Bí ẩn khả năng thần giao cách cảm ở loài vật
Một số loài vật thường có linh cảm đặc biệt liên quan đến người chủ của mình, liệu khả năng thần giao cách cảm ở loài vật có thực sự tồn tại?
Nội dung chính
Chú chó vượt hơn 4.000km tìm về với chủ
Ở Mỹ từng có một sự kiện thu hút sự chú ý của truyền thông cả nước, đó là chuyện chú chó Bobbie đã vượt hơn 4.000km để tìm về với chủ.
Chuyện xảy ra vào tháng 8/1923, khi Frank, Elizabeth Brazier, cùng hai con gái là Leona và Nova đi thăm họ hàng ở Wolcott, tiểu bang Indiana, Hoa Kỳ. Chú chó lai 2 tuổi Bobbie đã bị 3 con chó khác tấn công và bỏ chạy mất. Sau một cuộc tìm kiếm mệt mỏi thì gia đình đành phải bỏ cuộc; họ tiếp tục chuyến đi của họ trước khi trở về nhà ở tiểu bang Oregon. Họ đã nghĩ mình sẽ mất chú chó vĩnh viễn.
Nhưng điều kỳ diệu đã xảy ra, 6 tháng sau, vào tháng 2/1924, Bobbie đã trở lại nhà chủ ở Oregon với vẻ ngoài nhếch nhác, bẩn thỉu, móng chân đã bị mòn gần hết. Bộ dạng của Bobbie cho thấy nó đã phải đi một quãng đường rất dài; bao gồm cả việc bơi qua sông và băng qua đường phân chia lục địa trong thời điểm lạnh nhất của mùa Đông.
Trong thử thách của mình, nó đã vượt qua ít nhất 2.551 dặm (4.105km) đồng bằng, sa mạc và núi vào mùa Đông để trở về nhà. Trung bình nó đã đi 23km mỗi ngày. Người ta đã đi xác minh hành trình của Bobbie thì thấy nó đã tự di chuyển toàn bộ quãng đường này. Câu hỏi đặt ra là làm sao Bobbie có thể nhớ được quãng đường dài như thế nếu không có một khả năng thần giao cách cảm đặc biệt?
Chú chim hải âu tìm cách cứu người
Thần giao cách cảm được hiểu là khả năng truyền ý nghĩ không thông qua những giác quan thông thường. Từ sớm các nhà khoa học đã phát hiện thần giao cách cảm xuất hiện dưới nhiều dạng khác nhau trong thế giới động vật.
Một câu chuyện kỳ lạ khác cũng được nhà văn Mỹ Dennis Bardens mô tả trong cuốn sách “Những nhà thần giao cách cảm động vật”. Chuyện kể rằng, một phụ nữ đứng tuổi tên là Flinn Rachel đi dạo chơi dọc bờ biển thì bị trượt chân ngã và bị thương nặng.
Một lúc sau, bên cạnh người phụ nữ đang nằm đau đớn và tuyệt vọng này xuất hiện một con chim hải âu – chú chim mà bà Flinn thường lấy bánh mì cho ăn. Chừng một phút sau, chú chim bay vút lên không trung và tiến đến nhà của bà Flinn. Nó đậu lên bệ cửa sổ và cố gắng mổ mạnh vào kính.
Hành vi bất thường của chú chim đã gây chú ý cho chị của bà Flinn. Khi bước ra khỏi nhà, người phụ nữ này lờ mờ hiểu rằng chú chim đang muốn dẫn bà đi đâu đó. Bà nhanh chóng chạy theo con chim và đã được nó dẫn thẳng đến chỗ xảy ra tai nạn.
Linh cảm về thảm họa
Một trong những khả năng linh cảm đặc biệt của động vật đó là có thể ‘tiên tri’ về thảm họa; nhất là với các hiện tượng thiên tai như động đất, núi lửa phun trào.
Vào một buổi sáng mùa hè năm 1952, một nhân viên bảo vệ Thảo cầm viên ở thành phố Skopjie thuộc tỉnh Macedonia của Nam Tư (nay là thủ đô Skopjie của nước cộng hoà Macedonia) cảm thấy có điều gì đó khác thường.
Từ sáng sớm, đám thú rừng được nuôi trong các lồng không hiểu vì sao cứ nhốn nháo cả lên; chúng không thèm ăn uống mà cứ gào lên thảm thiết; chúng còn nhảy lung tung định phá hàng rào để tẩu thoát.
Đến buổi chiều thì chứng kỳ lạ này còn lan sang cả vật nuôi trong gia đình. Những chú mèo hiền lành bỗng leo lên mái nhà, xù lông, cong đuôi, rít lên từng hồi. Vài con bò không biết từ đâu chạy ngơ ngác trên đường phố; chúng va chạm lung tung vào cửa hàng, xe cộ… trên bầu trời thì chim chóc xáo xác bay từng đàn về phía Nam.
Hình như tất cả loài vật đều đang muốn cảnh báo cho cư dân sống trong thành phố này một điều gì đó rất nghiêm trọng. Nhưng dường như không ai quan tâm đến điều đó. Vào 5 giờ sáng ngày 26/7/1952, lúc mọi người còn chưa thức giấc thì mặt đất bỗng chuyển mình nhô lên rồi hạ xuống như sóng biển; những khe đất mở ra như miệng con quái vật. Chỉ sau 17 phút, cả thành phố chỉ còn là một đống đổ nát, chôn vùi 1.500 người bất hạnh.
Báo hiệu trước cái chết của chủ
Giáo sư Philippe de Wailly, người đã viết cuốn sách “Giác quan thứ sáu ở loài vật” nói rằng, giác quan thứ sáu của loài vật còn thể hiện ở mối quan hệ khác thường giữa chúng với cái chết của chủ.
Vào 18 giờ chiều mùa Đông năm 1952, gia nhân trong cung điện Buckingham bỗng nghe thấy tiếng kêu thảm thiết của chú mèo Jack of Sandrigham mà nhà vua George VI của Anh rất cưng chiều. Chỉ vài phút sau, các bác sĩ thông báo là nhà vua đã qua đời.
Còn vào thập niên 30, khi Maurice Bokanovski, Bộ trưởng hàng không Pháp bị chết trong một tai nạn máy bay ở thành phố Toul, miền nam nước Pháp, thì con mèo của ông ở Paris bỗng kêu gào thảm thiết; sau đó nó bỏ trốn dưới một cái tủ, ngay đúng thời khắc chiếc máy bay chở chủ của nó đâm sầm xuống đất. Suốt nhiều ngày liền con mèo cứ ở dưới đáy tủ không chịu ra. Mãi cho đến khi xác của Bokanovski được đưa về Paris tẩm liệm thì nó mới xuất hiện.
Thần giao cách cảm ở loài vật thực sự tồn tại
Nhà văn nổi tiếng người Đan Mạch, Hans Christian Andersen, có một người bạn thân là Giáo sư Olaf Lunden bị mắc bệnh lao phổi nên phải đến vùng Bờ biển Ngà để điều trị. Trước khi đi, GS Lunden gửi chú chó Amour của mình lại cho bạn trông hộ. Một thời gian sau, chú chó Amour buồn rầu và bỏ ăn. Một ngày nọ, nhà văn bỗng thấy Amour tiến đến rồi liếm tay ông một cách chán đời. Trước đó không lâu ở tận miền Nam nước Pháp, chủ của nó vừa mới qua đời.
Nữ diễn viên nổi tiếng Brigitte Bardot của Pháp cũng kể lại rằng, vào lúc mà mẹ của bà qua đời tại Bệnh viện Neuilly ở Paris, thì chú chó đốm Nini đang ở cùng bà tại vùng Bazoches, cách Paris 30 km, bỗng hú lên từng cơn một cách đau đớn. Nini được mẹ của Brigitte nuôi từ nhỏ. Bà chỉ gửi lại cho con gái khi phải vào cấp cứu tại Bệnh viện Neuilly.
Từ những hiện tượng kỳ lạ trên thì thật khó để phủ nhận khả năng thần giao cách cảm ở loài vật, nhưng khoa học sẽ còn rất lâu mới chứng minh được điều này.
Tổng hợp