Cao thủ cờ vây bị thua vì tâm không tịnh
Dịch Thu là người có kỹ thuật chơi cờ vây đệ nhất, ông đã bị một số người ghen ghét hãm hại, nhưng nguyên nhân thua cuộc lại ở chính bản thân ông.
Cao thủ cờ vây Dịch Thu bị hãm hại
Vào thời cổ đại, có một người đàn ông tên là Dịch Thu chơi cờ rất giỏi, đồng thời cũng là cao thủ cờ vây đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc được ghi chép. Vì Dịch Thu có địa vị cao trong giới kỳ thủ và tầm ảnh hưởng lớn trong quần chúng, nên một số người đã có ý đồ xấu và cố gắng hủy hoại uy tín của ông trong lòng mọi người.
Một ngày nọ, khi Dịch Thu đang chơi cờ cùng với người khác, những người này đã tìm một người thổi khèn đến nơi Dịch Thu đang chơi cờ và thổi bên cạnh ông. Tiếng nhạc du dương khiến nội tâm của Dịch Thu bất định, và kết quả là ông đã chơi thua đối thủ.
Vài ngày sau, khi Dịch Thu đang cùng người khác chơi cờ, những người này lại tìm một người đến và liên tục “thỉnh giáo” cách đánh cờ bên cạnh ông. Điều này khiến Dịch Thu không kịp xoay sở và kết quả ông thua cuộc một lần nữa. Vì thế, những người này bắt đầu tung tin đồn, nói rằng kỹ năng chơi cờ của Dịch Thu không tốt chút nào, và ông là một kẻ dối trá. Những tin đồn này khiến Dịch Thu cảm thấy vô cùng lo lắng, bối rối và thống khổ.
Cao nhân giải thích nguyên do
Sau khi một vị trí giả biết được sự tình này, ông đã đứng ra bảo vệ Dịch Thu. Ông tin rằng kỹ năng chơi cờ của Dịch Thu gần đây sa sút, không có nghĩa là kỹ thuật chơi cờ của Dịch Thu không tốt. Ông nói rằng đã từng có một người được mệnh danh là “thiên hạ đệ nhất toán học”, người ấy thậm chí không thể trả lời những bài toán số học đơn giản khi những con chim hót líu lo và bay qua đầu của anh ta.
Điều này không phải vì anh ấy không thể giải được những bài này, mà là bởi vì anh ấy bị quấy rầy bởi những con chim. Thất bại trong những trận đấu gần đây của Dịch Thu không phải do kỹ thuật chơi cờ, mà do chịu can nhiễu bởi các yếu tố bên ngoài. Nguyên nhân chủ yếu đều là do tâm trí của họ bị hấp dẫn bởi những thứ khác và sự chú ý không thể tập trung vào kết quả của số học và cờ vây.
Con cá nhỏ sống trong bóng tối tuy không nhìn thấy nhưng đôi tai của nó rất nhạy bén vì nó tập trung lắng nghe, con ba ba không có tai nhưng đôi mắt của nó rất nhạy bén vì nó tập trung quan sát. Những sinh mệnh cấp thấp như cá và ba ba có thể đạt đến thính giác và thị giác nhạy bén như vậy. Kỳ thực, nghĩ kỹ lại thì đó chẳng qua là vì chúng có thể chuyên nhất vào một việc mà thôi. Vì vậy, muốn làm tốt một việc nào đó thì phải chuyên cần, chăm chú và tập trung cao độ. Còn nếu nội tâm bất định, lơ đãng, không tập trung, không chuyên chú thì không thể thành công.
Đối với con người, nếu người đó đọc to, tuy rằng âm thanh có thể lọt vào tai nhưng không nhập tâm. Điều này chẳng khác gì bịt tai mà đi trộm chuông, chẳng qua chỉ là lừa mình dối người mà thôi.
Sau khi nghe bậc trí giả phân tích, mọi người không còn nghi ngờ tài đánh cờ của Dịch Thu nữa. Và Dịch Thu cũng lắng nghe lời khuyên của vị cao nhân kia: “Một lòng không nên hai ý”. Kể từ đó, Dịch Thu “bách chiến bách thắng”. Những người muốn nói xấu Dịch Thu cũng không còn cách nào nữa.
Dịch Thu dạy chơi cờ
Theo ghi chép trong “Mạnh Tử – Ly lâu hạ”, có một lần, Dịch Thu nhận 2 học trò và dạy họ cùng một lúc.
Một học trò thì lắng nghe rất cẩn thận và chăm chú vào lời giảng giải và phân tích của Dịch Thu, không quan tâm đến bất kỳ thứ nào khác. Về phần cậu học trò kia, dường như cũng ngồi ở đó, nhưng thực ra là đang lơ đãng: cậu ấy lúc thì nhìn cánh đồng và rừng cây bên ngoài cửa sổ một lúc, lúc lại lắng nghe tiếng nhạn kêu trên trời.
Khi cậu ấy nhìn thấy một vài con thiên nga bay ngang qua, cậu liền nghĩ: “Giá như có một cây cung và một vài mũi tên để bắn hạ một con thiên nga để làm thịt ăn thì thật tuyệt vời biết bao!”. Cho đến khi Dịch Thu kết thúc bài giảng của mình, cậu vẫn không để ý.
Lúc này, Dịch Thu yêu cầu 2 học trò chơi cờ với nhau để xem họ học như thế nào rồi. Kết quả là, cậu học trò tập trung thì bình tĩnh và chủ động trong tấn công và phòng thủ, trong khi cậu học trò luôn lơ đãng chỉ có thể chống đỡ chứ không có lực đánh trả.
Tuy rằng hai người học trò đều cùng học một người thầy, nhưng có người học thành công, lại có người không lĩnh hội được kỹ nghệ chơi cờ. Nguyên nhân không phải do chênh lệch trí thông minh giữa hai người mà là do sự khác biệt về mức độ tập trung khi học cờ.
Dịch Thu chơi thua nhiều trận cờ vây, không phải do kỹ nghệ của ông không cao mà là do nội tâm của ông không đạt được sự tĩnh tại và chuyên nhất. Do đó, dù làm bất cứ điều gì không chỉ cần tinh thông kỹ nghệ, mà còn cần sự tu dưỡng để đạt đến nội tâm an định, vững chắc.
Theo Vision Times