Nhân vô thập toàn, làm người khó tránh khỏi mắc sai lầm, nhưng biết sai rồi mà không chịu sửa thì đó mới thực là sai lầm.

Khổng Tử nói: “Quá nhi bất cải, thị vị quá hĩ”, nghĩa là sai mà không sửa thì đó mới thực là sai lầm. Trong “Tả truyện” cũng viết: “Nhân thùy vô quá. Quá nhi năng cải, thiện mạc đại yên”, tức là làm người thì có ai mà không mắc sai lầm, nhưng có lỗi mà có thể sửa đi thì không gì tốt đẹp bằng.

Nhan Hồi là một trong những đệ tử xuất sắc nhất của Khổng Tử. Khổng Tử từng khen Nhan hồi: “Nhan Hồi là hiếu học nhất, không giận người khác, không phạm cùng một sai lầm hai lần.”

Có thể thấy rằng, không cần phải hoàn hảo đến mức không mắc sai lầm nào, mà chỉ cần đừng mắc một sai lầm 2 lần thì đã là xuất sắc rồi. 

Người dám nhận lỗi và sửa sai thì mới là bậc quân tử, còn tiểu nhân thì tìm mọi cách để che giấu đi, nên sai lại càng thêm sai. Sách “Luận ngữ” viết: “Tiểu nhân làm sai nhất định muốn che đậy”; “Người quân tử có lỗi thì như nhật thực, nguyệt thực. Có lỗi thì ai cũng thấy, mà khi sửa lỗi thì ai cũng ngưỡng vọng”.

Trong “Thế thuyết tân ngữ – bài điều” có chép một câu chuyện như sau:

Tôn Tử Kinh muốn làm ẩn sĩ, nên đã nói với một người bạn của mình tên là Vương Vũ Tự rằng: “Tôi muốn đi ẩn cư, trở về quê hương ‘gối đầu lên nước khe, súc miệng bằng đá’”.

Ở đây thực ra là Tôn Tử Kinh đã nói nhầm “gối đầu lên đá, súc miệng nước khe” thành “gối đầu lên nước khe, súc miệng bằng đá”. “Gối đầu lên đá, súc miệng nước khe” là câu nói ẩn dụ để miêu tả cuộc sống tao nhã của các nho sĩ xưa, lấy núi đá làm gối, lấy nước nơi khe suối để súc miệng.

Khổng Tử: Sai mà không sửa, đó mới thực là sai lầm
(ảnh minh họa Pinterest)

Bạn ông liền nói: “Câu ví này của ông có vấn đề rồi! Nước miễn cưỡng có thể coi là gối, tuy nhiên đá thì thực sự không thể ngậm để súc miệng được”.

Sai rõ ràng là như vậy, nhưng Tôn Tử Kinh không những không nhận sai mà còn cố gắng biện giải: “Dùng nước để làm gối thì có thể rửa được tai, dùng đá để súc miệng thì có thể mài răng”.

Có người cho rằng Tôn Tử Kinh khôn khéo, nhưng xét đến việc ‘tiểu nhân che giấu lỗi lầm’ thì có khác gì?

Có người thì cũng muốn sửa đổi, nhưng lại cho rằng cứ từ từ mà sửa cũng được. Mạnh Tử từng kể một câu chuyện ngụ ngôn về sửa sai như sau:

Xưa kia có một người chuyên ăn trộm gà, mỗi ngày đều bắt trộm lấy một con gà của nhà hàng xóm. Có người biết được nên nói với anh ta rằng: “Đây không phải là hành vi của người đứng đắn”.

Người này nói: “Tôi đang từ từ sửa chữa thói quen ăn trộm của mình. Trước đây, mỗi ngày tôi ăn trộm một con, bây giờ mỗi tháng ăn trộm một con thôi. Đợi đến sang năm thì tôi sẽ không ăn trộm nữa.”

Ở trên khi nói là từ từ sửa đổi thì có thể có người sẽ cho là cũng chấp nhận được, nhưng khi nói đến hành vi sai trái là ăn trộm gà mà lại cũng từ từ bỏ thì chắc là cũng không đồng tình, phải bỏ ngay mới đúng chứ! Sai lầm của chúng ta cũng vậy, có những lỗi dù nhỏ, nhưng nếu không quyết tâm bỏ thì lâu ngày sẽ trở nên nghiêm trọng hơn, trong tâm mà có ý “từ từ” thì khả năng là sẽ khó mà sửa đổi được.

Người mắc sai lầm mà dám nhận lỗi và sẵn sàng sửa đổi thì đúng là bậc chính nhân quân tử. Mọi người sẽ không coi thường anh ta vì đã mắc lỗi, mà sẽ nể phục anh ta vì dũng cảm dám sửa sai. 

Có người cảm thấy khó nhận sai vì bản thân có địa vị và danh tiếng nhất định, nhưng quyền cao chức trọng đến mấy thì chắc cũng không bằng Hoàng đế được, vậy mà có nhiều vị Hoàng đế lại sẵn sàng nhận sai và sửa đổi.

Chuyện kể về Hán Văn Đế, một vị Hoàng đế anh minh, nhân từ và độ lượng. Ông biết nghe lời can gián và sẵn sàng sửa sai khi thấy hợp lý. Một lần nọ, Hán Văn Đế đến vườn Thượng uyển để dạo chơi và ngắm nhìn các loài vật. Khi đang ngắm hổ, ông hỏi viên Thượng lâm úy (quan trông coi vườn Thượng uyển) về tình hình các loài vật, viên Thượng lâm úy ấp úng không trả lời được.

Lúc đó có một viên Sắc phu (chức quan nhỏ, cấp thấp hơn) trông coi cầm thú bước lên trả lời. Viên Sắc phu này nói một mạch về số lượng và tình hình các loài cầm thú, ăn nói lưu loát, rõ ràng.

Khổng Tử: Sai mà không sửa, đó mới thực là sai lầm
Hán Văn Đế là một vị Hoàng đế anh minh, nhân từ và độ lượng (ảnh: Vision Times)

Hán Văn Đế nghe xong vui mừng lắm, liền nói quan đại thần Trương Thích Chi mau bổ nhiệm viên Sắc phu này thay cho viên Thượng lâm úy, và thăng thêm một cấp làm Thượng lâm lệnh.

Trương Thích Chi nói với Hán Văn Đế: “Chu Bột, Trương Lương, đều là bậc trưởng giả đức cao vọng trọng, gánh vác những trọng trách của triều đình. Nhưng hai người này đều không giỏi ăn nói. Nếu Hoàng thượng cho rằng viên Sắc phu này mồm mép lanh lợi, giỏi ăn nói, khéo làm vừa lòng người, rồi phá quy định phép tắc, đề bạt vượt cấp, thì e rằng người trong thiên hạ sẽ đua nhau bắt chước học theo, đều nói năng hùng hồn, trên trời dưới đất, mà không chăm lo làm việc thiết thực, vậy thì phong khí xã hội sẽ bại hoại. Xin bệ hạ xem xét kỹ mới được.” 

Hán Văn Đế nghe vậy thấy rất có đạo lý, bèn thu hồi lại khẩu lệnh.

Là một vị Hoàng đế đứng đầu thiên hạ còn dám nhận sai và sửa đổi, vậy chúng ta có gì mà không dám nhận lỗi và sửa sai?

Tổng hợp