Thiền sư Sayadaw U Sobhana là người Mianmar, ngài không chỉ nhớ chuyện tiền kiếp mà còn có thể nhớ được quá trình tái sinh một cách rõ ràng.

Vị thiền sư biết rõ ràng về tiền kiếp của mình

Thiền sư Sayadaw U Sobhana, sinh năm 1921 tại vùng nông thôn tại Myingyan của Myanmar. Ông xuất gia năm 15 tuổi và là một nhà sư tu hành theo hình thức Phật giáo truyền thống.

Từ khi 2 tuổi, ông đã kể cho gia đình nghe về cuộc sống ở kiếp trước và quá trình tái sinh của mình. Phần ký ức tiền kiếp của vị thiền sư kéo dài suốt 58 năm, sau đó chúng phai mờ dần và biến mất vào những năm tháng cuối đời.

Sayadaw U Sobhana nói, ông biết một cách rõ ràng về việc bản thân đã tái sinh tại nhà của mình như thế nào sau khi ông chết ở kiếp trước. Nhưng vị thiền sư này không thể biết sự sống bắt nguồn từ đâu. Cho đến nay, nguồn gốc sự sống vẫn là bí ẩn đối với người tu Phật.

Ký ức tiền kiếp của thiền sư ở Mianmar
Tôn kính Phật (ảnh: Dantri).

Sayadaw U Sobhana kể rằng, kiếp trước, ông rất tôn kính Phật và cúng dường chư tăng rộng rãi. Ông cũng tin rằng, chính vì bản thân đã tích được nhiều phước báo trong kiếp sống trước nên kiếp này ông có thể trở thành một tu sĩ như mong muốn.

Vào tháng 1 năm 1963, khi Sobana 42 tuổi, trợ lý dự án nghiên cứu luân hồi của nhà nghiên cứu Ian Stevenson tại Hoa Kỳ đã liên lạc với ông để phỏng vấn, nhằm tìm hiểu rõ hơn về những ký ức trong tiền kiếp của vị thiển sư nổi tiếng này.

Cuộc đời của Meng Boxi

Quay trở lại quá khứ, vào ngày 5 tháng 11 năm 1921, tại nhà trưởng thôn Qian Sa, vợ ông là bà Leiken ở làng Tanongdang, quận Mingyan, Myanmar đã hạ sinh một người con trai; họ đặt tên cậu là Sobhana. Trước Sobhana, bố mẹ cậu đã có hai cậu con trai và một cô con gái. Sau Sobhana, họ sinh thêm một bé trai, nhưng không may em bé đã bị chết yểu.

Sobana từ nhỏ đã khác những đứa trẻ thông thường. Khi vừa biết nói, cậu đã bắt đầu kể cho mọi người trong nhà nghe về những ký ức của mình trong kiếp trước; cũng như quá trình từ khi chết đến khi tái sinh trong gia đình mới này.

Cậu ấy nhớ rất rõ, kiếp trước mình tên là Meng Boxi. Cậu cũng nhớ hết thảy người thân, bạn bè, đến tài sản của Meng Boxi và thậm chí cả những khoản nợ cũ chưa đòi được.

Nhà Sobhana hiện tại ở cùng một thôn và rất gần, chỉ cách bảy ngôi nhà với nhà của anh Meng Boxi. Cậu thường xuyên quay về thăm gia đình ở kiếp trước, giống như trở về nhà của chính mình. Cô Ma Xueting, góa phụ của Meng Boxi kiếp trước, vẫn sống ở đó cùng với hai đứa con của cô. Thỉnh thoảng, cậu còn qua đêm tại đây.

Hai người con của cô Ma Xueting, một trai một gái, đều là con của Sobhana kiếp trước. Khi Meng Boxi chết, vợ anh còn đang mang thai đứa con thứ hai. Sobhana tuổi rất nhỏ nhưng cậu luôn yêu thương hai người con của Ma Xueting giống như cha mẹ của chúng.

Cậu cũng thường đến thăm những người bạn cũ của Meng Boxi và gọi những người mà Meng Boxi bằng tên của họ một cách thiếu tôn trọng, giống như đối xử với những người bạn cũ của anh ta. Tuy nhiên, mọi người đều thông cảm với trường hợp đặc biệt này. Thật khó khi bạn bị thu nhỏ lại và phải gọi những người bạn thân bằng chú.

Quá trình tái sinh

Dưới đây là một số ký ức về kiếp trước mà Sobhana đã nói với các nhà nghiên cứu về luân hồi. Chúng cũng đã được chứng thực bởi các nhân chứng và các bằng chứng vật chất có liên quan, cũng như sau một quá trình điều tra, theo dõi lâu dài.

chùa ở Mianmar
Chùa cổ trong rừng Mianmar (ảnh:Ttraasgpu).

Sobhana kể rằng: “Tôi là một nhân viên khảo sát đất đai ở kiếp trước, tên là Meng Boxi, và vợ tôi tên là Ma Xueting. Chúng tôi có một cậu con trai 3 tuổi khi tôi qua đời. Ở tuổi 36, tôi nhập viện trong tình trạng sốt cao, nôn mửa và đau bụng. Tôi nhớ rất rõ ràng rằng tôi đã đến đó trên một chiếc xe bò không có mái che. Lúc bấy giờ là cuối mùa mưa và trời đang đổ mưa. Tôi nhớ mình đã đến bệnh viện để khám sức khỏe và bác sĩ nói rằng tôi cần phải phẫu thuật. Nhưng tôi không thể nhớ những gì đã xảy ra trong bệnh viện sau đó.

Sau đó, tôi thấy mình một mình ở trong một khu rừng. Tôi buồn bã, đói khát, chán nản. Lúc đó tôi đã chết nhưng tôi không ý thức được chuyện đó. Tôi mặc quần áo bình thường, đi dép xăng-đan, để tóc dài và quấn khăn trên đầu. Hình như tôi đã đi lang thang trong rừng hai ba tiếng đồng hồ thì gặp một ông già mặc đồ trắng với bộ râu trắng, chiếc khăn quàng trên vai của ông cũng là một màu trắng.

Vừa nhìn thấy ông, tôi cảm thấy mọi phiền muộn của mình tan biến mất ngay lập tức. Ông gọi tên tôi và bảo tôi phải đi với ông ấy. Tôi đi bộ với ông ấy khoảng một giờ và trở lại vùng lân cận ngôi làng của tôi. Tôi vào làng và đí về nhà mình. Ông già mặc đồ trắng bảo tôi đợi dưới gốc cây của nhà tôi rồi ông ấy một mình đi vào trong nhà.

Năm phút sau, ông ta bước ra nói với tôi: “Anh phải đi với tôi đến chỗ khác.”

Chúng tôi tiếp tục đi bộ về phía Tây, cách nhà tôi khoảng bảy căn nhà là nhà của người trưởng thôn. Vừa đến trước cửa nhà trưởng thôn, ông cụ bảo tôi lại đợi trước nhà, lại chừng năm phút sau, ông bước ra và gọi tôi vào.

Ký ức tiền kiếp của thiền sư ở Mianmar
Người đàn ông mặc đồ trắng, tóc trắng kỳ lạ (ảnh minh hoạ: Understandchristianity).

Ông nói với tôi: “Cậu phải chờ ở đây, tôi sẽ trở lại.” Rồi ông già biến mất.

Tôi nhìn thấy những người và mọi thứ ở trong nhà, nhưng tôi không biết chuyện gì đã xảy ra sau đó. Sau khi tỉnh lại, tôi đã là tôi trong cuộc đời cậu bé Sobhana.

Sự tái sinh được báo trước trong giấc mơ của người mẹ ở kiếp này và người vợ trong tiền kiếp

Về cái chết của Meng Boxi, anh trút hơi thở cuối cùng trong bệnh viện. Thi thể của anh được mang đi chôn cất ngay sau đó. Bảy ngày sau, theo phong tục địa phương, các nhà sư đến nhà ông để thọ thực và tụng kinh cầu siêu.

Trùng hợp rằng, đêm hôm đó, cả vợ của anh Meng Boxi là cô Ma Xueting và mẹ của Sobhana là cô Leiken đều có cùng một giấc mơ. Cô Ma Xueting nằm mơ thấy một ông lão mặc áo trắng đến nói: “Ta sai chồng bà đến nhà trưởng thôn” . Nói xong, ông lão biến mất.

Vào sáng sớm ngày hôm sau, Ma Xueting đến nhà trưởng thôn và kể cho cô Leiken về giấc mơ của mình. Leiken ngạc nhiên vô cùng, cô cũng nói rằng, bản thân cũng mơ thấy một ông già mặc đồ trắng. Ông ấy nói giao cho cô Meng Boxi và muốn cô hãy chăm sóc cho anh ta như một thành viên trong gia đình. Nói xong, ông già bước ra ngoài, lúc vào thì mang theo Meng Boxi, ông bảo anh hãy ở lại ngôi nhà này, rồi biến mất. Kể từ ngày đó, Leiken mang thai và hạ sinh bé trai Sobhana.

Tiền kiếp tín Phật và phước báo kiếp này

Sobhana nhớ rất rõ, Meng Boxi học đến lớp bảy, sau đó đến một trường khác để được đào tạo thành nhân viên khảo sát đất đai và học trong trường đó hai năm.

Anh Meng Boxi học tiếng Anh ở trường vì phải sử dụng tiếng Anh khi làm công việc khảo sát đất đai. Sau khi được đào tạo, anh trở thành nhân viên khảo sát đất đai của chính phủ với thu nhập hàng tháng là 45 kyat. Đến năm 32, 33 tuổi, anh mới lập gia đình. Bobhana vẫn nhớ đám cưới của mình ở kiếp trước. Anh nhớ được tên, dáng người của bố vợ.

Khi còn trẻ, Meng Boxi là một phật tử rất thuần thành. Anh ấy từng xuống tóc làm sadi ở một tu viện trong ba tháng, nhưng anh không trở thành một nhà sư chính thức. Dù Meng Boxi không thường xuyên ngồi thiền, tuy nhiên lòng thành kính của anh với Phật vô tận. Anh cúng dường thức ăn cho các nhà sư hàng ngày và luôn dành một khoảng thời gian cố định để tụng đọc kinh điển.

Ký ức tiền kiếp của thiền sư ở Mianmar
Đọc tụng kinh điển (ảnh minh hoạ: Dantri)

Vào năm trước khi qua đời, anh Meng Boxi đã cúng dường 1.000 kyats cho tu viện. Để có số tiền đó, anh ấy phải tiết kiệm trong vòng 2 năm. Chúng được dùng để mua một bản “Tam Tạng kinh” phiên bản tiếng Pali cho các nhà sư nghiên cứu. Meng Boxi cúng dường với hy vọng, bản thân sẽ trở thành một học giả uyên bác trong tương lai, và anh ấy thực sự đã đạt được ước nguyện sau khi tái sinh trong thân phận Sobhana.

Ở kiếp này, từ năm 15 tuổi, Sobhana đã tu học trong một ngôi chùa ở Mingyan, Myanmar. Sau nhiều năm tu hành, ông chính thức trở thành một nhà sư và được ca ngợi là một thiền sư, một pháp sư có trí tuệ uyên bác.

Vào năm 1959, ở tuổi 39 tuổi, Hội đồng Phật pháp Myanmar đã cử pháp sư Sobhana đến một ngôi chùa ở Thái Lan để hoằng pháp Phật giáo. Thời điểm đó, thiền sư cũng trở thành trụ trì tại chùa Bồ Tát ở tỉnh Nakhon Sawan, Thái Lan.

Là một vị sư có thể nhớ tiền kiếp lại có trí tuệ sâu sắc, tuy nhiên, ngài Sobhana vẫn trăn trở: “sự sống bắt nguồn từ đâu?”. Đây có lẽ là câu hỏi muôn thuở đối với nhà sư Sobhana và toàn nhân loại.

Theo: EpochTimes.