Câu “Sinh tử hữu mệnh, phú quý tại thiên” thì chắc nhiều người đã nghe nói tới, nhưng ít người biết rằng đằng sau câu nói này còn có một câu chuyện.

Câu chuyện của Tư Mã Canh và Tử Hạ

Câu này xuất phát từ cuộc trò chuyện giữa 2 người học trò của Khổng Tử là Tư Mã Canh (tự là Tử Ngưu) và Tử Hạ, được chép lại trong “Luận ngữ . Nhan Hồi”.

Tư Mã Canh xuất thân trong một gia đình quyền quý thời nhà Tống. Ba người anh trai của anh đã gây ra cuộc nổi loạn, nhưng Tư Mã Canh kiên quyết phản đối chuyện này. Sau khi thất bại, các anh trai của Tư Mã Canh người bị giết, người bỏ trốn. Lúc đó, Tư Mã Canh thà chịu ở một mình chứ không đi theo anh trai, nhưng trong lòng anh cũng cảm thấy rất cô đơn.

Một ngày nọ, anh thấy các bạn đồng học vui vẻ nói cười, nghĩ đến hoàn cảnh của mình, anh cảm thấy rất cô đơn, không nhịn được nói với Tử Hạ: “Mọi người đều có anh em, nhưng tôi thì không có”.

Sinh tử hữu mệnh, phú quý tại thiên
(ảnh minh họa Pinterest)

Tử Hạ là đệ tử tâm đắc của Khổng Tử vào những năm cuối đời. Lúc này, Tử Hạ khuyên bảo anh: “Thường nghe nói: ‘Sinh tử hữu mệnh, phú quý tại thiên.’ Quân tử ngày thường hành sự cẩn thận mà không phạm sai lầm; đối đãi với người cung kính mà có lễ nghi, người trong bốn biển đều là anh em! Quân tử hà tất phải lo lắng không có anh em?”

Sinh tử hữu mệnh, phú quý tại thiên

Câu nói “Sinh tử hữu mệnh, phú quý tại thiên” (sống chết có số, giàu sang do trời) có lẽ mọi người ai cũng đều biết, và câu “người trong bốn biển đều là anh em” cũng đã rất quen thuộc. Nhưng có thể nhiều người chưa biết đến đoạn hội thoại và toàn bộ câu chuyện này.

Kỳ thực, những lời này rất ý nghĩa và đằng sau cũng ẩn chứa đạo lý thật sâu sắc.

Một số người cho rằng quan điểm đối với vận mệnh “Sinh tử hữu mệnh, phú quý tại thiên” là tương đối tiêu cực, chứ không tích cực như quan điểm thời nay về “vận mệnh do bản thân quyết định, không phải do trời quyết định”, hay “nhân định thắng thiên” (con người có thể chiến thắng được trời). Họ cho rằng, những quan niệm này mới thể hiện được dũng khí chiến đấu chống lại vận mệnh.

Thực ra không phải vậy, những lời nói khoa trương này là điều không đáng tin cậy nhất. Ít nhất con người không có cách nào làm chủ được những chuyện sinh, lão, bệnh, tử của chính mình. Vậy thì làm sao có thể làm chủ vận mệnh bản thân được? Thế nên, quan niệm của người xưa đối với vận mệnh “sinh tử hữu mệnh, phú quý tại thiên” rất thực tế và trí tuệ.

Sinh tử hữu mệnh, phú quý tại thiên
Những chuyện sinh lão bệnh tử, giàu sang phú quý, con người vốn dĩ không quyết định được (ảnh minh họa Quantrimang)

Quan niệm này cũng không hề tiêu cực, con người vẫn có thể chủ động thực hiện và đạt được điều mình muốn. Nhưng quả thực là con người không phải muốn gì cũng đều có thể đạt được. Lúc này, họ phải rộng lòng chấp nhận những chuyện không như ý. Suy cho cùng, con người không thể kiểm soát được vận mệnh bản thân, hay chuyện phú quý giàu sang cũng không phải chỉ dựa vào sự nỗ lực là có thể đạt được. Hơn nữa, ngay cả khi đã có được nó, cũng không nhất định người đó sẽ không còn phiền não nào nữa. Vì vậy, quan niệm về vận mệnh trong văn hóa truyền thống là vô cùng trí tuệ.

Tử Hạ dùng câu nói này để an ủi Tư Mã Canh rất có ý nghĩa! Cho dù trong cuộc sống có rất nhiều cuộc gặp gỡ chúng ta không thể quyết định được, nhưng một số điều chúng ta có thể làm chủ được. Chẳng hạn như lựa chọn sống với thái độ như thế nào, cẩn trọng làm việc để không mắc lỗi, không phạm sai lầm, đối xử với mọi người một cách cung kính và lễ độ. Những chuyện này chỉ cần chúng ta nỗ lực là có thể làm được. Những người có thể làm được như vậy thì ai cũng quý mến, có được tín nhiệm của mọi người, như vậy họ sẽ có thể kết giao được với rất nhiều bằng hữu, tri kỷ! Thế nên, người quân tử sao phải lo lắng không có anh em? 

Lời khuyên của Tử Hạ cũng rất thực tế và trí tuệ. Có người nói: “Tôi nghèo đến mức chỉ còn lại tiền”, có ý chỉ rằng một người rất giàu nhưng lại mất sự quan tâm, tin tưởng của người thân, bạn bè… và những thứ rất quý giá khác trong cuộc sống. Kỳ thực lúc đó con người sẽ cảm thấy vô cùng nghèo túng.

Thái độ sống và cách đối nhân xử thế mà Tử Hạ đề cập có thể hóa giải được phiền não, giúp con người kết giao bằng hữu trong khắp thiên hạ, người trong bốn biển đều là anh em. Chỉ khi đó, con người mới thực sự giàu có và hạnh phúc. Từ đó, có thể thấy rằng các Nho sinh thời xưa coi việc có mối quan hệ tốt đẹp với người khác là một thành công trong cuộc sống, điều này rất có đạo lý. 

Theo Sound of hope