Bạn có từng nghe nói đến “định luật quạ đen”?
Quạ đen được xem là một điềm gở, nhưng “định luật quạ đen” lại ẩn chứa một ý nghĩa tu dưỡng sâu sắc, giúp chúng ta nhìn lại bản thân mình.
- Nội tâm tĩnh lặng là thể hiện của người có tu dưỡng
- Sự tu dưỡng bắt đầu từ những tiểu tiết – 5 quy tắc ngầm trong giao tiếp
Thế nào là “định luật quạ đen”?
Từng có một câu chuyện như thế này:
Quạ đen và bồ câu sống trong một khu rừng nhỏ. Có một hôm, quạ đen chuẩn bị rời đi, nên đến từ biệt người bạn bồ câu của mình.
Bồ câu hỏi quạ đen: “Tại sao bạn muốn chuyển đi nơi khác?”
Quạ đen đáp rằng: “Kỳ thực tôi cũng không muốn chuyển đi, nhưng người dân ở đây thực sự không thân thiện với tôi chút nào. Họ chê tiếng kêu của tôi khó nghe quá và họ không chào đón tôi ở lại. Tôi thực sự không thể ở lại được nữa”.
Bồ câu trầm tư một hồi lâu, rồi nói với quạ đen: “Bạn ơi! nếu bạn không thay đổi tiếng kêu của mình, thì dù bạn có bay đi đâu, cũng sẽ không có ai chào đón bạn cả”.
Đây chính là “định luật quạ đen”: Chính là học cách để nghiêm khắc với bản thân và khoan dung với người khác. Nếu bạn không thay đổi những khuyết điểm của bản thân, mà mù quáng chọn cách trốn tránh, thì vấn đề sẽ không giải quyết được mà bạn còn có thể gặp nhiều rắc rối hơn.
Thay đổi cảm xúc: Gặp vấn đề ngừng đổ lỗi
Người xưa có câu “Nhân phi Thánh Hiền, thục vô năng quá”. Có nghĩa là con người không phải là Thánh hiền, ai chẳng lầm lỗi? Do đó, mỗi người trên đời ai cũng có thể phạm sai lầm, không ai hoàn hảo cả.
Không đổ lỗi khi sự việc xảy ra, không chỉ phản ánh sự tu dưỡng của một người, mà còn cho phép chúng ta có thể giải quyết mọi việc một cách tốt hơn.
Thời xưa, vì sự tranh giành quyền lực trong triều đình, đại văn hào Tô Thức đã nhiều lần bị Chương Đôn hãm hại. Bởi vậy mà con đường làm quan của ông gặp không ít những nhấp nhô thăng trầm.
Nhưng hoàn cảnh khắc nghiệt này lại giúp ông tôi luyện ý chí của bản thân mình. Trong tình cảnh tuyệt vọng, ông vẫn có thể giữ được tâm thái bình thản, hiên ngang, không chút động tâm.
Năm thứ 3 sau khi bị giáng chức đến Hải Nam, vua Tống Triết Tông băng hà, Tống Huy Tông Triệu Cát kế vị, triều đình đã tiến hành đại xá thiên hạ.
Con trai của Chương Đôn lo sợ rằng Tô Thức sẽ trả thù khi quay trở lại. Vì vậy, anh ta thức đêm để viết thư cho Tô Thức xin tha thứ, hy vọng ông có thể bỏ qua những chuyện ngày xưa.
Tuy nhiên, Tô Thức đã không hề trả thù kẻ đã hãm hại mình mà thay vào đó, ông gửi cho Chương Đôn một phương thuốc và mong ông ấy giữ gìn sức khỏe.
Ông đã viết trong bức thư hồi âm của mình như sau: “Đã là chuyện dĩ vãng rồi, nói nữa có ích gì”.
Đối mặt với những tổn hại mà Chương Đôn đã gây ra cho mình trong quá khứ, Tô Thức đã chọn cách tha thứ và buông bỏ những chuyện đã qua.
Đây chính là biểu hiện của tâm thái an nhiên tự tại, đáp lại người khác bằng tấm lòng trách nhiệm, tha thứ cho người khác bằng tấm lòng vị tha. Bởi vì, chúng ta đều biết rằng, những chuyện đã xảy ra rồi, dù có trách móc cũng chẳng có ích gì, chỉ rước thêm phiền phức cho bản thân mà thôi.
Nếu chúng ta có thể học cách suy nghĩ ở vị trí của người khác, thấu hiểu được những khó khăn và nỗi đau của họ, thì chúng ta sẽ ngày càng bao dung hơn. Như thế, cuộc sống của chúng ta sẽ trở nên suôn sẻ hơn và đường đời cũng sẽ ngày càng rộng mở.
Thay đổi tâm thái: không vướng bận vào những điều xấu
Nietzsche đã viết trong “Bên kia thiện ác” rằng: “Nếu bạn nhìn chằm chằm vào vực thẳm quá lâu thì vực thẳm sẽ nhìn vào bạn”.
Trong cuộc đời, chúng ta không tránh khỏi gặp nhiều chuyện không vui hay gặp phải những người khó ưa, nếu bạn luôn so đo tính toán trong mọi việc, cuối cùng sẽ chỉ đem lại mệt mỏi cho cả người khác và chính mình mà thôi.
Không vướng bận vào những điều xấu không chỉ là một loại thái độ, mà còn là một loại trí tuệ.
Thời xưa có một điển cố về chuyện Hàn Tín “chịu nhục chui háng”. Thuở thiếu niên Hàn Tín luyện võ và hay mang theo bảo kiếm. Có một hôm, Hàn Tín bị một kẻ vô lại chặng đường và khiêu khích: “Ngươi khoác kiếm làm gì? Ngươi dám sát nhân không? Ngươi dám sát nhân thì chặt đầu của ta xem. Nếu ngươi không dám sát nhân thì ngươi chui háng ta mà đi”.
Ông đã chọn cách chịu đựng sự vũ nhục to lớn và chui qua háng của kẻ kia. Chính vì thế về sau Hàn Tín đã trở thành một trong những vị tướng lỗi lạc của Trung Quốc, có công rất lớn giúp Hán Cao Tổ Lưu Bang đánh bại Hạng Vũ lập nên nhà Hán kéo dài 400 năm.
Voltaire cũng từng nói rằng:
“Không phải những ngọn núi xa xôi làm bạn mệt mỏi, mà là một hạt cát trong giày của bạn”.
Không vướng bận không phải hèn nhát nhu nhược, mà là dám buông bỏ đi những rối rắm, phiền não trong cuộc sống.
Thật khó để thay đổi người khác. Nhưng có một điều dễ dàng hơn, đó là thay đổi tâm thái của bản thân mình.
Dấu hiệu trưởng thành của một người chính là khi người đó có thể thường xuyên tự xét lại bản thân, thản nhiên đối mặt với những thiếu sót và khuyết điểm của mình, đồng thời không ngừng nỗ lực sửa đổi.
Theo Aboluowang