Canh Mạnh Bà – món canh quên lãng mọi chuyện thế gian
Người xưa kể rằng, linh hồn trước khi đầu thai làm người thì đều phải uống canh Mạnh Bà để quên hết đi mọi chuyện trong quá khứ, sống một cuộc đời hoàn toàn mới; việc này là để tránh gây nhiễu loạn trật tự nơi thế gian.
- Âm phủ có thật hay không? Nghe xong chuyện này ai cũng phải tin
- Người đức hạnh làm quan ở âm phủ, tiết lộ nhiều bí mật nhân gian
Nội dung chính
Canh Mạnh Bà giúp quên mọi chuyện quá khứ
Tương truyền, để đi đến âm phủ, có một con đường tên gọi là Hoàng Tuyền (Suối vàng); có một con sông tên gọi là Vong Xuyên. Trên bờ sông Vong xuyên có một tảng đá gọi là Tam Sinh. Trên sông còn có một cây cầu gọi là Nại Hà. Bên kia cầu là một gò đất gọi là Vọng Hương đài; bên cạnh Vọng Hương đài có một cái đình nhỏ; bên trong cái đình nhỏ này có một bà lão tên là Mạnh Bà.
Truyền thuyết dân gian kể rằng, sau khi chết, linh hồn phải chịu qua đủ các hình phạt ở các điện thì cuối cùng mới được đưa đến Thập Điện để chuẩn bị chuyển sinh. Trước khi chuyển sinh sẽ phải uống một loại canh để quên hết mọi chuyện trong quá khứ; loại canh này do Mạnh Bà điều chế có tên là canh Mạnh Bà.
Mạnh Bà là ai?
Vậy Mạnh Bà là người như thế nào? Trong cuốn “Ngọc lịch sao truyện” có ghi chép rằng, Mạnh Bà sinh sống vào thời kỳ Tây Hán. Từ nhỏ bà đã học tập các loại sách của Nho gia. Sau khi lớn lên, bà chuyên tâm niệm tụng kinh Phật.
Lúc sinh thời, bà tuyệt không nhớ về quá khứ mà cũng không nghĩ những chuyện của tương lai; bà chỉ toàn tâm toàn ý khuyên bảo mọi người đừng sát sinh, nên ăn chay. Đến năm 81 tuổi, bà vẫn là một “thiếu nữ” trinh trắng. Người đời gọi bà là “Mạnh Bà A Nãi”. Sau đó, bà tiếp tục vào trong núi tu hành và cuối cùng đắc đạo thành Tiên.
Trên đời quả thật có những người sau khi đầu thai vẫn nhớ được tiền kiếp. Đây vốn là điều thiên cơ bất khả lộ, nhưng có người mang theo tâm hiển thị bản thân mà tiết lộ chuyện cơ mật dưới âm gian; từ đó gây nhiễu loạn an bài trên nhân thế.
Vì thế, Ngọc Hoàng đặc mệnh cho Mạnh Bà làm Thần ở âm phủ; đồng thời cũng vì bà mà xây dựng Vọng Hương đài. Bà thường ngồi bên cầu Nại Hà; những ai đi qua cầu đều phải dừng chân trước điện của bà. Tại đây người ta sẽ quên hết mọi yêu hận tình thù tại kiếp này, một lần nữa đi đầu thai chuyển sinh; tránh mang theo ký ức về tiền kiếp làm loạn an bài theo nhân quả.
Uống canh Mạnh Bà vào sẽ ra sao?
Phàm là những hồn ma nam nữ được đưa đến chỗ của Mạnh Bà để đầu thai thì đều phải uống canh Mạnh Bà; uống nhiều uống ít không quan trọng. Nếu có hồn ma nào gian xảo không chịu uống, dưới lòng bàn chân sẽ xuất hiện dao móc khóa chặt hai chân; và có một ống đồng sắt nhọn đâm xuyên cổ họng; cưỡng ép hồn ma đó phải uống cho bằng được.
Canh Mạnh Bà còn được gọi là canh mê hồn; là một loại canh được làm bằng dược liệu của thế tục; có mùi vị giống rượu mà không phải rượu. Canh Mạnh Bà chia thành năm mùi vị: ngọt, đắng, cay, chua, mặn.
Nghe nói sau khi uống canh Mạnh Bà rồi, nếu ai sống lương thiện trên đời, có thể khiến cho tai, mắt, mũi, lưỡi của người đó trở nên thính hơn, tinh hơn, mạnh hơn và khỏe hơn trước kia. Còn kẻ chuyên làm việc ác thì sẽ khiến cho giọng nói, thần chí, hồn phách, khí huyết, tinh thần của người đó không ngừng hao tổn; dần dần trở nên mệt mỏi suy yếu; mục đích là cảnh tỉnh để cho người này nhận ra, sám hối, làm lại từ đầu.
Tùy theo duyên nghiệp mà luân hồi chuyển sinh
Sau khi hồn ma uống xong canh Mạnh Bà, sẽ có minh sứ đưa ra khỏi Thông Quan Đạo; rồi đẩy họ lên trên chiếc cầu nổi nối bằng tre buộc bằng dây thừng; phía dưới cầu là sơn động nước chảy ngang.
Khi các hồn ma đang còn mê mị đứng trên cầu nhìn ngó xung quanh thì lập tức sẽ có hai con quỷ nhảy ra từ bờ bên kia, đẩy những hồn ma này xuống dòng nước màu đỏ như máu đang cuồn cuộn chảy ngang phía dưới.
Ai có căn cơ đạo hạnh, hô hoán có thể may mắn được sinh làm thân người. Ai có căn cơ đạo hạnh cao thâm hơn, đau thương khóc lóc, hận mình lúc còn sống chưa thể tu được công đức xuất thế; như vậy sẽ có cơ hội chuyển sinh với phúc phận cao hơn. Những hồn ma chỉ được phép nhìn thấy mình là thân nam hay thân nữ; sau đó dựa vào nhân duyên của mỗi người mà đầu thai vào các nhà khác nhau; chờ đợi được sinh ra.
Một phiên bản khác về việc uống canh Mạnh Bà
Trong “Ngô Hạ Ngạn giải” của Vương Hữu Quang vào thời nhà Thanh có kể một phiên bản khác liên quan đến việc Mạnh Bà cho các hồn ma đầu thai uống canh Mạnh Bà như sau:
Con người sau khi chết đi, đầu tiên phải đi qua Mạnh Bà Trang; sau đó đi đến Diêm Vương Điện để tiếp nhận phán xét. Phàm những hồn ma bị phán đầu thai chuyển kiếp, thì phải từ Mạnh Bà Trang quay về thế gian.
Có một bà già đứng ở trước cổng Mạnh Bà Trang mời gọi kẻ đang đi đến. Bước lên cầu thang, đi vào bên trong, chỉ thấy cột ngôi nhà trạm trổ hoa văn, hành lang đá màu đỏ, còn có rèm làm bằng ngọc ngà châu báu và chiếc bàn to bằng ngọc quý.
Cảnh sắc mỹ lệ, hầu gái kiều diễm, không thể không uống
Đợi kẻ đi tới bước vào trong nhà, Mạnh Bà liền gọi ba cô gái xinh đẹp ra, gồm có Mạnh Khương, Mạnh Dung và Mạnh Qua. Ba người đều mặc váy màu đỏ và khoác chiếc áo màu xanh; giọng nói nhỏ nhẹ mời gọi khách; còn dùng tay phủi sạch chiếu mời khách ngồi xuống. Tiếp theo, người hầu sẽ mang trà ra. Ba cô gái đích thân bưng trà mời uống; ly ngọc reo vang tí tách, từng làn hương thơm bay lên. Với sự ân cần như vậy, rất khó mà từ chối không uống.
Kẻ đến uống ngụm thứ nhất, liền cảm thấy mát mẻ vô cùng; sau đó một hơi uống cạn. Uống hết rồi mới đột nhiên phát hiện có một thìa bùn đất trong đó. Ngước đầu lên nhìn, phát hiện ba cô gái xinh đẹp và bà già đều biến thành một bộ xương khô; cột nhà trạm trổ hoa văn cũng biến thành một thanh gỗ mục; và sau đó thì không còn nhớ một chút gì về chuyện của kiếp trước nữa. Trong lúc hoảng loạn, đột nhiên gào khóc rơi xuống đất, biến thành một đứa bé sơ sinh không biết gì cả.
Tại sao vẫn có người nhớ được tiền kiếp?
Truyền thuyết là vậy, nhưng chẳng phải có rất nhiều người nhớ được tiền kiếp hay sao? Trong cuốn “Ký viên ký sở ký”, vị học giả nổi tiếng thời nhà Thanh là Triệu Cát Sỹ đã ghi chép một câu chuyện như sau:
Trong thành có một người tên là Hồ Tấn. Không lâu sau khi vị thiếp của ông qua đời thì một gia đình cách đó tám mươi dặm sinh hạ được một bé gái. Sau khi lớn lên, bé gái ấy nói với cả nhà rằng cô chính là người thiếp của Hồ Tấn; gia đình liền cho người đến báo tin. Hồ Tấn bán tín bán nghi, nên sai hai gia nhân đi theo thăm dò.
Cô nương này vừa gặp hai gia nhân liền nhận ra, kêu tên họ và nói: “Các ngươi tới đây làm gì? Về kêu lão gia các ngươi tới đây”. Hai vị này về truyền lại lời, Hồ Tấn vẫn không tin, liền sai hai tỳ nữ đến; kết quả cũng giống như lần trước. Vì vậy Hồ Tấn mới quyết định tự mình tìm đến.
Sau khi gặp Hồ Tấn, cô nương này hết sức vui mừng liền kể với ông về chuyện kiếp trước. Hồ Tấn nhận ra đây đúng là người thiếp của mình; lập tức ôm cô gái vào lòng. Cô gái thấp giọng kể bên tai ông chuyện xưa; cả hai cùng bất giác cảm động đến rơi lệ.
Ký ức tiền kiếp cũng là sự sắp đặt của thiên ý
Sau đó, cô nói với ông về một vật bí mật đang được cất giấu dưới lòng đất tại nhà cũ; nghe vậy, Hồ Tấn liền đưa cô gái về nhà. Gặp lại gia quyến, cô có thể nêu tên từng người một; cả nhà đều vỡ òa trong niềm hạnh phúc. Rồi mọi người đào dưới đất lên như lời cô gái nói thì quả thật thấy một món đồ.
Cô gái kể rằng, âm phủ không khác gì so với những câu chuyện dân gian đang lưu truyền. Khi được hỏi: Vậy tại sao nàng vẫn nhớ được mọi chuyện? Cô mới kể rằng là do khi cô chuẩn bị uống bát canh Mạnh Bà, bỗng có một chú chó nhỏ chạy qua làm cô ngã một cái; bát canh liền bị đổ hết ra ngoài; nhờ đó cô mới có thể nhớ được mọi chuyện trong tiền kiếp.
Câu chuyện thì là như vậy, nhưng thực ra đây cũng là sự sắp đặt của thiên ý; muốn thông qua những người này để nói cho thế nhân biết rằng nhân quả luân hồi là có thật; rằng người hành thiện tích đức thì mới có tương lai tươi sáng.