Muốn hôn nhân hạnh phúc thì đừng tranh cãi khi “cảm xúc ngập tràn”
Cần đặc biệt tránh tranh cãi khi “cảm xúc ngập tràn”, nếu không sẽ gây ra những tổn thương không thể hàn gắn, và hậu quả sẽ là sự đổ vỡ…
Vợ chồng John và Julie Gottman là những chuyên gia hôn nhân và nhà tâm lý học nổi tiếng ở Hoa Kỳ, họ không chỉ cùng nhau nghiên cứu mà còn cùng nhau nắm tay bước qua 35 năm hạnh phúc.
Trong suốt nhiều thập kỷ hành nghề của mình, họ đã phỏng vấn hơn 40.000 cặp vợ chồng muốn “trị liệu hôn nhân” (couples therapy). Sử dụng những kết quả nghiên cứu này và kinh nghiệm của bản thân, họ không chỉ đúc kết được một số bí quyết quan trọng để duy trì một cuộc hôn nhân hạnh phúc, mà còn học được cách phát hiện những dấu hiệu cho thấy một mối quan hệ sắp rạn nứt và đổ vỡ.
“Nhưng điều này cũng không có nghĩa là chúng tôi không phạm phải sai lầm. Chúng tôi cũng sẽ cãi vã, có lúc rất chán nản, thậm chí cũng sẽ nổi giận đùng đùng chỉ trích đối phương”. Vợ chồng Gottman đã viết gần đây trên trang web của CNBC, “chỉ là, có một việc chúng tôi sẽ không bao giờ làm, đó là không gây gổ khi ‘cảm xúc ngập tràn”.
Cảm xúc ngập tràn là như thế nào?
Cảm xúc ngập tràn (Emotional flooding) là trạng thái suy sụp cả về tinh thần lẫn thể chất. Điều này thường xảy ra khi cơ thể chúng ta cảm thấy nguy hiểm trong một cuộc xung đột. Và một khi trạng thái này xuất hiện, chúng ta thường sẽ mất đi khả năng suy nghĩ lý tính, từ đó cản trở nghiêm trọng việc chúng ta có những cuộc trò chuyện hiệu quả.
Vợ chồng Gottman cho biết, cãi vã khi cảm xúc ngập tràn là một mô thức phổ biến của những cặp vợ chồng không hạnh phúc.
Mỗi người đối với những cảm xúc tiêu cực và cảm giác sợ hãi thì đều có một phạm vi mà bản thân có thể khống chế được; nhưng nếu vượt qua khỏi phạm vi này thì hệ thống thần kinh sẽ bị căng thẳng và mệt mỏi quá mức, con người lúc đó sẽ lập tức tiến nhập vào mô thức “chiến đấu hoặc chạy trốn”.
Dưới đây là một số dấu hiệu cho thấy bạn đang trên bờ vực của “cảm xúc ngập tràn”:
- Tim đập nhanh hơn và hơi thở trở nên dồn dập.
- Bạn thấy mình nghiến răng hoặc bắp thịt bị kéo căng.
- Bạn thấy rằng càng ngày bạn càng không thể lắng nghe bạn đời của mình.
- Bạn cảm thấy mình không thể chuyển hướng sự chú ý và để mặc cho những suy nghĩ tiêu cực nhảy múa trong đầu.
- Bạn muốn hét lên, nói ra những lời tiêu cực hoặc là chạy đi thật nhanh.
Vợ chồng Gottman đã chỉ ra rằng, những hành vi này có thể làm tổn hại lòng tin của bạn đời dành cho bạn, cũng làm tổn thương tình cảm vốn có của hai vợ chồng. Từ đó trở đi hai người có thể sẽ phớt lờ nhau, thậm chí bắt đầu oán hận đối phương.
Làm thế nào để tránh cảm xúc ngập tràn trong một cuộc tranh cãi?
Một khi cảm xúc bùng nổ, thực sự khá khó để kiềm chế bản thân không thực hiện bất kỳ hành động hay phản ứng nào. Lúc này, rất có thể bạn sẽ nói ra những lời không lý trí và gây tổn thương. Nhưng nếu bạn để ý một chút đến cảm xúc và năng lượng tinh thần của mình, vậy thì bạn có thể sẽ không bị bốc hỏa quá mức.
Khi vợ chồng Gottman nhận ra rằng họ đang mất kiểm soát trong một cuộc tranh cãi, vậy thì họ sẽ nhắc nhở nhau rằng: “Tôi bây giờ đang bùng nổ cảm xúc, tôi cần được ở một mình”. Tiếp theo họ sẽ ở trong các phòng riêng biệt, thông qua một số bài tập để phân tán sự chú ý hoặc giúp bản thân bình tĩnh lại.
Cặp đôi nhắc nhở rằng, điều rất quan trọng là không nên bị hãm nhập vào cảm xúc tiêu cực. Thay vào đó, họ có thể chơi một bản nhạc, ngồi thiền, tập yoga, đọc một bài báo hoặc chơi trò chơi trên thiết bị di động. Sau đó, đợi cho đến khi cả hai cảm thấy tốt hơn thì sẽ sắp xếp thời gian để mở lại cuộc trò chuyện.
Vợ chồng Gottman cũng cho hay, với tư cách là vợ chồng, không bên nào được đặt mục tiêu hạ gục bên kia hoặc là người có tiếng nói cuối cùng. Điều cần làm là cả hai nên coi nhau như một đội để cùng giải quyết các thử thách.
Học cách tranh luận vừa phải
Vợ chồng ý kiến bất đồng là chuyện bình thường. Thậm chí trong một số trường hợp, những tranh luận hợp lý còn có thể làm tăng tình cảm vợ chồng. Nhưng khi mâu thuẫn trở nên ác liệt, thì trong hai vợ chồng cần phải có một người lùi lại, kịp thời xoa dịu xung đột và đưa ra một dấu hiệu muốn hòa giải.
Vợ chồng Gottman cuối cùng nhấn mạnh rằng, vợ chồng hạnh phúc không nhất định là sẽ tranh cãi ít hơn những cặp khác, chỉ là họ biết cách tranh luận một cách hợp lý và không làm tổn hại đến mối quan hệ của nhau.
Theo Epoch Times