Đâu cần phải tranh cãi vì chuyện nhỏ, chỉ cần tâm thiện sẽ an vui
Thái độ tôn trọng và nhẫn nhịn có thể tạo nên sức mạnh cảm hoá kỳ diệu. Lòng người thiện lương sẽ phủi đi mọi lớp bụi phù hoa, hóa giải cả những mâu thuẫn khó hóa giải nhất. Chỉ cần có tâm thiện thì mọi chuyện đều là chuyện nhỏ, không cần phải tranh cãi.
Người xưa nói: “Có lý không ở lớn tiếng”. Đúng là như vậy, có thể khiến người tâm phục khẩu phục không phải dựa vào lời nói, mà là dựa vào sự chân thành.
Vì sao học trò không tranh cãi với người thầy?
Lý Thúc Đồng là nhà giáo dục văn học, mỹ thuật, âm nhạc nổi tiếng tại Trung Quốc. Thời trẻ khi còn dạy âm nhạc, trong lúc đang giảng bài thì ông trông thấy một học trò đang xem sách môn khác và một học trò nhổ đờm xuống sàn.
Tuy nhìn thấy rõ sự việc nhưng ông không nói gì mà tiếp tục giảng bài. Sau khi hết giờ học, ông mới mời hai học trò đó ở lại và nhắc nhở một cách nhẹ nhàng.
Hai học trò vừa định tranh cãi thì ông đã cúi gập người trước họ, tỏ ý cảm ơn đã lắng nghe lời nhắc nhở của mình. Hai cậu học trò chỉ còn biết đỏ mặt xấu hổ trước phong thái đức độ của ông.
Người thầy không dùng đòn roi, không một lời mắng nhiếc mà khiến trò tâm phục khẩu phục, không tranh cãi lại. Đó là nhờ sức mạnh cảm hóa của sự thiện lương.
Không tranh cãi vì có đi cùng nhau lâu đâu
Trong đằng đẵng rất nhiều kiếp nhân sinh, giữa vũ trụ mênh mông vô tận thì mỗi con người chỉ là một lạp tử nhỏ bé. Vậy nên mỗi khoảnh khắc xảy ra lại càng nhỏ biết bao nhiêu. Người với người cũng chỉ là chút nhân duyên ngắn ngủi, đi cùng nhau trên một đoạn đường thôi.
Có một cô sinh viên đang ngồi trên xe buýt thì một bà già mang nhiều thứ lỉnh kỉnh lên xe, miệng lẩm bẩm xô mạnh cô ra, rồi ngồi chen vào ghế bên cạnh. Anh thanh niên kế bên nhìn thấy rất bất bình, liền hỏi tại sao cô không tranh cãi và bảo vệ quyền lợi của mình?
Cô chỉ mỉm cười và trả lời “Đâu cần phải cãi cọ vì chuyện nhỏ như thế. Có đi chung với nhau lâu đâu! Trạm tới, tôi xuống rồi”.
Có lẽ, đó là một chỉ dụ về cách đối nhân xử thế cho mỗi chúng ta. Dù mâu thuẫn gì xảy ra đi nữa, chỉ cần bảo trì một tâm thái “đó là chuyện nhỏ, ta với người không đi cùng nhau lâu”. Nghĩ được như vậy thì chẳng phải điều gì xảy ra cũng có thể nhẫn nhịn hay sao.
Nhẫn là một đức tính không đồng nghĩa với hèn nhát, nhu nhược, không có cá tính. Người có thể nhẫn một cách thản nhiên là bởi họ đã thấu hiểu ý nghĩa của kiếp nhân sinh. Sự hơn người của họ là ở chỗ giữ vững thiện tâm mà không oán không hận.
Nhân sinh ảo mộng lẽ vô thường
Tâm không trong cảnh chẳng còn vương
Bụi trần nhân thế chưa nguyện dứt
Để nỗi đường đi chẳng tỏ tường!
Duyên đến duyên đi định sẵn rồi
Chỉ cần tâm thiện sẽ an vui
Lợi danh thoảng nhẹ như mây khói
Tự tại thong dong với nụ cười
(Thơ của Nam Phong-Kim Thoa)