Cảnh đời đen bạc, gần hết kiếp người mới tìm được điều trân quý
Suốt đời lo lắng vun vén cho cuộc sống gia đình, nhưng cảnh đời đen bạc cứ vận vào thân, gần hết kiếp người bác Yên mới tìm được điều trân quý.
- Bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời cô giáo dạy văn
- Thạc sĩ trẻ bị viêm não, cánh cửa cuộc đời sắp khép lại thì điều kỳ diệu đã xảy ra
Nội dung chính
Những bước đầu đời thật ấm êm
Đến thôn Đồng Thôn, xã Đông Tiến, tôi tìm vào nhà của bác Cù Thị Yên (74 tuổi) – một người phụ nữ đảm đang tháo vát, dáng vẻ nhanh nhẹn, gương mặt vui vẻ, hiếu khách, trên môi luôn nở nụ cười tươi.
Trên dọc ngõ đi nhà bác là hoa rau trồng rất mát mắt, biết ngay chủ nhân là người hay lam hay làm. Nhưng có ai ngờ bác ấy đã phải trải qua một cuộc đời khổ đau, bệnh tật chất chồng, bất hạnh như thế nào? Ý chí kiên định của người phụ nữ này thật khiến người ta cảm phục!
Sinh ra và lớn lên ở vùng quê gần thị trấn Chờ – ven con sông Cầu lơ thơ nước chảy; con sông đã đi vào thi ca, vào huyền thoại cổ tích ấy. Cô gái Cù Thị Yên ấy lớn lên như hạt lúa củ khoai quê mình. Ở nơi ấy đâu đây còn bâng khuâng câu hát “chợ Chờ em vẫn chờ ai”.
Năm 1965, vừa 17 tuổi – Cù Thị Yên – cô gái xinh xắn với nước da đen giòn ấy đi thoát ly, nhập học tại trường Cơ khí của Bộ công nghiệp nhẹ ở Yên Dũng, Hà Bắc. Học xong 3 năm với thành tích học tập khá xuất sắc, bác được giữ lại làm giáo viên của trường.
Chuyến công tác xa là khởi đầu của bất hạnh
Trải qua thời gian 5 năm làm giáo viên, bác được điều về Bộ công nghiệp nhẹ rồi cử đi học tại chức. Ở Đại học Kinh tế kế hoạch (nay là Đại học Kinh tế quốc dân – khoa Công nghiệp), bác nay đây mai đó, vì vốn là người thông minh nhanh nhẹn, ở cương vị công tác nào bác cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình.
Tổ chức phân công đi đâu bác cũng đem 2 con trai theo đó. Vì chồng là bộ đội nên bác phải gánh vác mọi công việc gia đình. Lúc này ba mẹ con bác ở khu tập thể nhà máy dệt. Bác phải thuyên chuyển công tác nhiều nơi, và bến đỗ cuối cùng là nhà máy gỗ Chương Dương Độ.
Tưởng chừng như đây là bến đỗ bình yên nhất với cuộc đời của hai vợ chồng và hai cậu con trai xinh xắn. Nhưng ai ngờ đây lại là nơi khởi nguồn của những bất hạnh nối tiếp trong cuộc đời bác.
Niềm vui ngắn chẳng tày gang, năm 1986, bác nhận được quyết định là cán bộ tăng cường xuống Hải Phòng để làm kinh tế cho dịch vụ cơ quan. Tổ ấm của bác bắt đầu bị sóng gió xô nghiêng ngả từ đây.
Lâu lâu mới về thăm chồng con một lần. Bác đâu biết được sự tình éo le, chồng bác đã có con với một người phụ nữ thuê nhà ở tầng 1. Vậy là gia đình mâu thuẫn bất hòa. Hai con trai buồn chán chẳng thiết tha với học hành.
Đi sang Lào để quên đi cảnh đời đen bạc
Năm 1988 khi nhận quyết định nghỉ hưu, bác chán cảnh nhà liền đưa 2 anh con trai sang Lào. Ba mẹ con “đất khách quê người” làm ăn buôn bán vất vả do ngôn ngữ bất đồng.
Do thiếu thông tin liên lạc, trong một lần trở về Việt Nam vào năm 1996, bác bất ngờ khi biết được căn nhà của mình đã có chủ mới. Chồng bác đã bán căn nhà với giá 40 cây vàng để lấy tiền về làm nhà ở quê cô vợ mới ở Hưng Yên. Bác ngỏ ý chuộc lại – họ nói là giá 20 tỷ – Thôi đành bó tay.
Hai con trai ngày một khôn lớn, sau 10 năm sinh sống ở Lào, trong một lần về nước, bác quyết định hỏi thăm để tìm về chỗ ở ngôi nhà cô vợ mới kia và ngỏ ý muốn đón chồng sang Lào sống cùng mẹ con bác. Nhưng bác trai ngỏ ý muốn đem cả bà kế sang đó làm ‘ô sin’ cho bác.
Nhưng “chồng chung chưa dễ ai chiều cho ai!” – việc đón chồng và cha cho các con không thành. Bác muốn gia đình đoàn tụ vì ‘con có cha như nhà có nóc’, các con đã trưởng thành, nếu có cha thì dễ yên bề gia thất hơn.
Hơn nữa, bác cũng thương người chồng trót dại mang tiền về làm nhà trên đất nhà cô vợ mới. Trong một lần uống rượu say cãi nhau, anh em nhà vợ đã đuổi chồng bác và nói rằng khiêng nhà đi đâu thì khiêng, không cho ở đất này nữa. Thôi thì “ngậm bồ hòn làm ngọt”, chồng bác vẫn phải sống ở quê vợ hai cho đến cuối đời.
Cơ duyên đắc Đại Pháp
Năm 2015, bác Yên chuyển khẩu về quê mua 1 mảnh đất 280m2 cùng với cậu em trai; mỗi nhà 140m2, làm nhà lên hết gần 1 tỷ rồi bác lại quay sang Lào tiếp tục làm ăn.
‘Họa vô đơn chí, phúc bất trùng lai’, đến tháng 11 năm 2016 bác bị tai biến ở Lào: bị liệt nửa người, không nói được; đi viện tốn kém nhưng không giải quyết được vấn đề. Bác tìm hiểu trên mạng biết có một môn khí công tu Phật là Pháp Luân Đại Pháp (còn gọi là Pháp Luân Công) nhưng ngôn ngữ bất đồng rất khó tiếp cận.
Bác bàn với hai con và quyết định năm 2017 về hẳn Việt Nam định cư. Sau khi về quê hương bản quán, bác đăng tin trên mạng muốn tập Pháp Luân Công tại nhà nhờ người hỗ trợ.
Hai tháng sau có người đến chia sẻ, nhận lời hỗ trợ và mua hộ bác sách Chuyển Pháp Luân – cuốn sách chính chỉ đạo tu luyện Pháp Luân Công. Đến tháng 8 năm 2018 bác chính thức đắc pháp và bước vào tu luyện.
Thời gian đó, do bị ảnh hưởng bởi những tuyên truyền sai lệch và vu khống Đại Pháp ở trên mạng, nên anh em họ hàng can thiệp, báo công an, không cho người chở bác đi học Pháp chung với các học viên khác (lúc này bác chưa thể tự đi lại do chân tay yếu). Tuy nhiên, bác Yên biết Pháp Luân Công là tốt và hoàn toàn hợp pháp nên vẫn kiên trì tập luyện.
Đắc được Đại Pháp là điều may mắn nhất!
Trước khi tu luyện, bác bị chín mé, hôi chân, viêm tai giữa, thoái hóa khớp toàn phần, huyết áp cao, tai biến. Sau ba năm tu luyện bác đã hoàn toàn bình phục, khỏe mạnh. Ở tuổi 75, bác vẫn ngồi trên xe đạp điện phóng vèo vèo.
Tu luyện rồi bác mới hiểu ra đời có nhân quả nghiệp báo. Những gì người chồng đã gây ra cho bác cũng có thể là nghiệp mà bác phải chịu. Vì vậy bác cũng thôi không oán trách chuyện xưa nữa.
Cả đời bác tranh tranh đấu đấu, bon chen ngoài xã hội, đến khi về quê lại không có nổi một tấc đất cắm dùi; lại phải bỏ ra một số tiền lớn để mua đất. Trong khi những người dân quê hiền lành chân chất thì lại có vài mảnh đất; mỗi mảnh cũng vài tỷ mà có phải tranh giành gì với ai đâu! Lúc này bác Yên mới tin rằng đời người có định số, cái gì của mình thì cũng đã an bài từ trước rồi; không cần phải tranh chấp với ai, cứ an nhiên mà vui sống.
Đối với những người hiểu lầm về Đại Pháp, bác Yên chỉ thấy tiếc cho họ. Vì đã tự mình trải nghiệm nên bác biết Pháp Luân Công chỉ có tốt chứ không có một điều xấu nào. Bác nói: “Đắc Đại Pháp tôi thấy quá may mắn. Không có gì trên đời trân quý bằng đắc được Pháp này”.
Cảnh đời đen bạc, may đến cuối đời bác lại đắc được Đại Pháp trân quý; bao nhọc nhằn bất hạnh kiếp người thì tới nay cũng không cần phải nghĩ đến nữa.