Y học phương Đông không chỉ nổi tiếng với nhiều điều huyền bí, kỳ diệu; mà còn nổi tiếng với nhiều bậc lương y, y đức cao thượng, được hậu thế muôn đời ca tụng.

“Hoàng đế nội kinh” được cho là cuốn y thư xuất hiện sớm nhất, dạy về cách dưỡng sinh thiên nhân hợp nhất; cùng các phương pháp điều trị, phòng chống bệnh tật. 

Các bậc đại danh y trong lịch sử không chỉ có thể điều trị các bệnh lâu năm khó chữa, mà còn có thể cải tử hoàn sinh chỉ trong chốc lát. Những người thầy thuốc nắm giữ loại bí thuật trị bệnh này, trước tiên cần phải có tâm từ bi cứu nhân tế thế và y đức cao thượng. Những bậc đại danh y này có thể kể đến như Hùng Khánh Hốt, Lưu Đạo Cảnh thời nhà Thanh. 

Hùng Khánh Hốt cứu mẹ con sản phụ chỉ bằng châm cứu

Vào thời nhà Thanh, ở huyện An Nghĩa, Giang Tây, có một vị đại danh y tên là Hùng Khánh Hốt (còn gọi là Hùng Hốt, tự là Thúc Lăng). Sinh ra trong một gia đình quan lại, cha là Hùng Khải Mô – tiến sĩ dưới thời Càn Long năm thứ 25, sau vào triều làm quan. 

Thời trẻ Hùng Hốt có thành tích học tập xuất sắc, là tú tài trong huyện. Tuy nhiên, sau khi học tập ở huyện được vài năm, ông lập chí trở thành một người thầy thuốc để hành y giúp đời. Từ đó trở đi, Hùng Hốt buông bỏ chuyện khoa cử, chuyên tâm nghiên cứu y học.

Bởi vì tư chất thông minh và ngộ tính cao, nên rất nhanh liền nắm vững được tinh túy trong y học, đắc được y thuật cao siêu.

Ông nhận ra rằng: “Hành y là việc của Thánh nhân. Người thầy thuốc phải đủ tinh tường để phân biệt, đủ nhân từ để hành nghề, đủ thần diệu để sáng tỏ, mới có thể thành tựu y thuật” (trích trong tác phẩm do chính ông biên soạn “Biển Thước mạch thư nan kinh).

Bởi những cống hiến của mình, mà sau này ông cùng Trần Tu Viên đã trở thành những bậc đại danh y trong giới y học bấy giờ. 

Khi chữa bệnh, ông có thể nhanh chóng nắm bắt được những tổn thương tiềm ẩn trong nội tạng của người bệnh; xác định rõ ràng nguyên nhân từng bệnh; dùng thuốc như thần, có thể thuốc vào là bệnh hết. Đối với những người đã tuyệt khí, khó thở, người đã hôn mê bất tỉnh, ông cũng có thể nhanh chóng giúp họ hồi phục.

Có một lần, khi đi ngang qua một gia đình, trong nhà có một người phụ nữ chết đã nửa ngày. Nhưng Hùng Hốt vừa nhìn thì thấy rằng vẫn có thể cứu, ông liền nấu một chén thuốc, đổ vào yết hầu của cô, không lâu sau, người phụ nữ liền tỉnh lại.  

Một lần khác, Hùng Hốt thấy một vị sản phụ đã bất tỉnh vì khó sinh, ông liền đoán ra được nguyên nhân, nói với người nhà sản phụ rằng: “Yên tâm, người vẫn có thể cứu”

Nói xong, liền châm cứu cho sản phụ, chỉ chốc lát đứa trẻ đã chào đời và sản phụ cũng tỉnh. 

Lúc đó, có vị Kim tuần phủ, nghe nói Hùng Hốt có y thuật cao siêu, liền phái người đi mời ông qua xem bệnh cho mình. Kim tuần phủ vốn mắc phải một căn bệnh nan y suốt một thời gian dài. Rất nhiều thầy thuốc được mời tới đều không thể chữa khỏi.

lương y như từ mẫu; thầy thuốc tốt; đạo đức nghề y
Rất nhiều thầy thuốc đều không thể chữa khỏi bệnh cho Kim tuần phủ (ảnh minh họa: Youtube)

Sau khi chẩn đoán bệnh, Hùng Hốt liền kê cho ông một đơn thuốc. Kim tuần phủ chỉ uống vài ngày bệnh đã khỏi hẳn. Điều này khiến tuần phủ đối với y thuật của Hùng Hốt chân thành cảm phục không ngớt, ngỏ ý muốn giới thiệu ông tới thái y viện nhậm chức, nhưng Hùng Hốt đã lựa lời từ chối. 

Tâm nguyện của ông là muốn đem những tâm đắc trong y thuật lưu truyền lại cho hậu nhân. Vậy nên, một bên ông hành y cứu người, một bên nỗ lực soạn sửa các loại y thư nổi tiếng từ thời cổ chí kim; kết hợp với những kinh nghiệm chữa bệnh của chính mình mà viết nên “Biển Thước mạch thư nan kinh”, “Trung phong luận” (xuất bản năm đạo quang tân tị, 1821), lưu truyền cho đến tận ngày nay. 

Bậc lương y được ca tụng là “Lưu thần tiên” có khả năng cải tử hoàn sinh

Thời Gia Khánh dưới triều Thanh, ở An Nghĩa, Giang Tây, có một vị tú tài tên Lưu Đạo Cảnh (tự là Ngưỡng Sơn, hiệu là Tâm Trai, 1779-1883). Ông thi đậu tú tài ở huyện, khi chuẩn bị cho kỳ thi khoa khảo, ông tự thấy bản thân chưa làm được gì cho lê dân bách tính, nên quyết định từ bỏ khoa cử, bắt đầu nuôi chí vì dân tế thế. Ông đi khắp nơi tìm thầy,  không lâu sau đã trở thành học trò của một vị danh y. 

Trải qua nhiều năm nghiên cứu và tích lũy kinh nghiệm y thuật, ông trở thành bậc thánh y nhi khoa, nổi danh lẫy lừng.

Huyện lân cận có một đứa trẻ 3 tuổi mắc trọng bệnh, tình trạng rất nguy kịch. Người nhà cấp tốc đi mời Lưu Đạo Cảnh tới khám chữa bệnh. Nhưng khi tới nơi, thì người nhà đã mang xác đứa nhỏ đi nhập liệm. Ông đi lên phía trước, thỉnh người nhà mở quan tài, vừa liếc nhìn đứa trẻ một cái, liền nói: “Mau mang đứa trẻ ra, vẫn còn có thể cứu”.

Người nhà cảm thấy đây là chuyện khó tin. Cha mẹ đứa trẻ đến bên khóc lóc, bán tín bán nghi hỏi rằng: “Liệu có thể cứu người đã chết sống lại sao?”

Lưu tiên sinh nói: “Đây là triệu chứng nhiệt khí bế tắc cực điểm, cần mau chóng dẫn khí ra ngoài ngay lập tức, nếu dùng đúng phương pháp thì có thể cứu được”.

Ông cho người đi tìm một chiếc gương đồng, sau đó đặt gương lên rốn đứa trẻ. Một lúc sau, sờ lên chiếc gương thì thấy rất nóng. Lưu Đạo Cảnh dặn người nhà chờ cho gương đồng nguội, lại tiếp tục đặt lên rốn đứa trẻ. Lặp đi lặp lại như vậy vài lần, đứa trẻ đã chết dường như có hơi thở. Làm hơn mười lần, chợt nghe thấy tiếng khóc lớn oa oa. Ông còn kê thêm một đơn thuốc, đứa trẻ dùng xong vài ngày thì hoàn toàn bình phục . 

Tương truyền, những câu chuyện Lưu Đạo cảnh cứu người từ cõi chết là rất nhiều, nên mọi người đều ca tụng ông là “Lưu thần tiên”. Ông thọ 105 tuổi, để lại cho hậu nhân những tinh hoa y thuật trong cuốn “Ấu khoa tinh hoa”.

Còn rất nhiều bậc lương y khác nữa trong lịch sử, những câu chuyện về họ không chỉ phản ánh sự huyền bí trong y học cổ đại, mà còn chứng minh cho câu nói “lương y như từ mẫu”, ” hành y là việc của bậc Thánh”.

Theo Epochtimes