuy nhiên, việc nhà sếp thường là điều mà đồng nghiệp muốn biết và hay có tâm lý tò mò.

Có người thích kể lể chuyện gia đình của cấp trên để chứng tỏ rằng họ rất thân với sếp; việc này thường khiến cấp trên rất khó chịu. Lúc bị sếp để ý rồi thì sẽ thường xuyên bị làm khó dễ, không phải ai cũng có tấm lòng khoáng đạt.

2. Không nên lấy chuyện người khác đi nói lung tung

Đồn đoán gây thị phi sẽ tạo nghiệp cho bản thân
Đồn đoán gây thị phi sẽ tạo nghiệp cho bản thân (ảnh Twitter)

Nhiều người cho rằng chuyện bê bối của gia đình mình thì không thể nói, nhưng chuyện của gia đình khác thì có thể nói. Một số người còn cứ cố tình chạm vào nỗi đau của người khác; vui thích kể cho mọi người nghe bê bối của người khác. 

Thực tế là sau khi câu chuyện được kể ra rồi thì sẽ mau chóng lan nhanh và có nhiều phiên bản khác nhau. Lời nói của bạn sẽ làm tổn thương người khác và tổn thương chính mình. Nếu lời nói của bạn trở thành tin đồn ác ý thì thậm chí bạn cũng bị vạ lây.

Tốt nhất là chỉ nên nói về những ưu điểm của người khác; còn những gì như bê bối thì hãy để người trong cuộc tự mình nói ra nếu họ muốn; đừng đơm đặt thêm thắt mà tự gây họa cho chính mình.

3. Chuyện tình cảm đừng bàn tán lung tung với người khác

Chuyện tình cảm không ai có thể nói trước được. Có cặp vợ chồng đã gắn bó với nhau hơn mười năm, vậy mà rồi cũng mỗi người mỗi ngả; có người luôn miệng nói “yêu gia đình”, vậy mà chớp mắt cái đã ngoại tình với người khác…

Trên thực tế, có nhiều cặp vợ chồng đến với nhau nhưng không phải là ‘mối tình đầu’. Họ đã có vài mối tình trước khi cưới. Sau khi kết hôn có thể vẫn còn liên hệ với người cũ.

Những mối tình đó đều là “hữu duyên vô phận”, cũng không có gì phải quá lưu luyến. Nếu bạn kể những điều này với người khác hoặc nói với gia đình mình thường xuyên thì gia đình sẽ khó mà hòa thuận được. 

Tình yêu là ích kỷ, không ai có thể dung chứa ‘bên thứ ba’ được; nếu bạn cứ liên tục nói về bên thứ ba thì chính là đang phá hoại gia đình.

Dù chuyện tình cảm của bạn hay của người khác, nếu nó không liên quan gì đến hôn nhân gia đình thì không nên đi nói lung tung. Bảo vệ quyền riêng tư của bạn và tôn trọng quyền riêng tư của người khác là thể hiện của một người có giáo dưỡng. 

4. Không nên nói về chuyện kiếm tiền

5 điều không nên nói ra để tránh tai họa
Người không biết giữ bí mật cũng sẽ không nhận được sự tín nhiệm của người khác (ảnh depositphotos)

Những người thực sự có đầu óc thường giỏi kiếm tiền và có thể tìm ra những con đường tắt để kiếm tiền. Nhiều người cho rằng nên chia sẻ việc kiếm tiền cho người khác. Tuy nhiên không phải lúc nào cũng nên như vậy; có những thứ gọi là ‘tuyệt mật’ và không thể cứ thế nói thẳng ra được.

Trong bất kỳ ngành nghề nào cũng có áp lực cạnh tranh; biết giữ mồm giữ miệng thì cũng là bạn đang giảm bớt sự cạnh tranh cho chính mình. 

Ví dụ như những cửa hàng lâu đời đều sẽ lựa chọn rất kỹ người thừa kế; không dễ mà đem bí quyết kiếm tiền của cửa hàng nói cho người khác; đặc biệt là những cửa hàng kiếm tiền dựa vào kỹ nghệ. 

Đương nhiên, cũng không phải là tất cả các cách kiếm tiền đều không thể nói; mà chủ yếu là bạn phải biết phân biệt. 

5. Không nên nói về những vấn đề quan trọng của công ty

Ở nơi làm việc mọi người nên có ý thức “giữ bí mật”. Không nên kể cho người khác nghe mọi chuyện của cơ quan. Đặc biệt là ở một số công ty, các quyết định lớn thường là bí mật kinh doanh và có thể ảnh hưởng đến sự tồn vong của công ty.

Một người có đạo đức nghề nghiệp sẽ không tiết lộ bí mật của công ty. Ngay cả khi có xích mích với cấp trên thì cũng không vì thế mà đi nói ra bí mật của công ty. Một người không biết giữ bí mật thì rất khó được tín nhiệm.

“Bệnh từ miệng mà vào, họa từ miệng mà ra”, quản lý tốt cái miệng của mình là có thể giảm thiểu được tai họa. Nếu bạn không nghĩ ra được cái gì hay để nói thì tốt nhất là giữ im lặng. Nói ít làm nhiều, hãy để thành tích và những hành động tử tế phản ánh phẩm chất của bạn.

Theo Aboluowang