Bao giờ cho đến ngày xưa?
Thường nghe nói, xã hội đang không ngừng phát triển, khoa học hiện đại tiến bộ không ngừng… Đúng là nó đã tạo ra được rất nhiều thay đổi, chỉ trong khoảng mỗi 10 năm người ta lại thấy được rất nhiều sự đổi khác; nó như đoàn tàu lao nhanh về phía trước khiến hành khách không kịp ngắm nhìn phong cảnh bên đường, nhưng nó có thực sự giúp con người hạnh phúc hơn? Tại sao người ta cứ phải than thở ‘bao giờ cho đến ngày xưa’?
Nội dung chính
“Thời đã qua” dường như luôn tốt đẹp hơn
Không hiểu vì sao cái gì thuộc về “thời đã qua” thường hay tốt đẹp hơn cái hiện tại. Đang ngồi dạy con học thì nó nói “ngày xưa mẹ sướng hơn con, học có một buổi, một buổi ở nhà; con phải đi học cả ngày, khổ quá!”. Nó nói vậy là vì tôi kể cho nó nghe rằng ngày xưa tôi chỉ học một buổi; còn một buổi ra đồng chăn bò. Nhưng đi chăn bò thì cũng vui sướng như đi cắm trại vậy; con tôi nghe vậy nên nó mới ghen tị.
Tôi thì lại nói với cha tôi rằng ngày xưa cha sướng hơn con; ăn uống không có chất độc hại; giờ con đi chợ mà nhìn đâu cũng thấy đồ độc hại, đồ bẩn; ra đường thì sợ cướp; tối ngủ lại sợ trộm; vô bệnh viện sợ mổ nhầm; uống thuốc sợ thuốc giả…
Cha tôi nhìn xa xăm một lúc rồi dường như nhớ đến ông tôi, cha tôi nói: “Thời ông nội con sướng hơn thời cha. Lúc đó đạo đức còn tốt lắm; chồng nói vợ nghe; hàng xóm ăn ở với nhau như bát nước đầy”. Chắc cha tôi thấy giờ ông nói vợ ông hay cãi; có con gà chạy qua nhà hàng xóm rồi thì không thấy về…
Ông tôi ngồi trên bàn thờ nhìn xuống cha con tôi với đôi mắt hiền từ xa vắng, miệng mỉm cười như muốn nói: “Thôi thôi bây ơi, tới thời ông Khổng Tử mà ông cũng mơ về thời Nghiêu, Thuấn, cho rằng thời ấy mới là tốt đẹp nhất.”
Ngày xưa có phải là lạc hậu?
Nhìn về quá khứ thì thấy đạo đức thời xưa tốt hơn thời nay rất nhiều. Người thời xưa sống an nhàn mà cũng không cảm thấy thiếu thốn gì mấy. Người ngày nay xem ra là đầy đủ hơn, hiện đại hơn, vậy mà lúc nào cũng cảm thấy vất vả ngược xuôi. Dường như hạnh phúc không phải là do người ta có được cái gì, mà là do người ta có biết đủ hay không.
Còn xét về phương diện khoa học kỹ thuật thì người xưa có khi cũng hơn ta nữa. Ví như Kim Tự Tháp ở Ai Cập; hay như những ngôi nhà nổi tại Venice, xây dựng móng ngâm dưới nước đã nhiều thế kỷ mà vẫn trường tồn đến tận hôm nay; rồi như Dwarka – thành phố cổ đại nhất trong lịch sử Ấn Độ, niên đại của nó đạt đến 5000 năm với chiều dài 5 dặm và chiều rộng 2 dặm, nằm dưới lòng biển sâu ngoài vịnh Cambay thuộc bờ biển phía tây Ấn Độ v.v.
Còn rất nhiều công trình cổ mà khoa học ngày nay vẫn chưa thể tìm ra được kỹ thuật xây dựng của nó. Vì vậy mà nói người xưa lạc hậu, trí tuệ kém cỏi thì cũng chưa chắc đã đúng.
Tại sao con trâu to tướng mà lại sợ người?
Một lần về quê chơi, đi ngang qua cánh đồng bất chợt con tôi hỏi: “Mẹ ơi lạ thật, tại sao con trâu to tướng mà lại sợ anh chăn trâu bé nhỏ như kia.”
Tôi lúc nhỏ xíu ở quê đã đi giữ bò rồi; chỉ biết rằng con bò dù to thế nào thì nó cũng sợ tôi đánh, chứ tôi không biết sợ nó; mà cũng chẳng bao giờ khởi lên thắc mắc vì sao nó cứ sợ tôi như thế. Nó to gấp mấy lần tôi sao nó không phản ứng gì khi tôi quất roi vào nó; với sức của nó thì chỉ cần húc hay đá cho một phát là tôi xong đời.
Trời sinh voi sinh cỏ, đều đã có an bài kỳ diệu
Kể ra chuyện này có lẽ bắt đầu từ ông Trời. Ông Trời thật là kỳ diệu, ông sinh ra con bò và tính trước cho nó là con vật nuôi cho người ta lấy thịt, lấy sữa, lấy sức kéo… Giúp cho đời sống của con người nhỏ bé yếu đuối này đỡ vất vả.
Vì thế mà ông phải dụng tâm tính toán làm sao đó cho thân xác nó thì to khỏe mà nó lại không hề biết là nó to khỏe. Tạo hóa cho nó một điểm đặc biệt khác, đó là đôi mắt của nó thường phóng đại những thứ nhỏ mọn to lên rất nhiều lần; đứa trẻ mục đồng chun chút nhưng trong mắt bọn trâu bò là một ông to lớn lắm.
Tôi nghĩ có thể vì vậy mà nó e dè chăng? Giống như khi ăn nó khèo từng ngọn cỏ bé tí vào miệng; chăm chỉ không ngừng nghỉ rồi ăn cả buổi trời mới no. Giá trí khôn nó đủ cho nó biết được cái thân xác to lớn của nó mà phải ăn từng lọn cỏ nhỏ bé như vậy biết đến bao giờ mới no thì có lẽ nó cũng đổ lười biếng hoặc chán nản đi chăng?
Giống như khi chúng ta đang đói mà có người bố thí cho hai hạt cơm vậy; sẽ có ý nghĩ là ăn làm chi cho dính răng. Nhưng nếu trong mắt thấy hai hạt cơm bự như hai hột mít thì cũng sẽ ăn đỡ đói.
Việc quen mắt quen tai nên cứ coi như là đúng
Có những sự việc mà ta đã quen với nó từ nhỏ, từ lâu lắc rồi thì ta cứ như vậy mà tiếp nhận; không có gì để phải thắc mắc. Chỉ khi một người không sống trong môi trường đó thì mới thấy kỳ lạ.
Chính sự thắc mắc của con tôi đã làm tôi phải ngẫm lại nhiều điều. Tôi mới nghĩ tất cả những kiến thức mà tôi tiếp thu từ hồi nhỏ, nào là khoa học kỹ thuật, nào là tiến bộ vượt bậc… Những cái đó có phải là đúng không? Tại sao con người ta ngày nay thường bị căng thẳng, lo lắng; có người thì bị trầm cảm rồi dẫn đến tự tử… ‘Phát triển’ mà không khiến người ta hạnh phúc hơn thì nó có thật sự cần thiết?
Mà điều dễ thấy nhất đó là đạo đức xã hội đi xuống trầm trọng; đọc báo thấy trộm cướp chém giết tràn lan; con cái ngược đãi cha mẹ; ngoại tình, đảo lộn hết cả luân lý… Tôi không biết nếu tiếp tục ‘phát triển’ thêm nữa thì xã hội sẽ còn như thế nào nữa đây?
Và tôi cũng có suy nghĩ rằng “Bao giờ cho đến ngày xưa?”