‘Bạch câu quá khích’ là gì? Khổng Tử thỉnh giáo Lão Tử
Đời người hữu hạn, trăm năm thoáng qua. Ngẫm về cuộc đời, chúng ta thường cảm khái: “Đời người như bóng câu qua cửa số”. Nguyên câu thành ngữ gốc Hán chính là “Bạch câu quá khích”.
Dịch nghĩa đầy đủ của “Bạch câu quá khích” là: Bóng con ngựa sắc trắng đương kỳ sung sức vút qua khe cửa. Câu thành ngữ ý chỉ thời gian trôi rất nhanh. Hàm nghĩa sâu xa là đời người quá ngắn ngủi.
Vì sao thành ngữ dùng chữ “câu”?
Theo tiếng Hán cổ, “mã” (馬) là ngựa, “câu” (駒) cũng là ngựa, nhưng tại sao ở đây không dùng từ “bạch mã” mà lại nói “bạch câu”? Khang Hy tự điển giải thích “Mã nhị tuế viết câu” nghĩa là: Ngựa hai tuổi gọi là câu.
Như vậy, “câu” là con ngựa non hai tuổi, đương thời kỳ sung sức nhất, nên nó phi rất nhanh, lại sắc trắng khiến chỉ nhìn thấy như bóng chớp loáng qua khe cửa.
Trong Trang Tử có câu: “Nhân sinh thiên địa chi gian, nhược bạch câu quá khích, hốt nhiên nhi dĩ” (Người ta sống ở cõi trời đất, giống như bóng bạch câu lướt qua khe cửa, trong chốc lát mà thôi).
Trong Thiên Tự Văn có chuyện “Bạch câu quá khích” như sau:
Lão Tử giảng về “Bạch câu quá khích”
Truyền rằng Khổng Tử vô cùng kính trọng Lão Tử. Có một lần, ông đặc biệt tới thỉnh giáo Lão Tử. Khổng Tử rất cung kính nói rằng: “Tiên sinh học vấn cao thâm, nay nhân lúc tiên sinh thư nhàn, xin giảng cho nghe về Đạo“.
Lão Tử nói: “Ngươi muốn hỏi về đạo ư, tất trước bỏ đi mọi tạp niệm, thanh tĩnh tinh thần, lòng thành nhất nhất, gột rửa thân tâm; sau đó mới có thể nghe giảng huyền đạo. Có điều hôm nay ta có thể nói sơ lược cho ngươi nghe!
Ta trước nói về con người. Con người sống giữa trời đất, thời gian vô cùng ngắn ngủi; tựa như tuấn mã vọt qua khe hở nhỏ hẹp, chỉ trong chớp mắt đã biến mất. Mọi việc trên thế gian, luôn không ngừng biến hóa, sinh sinh, tử tử, sinh tử, tử sinh.
Con người bị quan niệm sinh tử trói buộc
Quan hệ sinh tử vốn có biến hóa, vốn chẳng đủ để coi là lạ. Nhưng đối với tử, con người đều cảm thấy bi thương. Đó là vì con người bị quan niệm sinh tử trói buộc.
Nếu coi cái chết chỉ là chôn vùi xương cốt xuống đất, tinh thần rời đi bay vào thiên đường, trở thành vật vô hình, đó chính là từ hữu hình mà trở về vô hình, thì cũng chẳng có gì để mà bi ai nữa rồi.
Đạo ấy mà, không thể hỏi nhiều, then chốt vẫn là lĩnh ngộ được chỗ ảo diệu của đạo; thực sự thông hiểu, thì sẽ cảm nhận được sâu sắc sự vi diệu uyên thâm trong đó…”.
Con người sống giữa trời đất, chỉ như bạch câu vọt qua khe hở, chớp mắt vậy thôi. Đó chính là điển cố của “Bạch câu quá khích“.
Xem thêm:
Mời xem video: