Người xưa tiết chế dục vọng: Ăn uống chỉ cần no bụng là được
Trong “Hoàng Đế nội kinh” có viết: “Khởi cư hữu thường, ẩm thực hữu tiết, bất vong tác lao”, nghĩa là cuộc sống thường ngày phải điều độ, ăn uống có tiết chế, làm việc có chừng mực. Về việc ăn uống, cổ nhân cho rằng chỉ cần no bụng là được, đây là một cách rất tốt để tiết chế dục vọng.
- ‘Tránh sắc như tránh tên’, sắc dục là thanh kiếm hủy hoại con người
- Hòa thượng dâm loạn bị đọa địa ngục, chuyển sinh nhiều kiếp vẫn bị đòi nợ
Nội dung chính
Quá coi trọng việc ăn uống là đang phóng túng dục vọng
Chuyện kể rằng, Lưu Nam Viên là Thượng thư bộ Công vào những năm Gia Tĩnh triều đại nhà Minh. Khi cảm thấy đã có tuổi thì ông cáo lão trở về quê. Ở địa phương của ông có một vị quan Trực chỉ sử. Người này về phương diện ẩm thực thì rất khó tính, thường xuyên trách phạt thuộc hạ. Quan lại trong quận huyện đều rất sợ ông ta. Lưu Nam Viên biết vậy liền nói: “Đó là học trò của tôi, để tôi dạy dỗ ông ta”.
Một hôm, vị Trực chỉ sử đến thăm nhà của Lưu Nam Viên. Lưu Nam Viên nói rằng: “Lão phu định làm yến tiệc để chiêu đãi, nhưng sợ làm phương ngại đến việc công. Muốn mời ông một bữa cơm, nhưng thê tử đã đi mất không ai sửa soạn được. Vậy làm một bữa cơm bình thường để ông cùng ta ăn uống vậy nhé?”. Bởi vì đây là mệnh lệnh của Sư Phụ, Trực chỉ sử nào dám từ chối.
Ngồi chờ suốt từ buổi sáng cho đến quá trưa mà vẫn chưa thấy dọn cơm lên, Trực chỉ sử đã đói không chịu được. Đợi đến khi cơm nước được bưng lên thì chỉ thấy có cơm và một chén đậu hũ mà thôi. Trực chỉ sử ăn liền 3 bát và thấy cũng no bụng lắm rồi.
Ăn uống chỉ cần no bụng là được
Một lát sau, lại thấy sơn hào hải vị sắp bày la liệt, Trực chỉ sử rốt cuộc không ăn nổi nữa, mới nói rằng: “Tôi no quá rồi, không thể ăn thêm được nữa”. Lưu Nam Viên cười nói: “Bởi vậy, ẩm thực vốn là không có phân biệt tinh thô. Lúc đói thì dễ dàng ăn cơm, lúc no thì khó có thể ăn được gì. Đạo lý chỉ là như vậy mà thôi”.
Mục đích của ẩm thực chính là để no bụng, chỉ cần làm sao cho đầy bao tử là được rồi. Chỉ có người xa hoa lãng phí, dục vọng quá nhiều thì mới chấp trước vào mỹ vị mà thôi. Vị Trực chỉ sử này tuân theo bài học giáo huấn của thầy, từ đó về sau không có khắt khe với người khác về phương diện ẩm thực nữa.
Tục ngữ Việt Nam cũng có câu: “Đói thì thèm thịt thèm xôi; hễ no cơm tẻ thì thôi mọi đường”, ý tứ cũng là như vậy. Khi người ta đói thì đầu óc nghĩ tới muốn ăn đủ thứ, nghĩ ăn làm sao cho thật ngon, yêu cầu hương vị phải như thế nào đó. Nhưng chỉ cần ăn no rồi thì có cao lương mỹ vị thế nào cũng không thiết nhìn đến nữa. Dục vọng con người tựu chung cũng chỉ là như vậy.
Ăn uống là dục vọng lớn của con người
Trong “Lễ Ký. Lễ Vận” có viết: “Ẩm thực nam nữ, nhân chi đại dục tồn yên”, nghĩa là việc ăn uống và việc nam nữ là ham muốn dục vọng lớn trong quá trình sinh tồn của con người. Sở dĩ nói về hai việc này, vì nếu phóng túng dục vọng về ăn uống thì cũng rất dễ dẫn đến phóng túng về vấn đề nam nữ.
Người xưa lấy việc ăn uống là một cách để khắc chế bản thân, từ đó mới làm nên đại sự. Ví như Việt Vương Câu Tiễn ‘nếm mật nằm gai’. Hằng ngày lấy gai lấy củi lót để nằm. Quả mật thì luôn treo ở chỗ ngồi, chỗ nằm; thỉnh thoảng lại nếm một chút như để nhắc lại nỗi tủi nhục. Nhờ vậy mà cuối cùng trả được mối thù xưa, thôn tính được nước Ngô.
‘Ăn để no bụng’ là trí tuệ của cổ nhân
Hay như anh hùng Nhạc Phi hàng ngày ăn chay, quay mặt về phương Bắc mà khóc than rằng: “Thần ở bên này ăn uống no đủ như vậy, không biết nhị vị thánh thượng bị giam cầm ở phương Bắc sống ra sao. Thần không sao nuốt nổi miếng cơm”. Tấm lòng ‘tận trung báo quốc’ của ông đã được lưu truyền mãi về sau.
Người thời nay thì ngược lại, dường như lại sợ dục vọng chưa đủ, còn cố tình ăn thêm nhiều thứ bổ dưỡng để tăng cường sinh lý. Kết quả là phóng túng quá mức làm cho cơ thể bị kiệt quệ, người còn trẻ tuổi nhưng đã mắc đủ thứ bệnh tật quái lạ, thần trí lúc nào cũng không được tươi tỉnh. Còn như nói về ‘ăn để cho no bụng’, khắc chế dục vọng ăn uống, thì chỉ cho đó là việc của người tu hành, không liên quan gì đến mình.
Theo Minh Huệ