Phạm lỗi mà có thể sửa đổi là hành động tốt đẹp nhất
Người xưa nói: “Sửa đổi tất sinh trí tuệ, che giấu trong lòng không phải là người hiền đức”, phạm lỗi mà có thể sửa đổi là hành động tốt đẹp nhất.
Con người có ai mà chưa từng mắc sai lầm?
Con người ai mà không từng phạm phải sai lầm? Nhưng phạm phải rồi mà lại có thể sửa đổi thì không có hành động nào tốt đẹp hơn. Mắc phải sai lầm rồi mà lại không sửa đổi, đây mới chính là sai lầm lớn nhất.
Vô tâm mà mắc phải sai lầm thì gọi là “lỗi lầm”; biết rõ mà vẫn phạm phải thì gọi là “ác”; biết sai mà có thể sửa đổi thì sai lầm sẽ biến mất. Nếu một người nói dối để che giấu đi sai lầm của mình, thì đây gọi là đã sai lại càng thêm sai, cũng gọi là tội chồng thêm tội.
Sai lầm của quân tử giống như là nhật thực, nguyệt thực: Phạm phải sai lầm mọi người đều có thể nhìn thấy; sửa lại lỗi lầm, cũng giống như là sau khi hết nhật thực và nguyệt thực, ánh quang minh lại hiện ra, mọi người đều ngưỡng mộ. Lúc anh ta sửa đổi, thì cũng giống như là nhật nguyệt khôi phục lại ánh sáng, mọi người đều ngưỡng vọng anh ta.
Một người đức tính cao thấp ra sao chính là ở chỗ biết sửa đổi, cẩn thận ngôn hành, thái độ xử thế quang minh chính đại; nếu làm được như vậy thì cách Đạo cũng không còn xa nữa.
Chỉ cần biết sửa đổi thì không có bao giờ là trễ
“Biển khổ vô biên quay đầu là bờ”, điều gì gọi là thiện? Điều gì gọi là ác? Mọi người giải thích là: Dựa vào đức mà hành thì gọi là thiện, làm trái lại với đức mà hành thì gọi là ác. Có một nhà giáo dục đã nói rằng: “Hôm nay tốt hơn so với hôm qua thì gọi là thiện, hôm nay xấu hơn so với hôm qua thì gọi là ác”. Lời giải thích này khá độc đáo và cũng rất có ý nghĩa.
Vào thời Nam Bắc triều có một người tên là Chu Xử. Lúc còn trẻ, anh khỏe mạnh cường tráng và có phần hơi hung hãn. Hàng xóm coi anh cứ như một mối họa lớn của địa phương. Khi ấy ở mé nước huyện Nghĩa Hưng có một con giao long, trong núi thì có một con bạch hổ, thường xuất hiện để hại người, vì vậy người trong thôn gộp cả Chu Xử, giao long và bạch hổ lại gọi là “Tam hoành” (3 thứ hung ác) hoặc “Tam hại” (3 thứ tai hại), trong đó coi Chu Xử là nguy hiểm nhất.
Vì vậy có người lên kế hoạch cho Chu Xử đi giết con giao long và bạch hổ. Chu Xử vốn có tính không chịu thua ai, vì vậy khi bị kích động, anh quả thực đã lên núi để giết hổ. Sau đó lại xuống nước để chém giao long.
Phạm lỗi mà dám sửa đổi thì đó cũng là bậc quân tử
Vào lúc đi giết giao long, bởi vì giao long không thường xuất hiện, vì vậy Chu Xử phải chạy đi xa mấy chục dặm trong 3 ngày 3 đêm. Lúc ấy người trong thôn đều cho là Chu Xử đã chết rồi. Toàn thôn còn tổ chức đại hội ăn mừng “Tam hoành dĩ diệt” (3 thứ hung ác đã bị tiêu diệt).
Nhưng không ngờ Chu Xử lại trở về. Chu Xử vừa bước vào trong thôn thì nghe thấy người trong thôn đang ăn mừng về sự mất tích của anh. Lúc đó anh mới nhận ra là mấy chục năm nay anh bị người trong thôn ghét bỏ, cú sốc này đã khiến anh quyết tâm thay đổi.
Chu Xử đã đến quận Ngô tìm đại danh sĩ Lục Thanh Hà, thật thà sám hối với ông và nói: “Tôi vốn muốn tu đức sửa đổi, nhưng mà tuổi tác đã cao rồi, sợ sẽ không có thành tựu gì!”. Lục Thanh Hà khuyên anh rằng: “Cổ nhân nói ‘sáng nghe đạo, chiều có thể chết’, có thể ngộ đạo là điều đáng quý. Huống hồ tiền đồ của anh còn rất lớn! Anh đã có tâm muốn sửa đổi, vậy thì còn sợ gì sẽ không có thanh danh?” Chu Xử từ đó vui mừng sửa đổi, dũng cảm hành thiện, cuối cùng trở thành một trung thần, hiếu thảo.
Qua đây có thể thấy, sửa đổi hành thiện là không có sớm hay muộn; phạm lỗi mà có thể chân tâm hối cải thì lúc nào cũng là thời điểm tốt để sửa đổi.
Theo Vision Times
Xem thêm video: