‘Ông trời có đức hiếu sinh’, thường ban phúc lành cho người thiện lương. Có người hoàn cảnh gia đình không được tốt nhưng do tâm tính lương thiện, không tham vật chất, trả lại tiền cho khổ chủ mà làm cảm động trời đất, cuối cùng lại đắc được phúc báo ấm êm.

Nhặt được của rơi không tham lam, tìm người trả lại tiền

Vào thời nhà Minh, ở cửa Đông huyện Vô Tích, phủ Thường Châu, tỉnh Giang Tô có một gia đình có 3 anh em trai; anh cả là Lã Ngọc, người em kế là Lã Bảo, người em út là Lã Trân. Con trai của Lã Ngọc tên là Hy nhi. Vào năm 6 tuổi, Hy nhi và con trai nhà hàng xóm đi chùa, kết quả là một đi không trở về. Lã Ngọc và vợ là Vương Thị ra sức đi tìm mấy ngày liền nhưng cũng không thấy tung tích của Hy nhi đâu.  

Lã Ngọc rất chán nản, cáo biệt vợ đi ra ngoài làm ăn; cũng là để đi nghe ngóng khắp nơi xem có ai thấy Hy nhi không. Mấy năm sau, vào một ngày nọ, Lã Ngọc đi đến một nơi gọi là Trần Lưu, ở trong nhà vệ sinh nhặt được một cái túi vải xanh; mở ra xem thì thấy đều là bạc trắng; ước chừng cũng khoảng 200 lượng. 

Lã Ngọc thầm nghĩ, “người bị mất của chắc là đang rất sốt ruột, nói không chừng nhà tan cửa nát rồi. Cổ nhân thấy vàng không lấy, không nhặt của rơi, mỹ đức này thật là đáng khen. Bây giờ nếu có ai đến tìm thì mình cũng sẽ trả lại cho họ!”

Lã Ngọc ở đó đợi một ngày mà không thấy ai đến; đành phải đi về phía trước và nghỉ lại ở một nhà trọ tại Túc Châu. Ở đó Lã Ngọc gặp một người tên là Trần Triều Phụng, cả hai bàn chuyện buôn bán làm ăn với nhau. 

"Ông trời có đức hiếu sinh", thường ban phúc lành cho người thiện lương
“Ông trời có đức hiếu sinh”, thường ban phúc lành cho người thiện lương (ảnh Sina)

Trả lại tiền cho khổ chủ, tìm lại được con trai thất lạc

Trần Triều Phụng thở dài nói mình đánh rơi một cái túi ở Trần Lưu, bên trong có 200 lượng bạc. Lã Ngọc hỏi hình dạng cái túi như thế nào, thì thấy đúng là cái túi mà anh ta đã nhặt được. Lã Ngọc liền đem cái túi bạc trả lại cho Trần Triều Phụng. Trần Triều Phụng vui mừng quá đỗi, muốn được chia số bạc đó với Lã Ngọc nhưng anh kiên quyết từ chối.

Trần Triều Phụng vô cùng cảm kích, mới mời Lã Ngọc đến nhà của mình làm khách. Trần Triều Phụng nói mình có một người con gái, muốn được kết làm thông gia với Lã Ngọc. Lã Ngọc nghe vậy thì nước mắt như mưa, mới đem chuyện con trai bị mất tích mà kể ra. 

Trần Triều phụng thở dài nói: “Trong nhà tôi có một đứa bé trai, mua được từ một người khác với giá 3 lượng bạc. Bây giờ cũng 13 tuổi rồi; để cho đi theo ân huynh hầu hạ; coi như đây là sự báo đáp của tôi”.

Trần Triều Phụng gọi đứa bé đó ra. Lã Ngọc phát hiện ở bên trái lông mày đứa bé này có một vết sẹo thì cả kinh; bởi vì con trai anh vào năm 4 tuổi bị ngã và rách lông mày bên trái, cuối cùng để lại vết sẹo. Nghĩ vậy nên Lã Ngọc mới hỏi đứa bé: “Ngươi là người ở đâu, ai bán ngươi đến nơi này?”.

Cha con tương kiến cũng là nhờ không tham lam tiền bạc

Đứa bé nói: “Cũng không nhớ rõ, chỉ nhớ cha tên là Lã Đại, còn có 2 người chú ở trong nhà. Lúc nhỏ bị người ta lừa gạt đi ra ngoài và bán đến nơi này”.

Lã Ngọc nghe xong liền ôm lấy đứa nhỏ la lên: “Ta chính là cha của con đây, không ngờ thất lạc mấy năm mà nay lại có thể gặp lại!”

Chứng kiến cảnh này, Trần Triều Phụng vô cùng vui mừng. Lã Ngọc đứng dậy bái tạ Trần Triều Phụng: “Cháu nhà nếu không có quý phủ giúp đỡ, thì ngày nay làm sao cha con có thể tương phùng?”

Trần Triều Phụng nói: “Ân huynh có đức trả lại tiền, nên thiên thượng mới dẫn huynh đến đây; nhờ vậy mà cha con mới có thể đoàn viên!” Sau đó hai gia đình đã đính ước với nhau. Trần Triều Phụng còn lấy ra 20 lượng bạc tặng cho hai cha con; coi như là lộ phí cho họ đi đường.

Sáng sớm hôm sau, cha con Lã Ngọc cảm tạ và cáo từ; đi đến bờ sông thì chợt nghe tiếng người huyên náo. Vốn là có một chiếc thuyền gặp nạn, người bị rơi xuống nước đang kêu cứu. Vừa may lúc đó ở trên bờ có mấy chiếc thuyền con và người chèo thuyền.

Nhờ tâm lương thiện mà cứu được em trai

Nhờ tâm lương thiện mà cứu được em trai mắc nạn
Nhờ tâm lương thiện mà cứu được em trai mắc nạn (ảnh baidu)

Lã Ngọc nghĩ, cứu một mạng người hơn xây 7 tòa tháp; ta trong tay đang có hơn 20 lượng bạc, sao không tặng cho mấy người chèo thuyền để họ đi cứu người. Vì vậy anh nói với mấy người chèo thuyền: “Mau đi cứu người, nếu cứu được những người trên thuyền thì tôi sẽ trả 20 lượng bạc”. Nhóm người chèo thuyền nghe vậy thì nhao nhao đi cứu. Trong chốc lát, tất cả người trên thuyền đã được cứu lên.

Lã Ngọc trả tiền cho những người chèo thuyền. Những người bị đắm thuyền đều đến cảm tạ Lã Ngọc. Chỉ có một người trong đó vừa nhìn thấy Lã Ngọc thì kinh ngạc la lên: “Anh từ đâu tới đây?”

Lã Ngọc nhìn kỹ thì đó chính là người em út Lã Trân, Lã Ngọc nói: “Là thiên thượng trợ giúp để anh có thể cứu được em”. Lã Ngọc gọi Hy nhi đến gặp chú; lại mang chuyện trả lại bạc và gặp được con kể cho Lã Trân nghe.

Lã Ngọc hỏi: “Em vì sao lại đi đến nơi này?”

Lã Trân nói: “Từ khi anh đi, được mấy năm thì có người nói là anh đã bỏ mạng ở Sơn Tây; chị dâu cũng đã để tang. Nhị ca (Lã Bảo) gần đây muốn ép chị dâu lấy chồng nhưng chị dâu không đồng ý. Anh mau về nhà đi, muộn quá sợ lại có biến”. Lã Ngọc nghe xong thì kinh hoảng, vội vàng bắt thuyền đi ngay trong đêm. 

Người em trai hiểm ác, muốn bán chị dâu

Người em kế Lã Bảo trong lòng bất thiện, nghe nói ở Giang Tây có người mất vợ, muốn lấy một người vợ tái giá. Lã Bảo liền giới thiệu chị dâu cho anh ta, đối phương tình nguyện trả 30 lượng bạc.

Lã Bảo nhận bạc rồi mới nói: “Chị dâu của tôi có chút cố chấp, nói chị ấy tái giá nhưng chị ấy nhất định không chịu. Cho nên vào chạng vạng tối nay, cho người lén lút mang kiệu vào nhà tôi. Chỉ cần nhìn thấy người mang búi tóc tang thì đó chính là chị dâu; cũng không cần nhiều lời, cứ thế cho chị dâu lên kiệu; rồi cho thuyền đi suốt đêm là được”. Người kia cứ theo kế hoạch đó mà làm.

Lã Bảo sợ chị dâu không chịu, rồi sợ chuyện của mình bị lộ ra, nên mới nói vợ của mình là Dương Thị đi thuyết phục chị dâu. Dương Thị nói với Vương Thị: “Chồng của em đã hứa gả chị cho một người ở Giang Tây rồi, vào lúc hoàng hôn, người đó sẽ đến đón dâu. Chị cũng nên chuẩn bị đi thôi”.

Vương Thị khóc nói: “Chồng của chị mặc dù đã chết rồi, nhưng vẫn chưa thấy xác; với cũng phải chờ chú ba trở về để minh xác cái tin này; bây giờ lại ép bức chị như thế này!”.

Số trời đã định, kẻ bất lương phải chịu quả báo

Nhân quả báo ứng không hề sai chạy
Nhân quả báo ứng không hề sai chạy (ảnh setn)

Dương Thị ra sức khuyên nhủ, Vương Thị cũng nhất định không nghe, mới nói rằng: “Chị bây giờ còn mang búi tóc tang, lại có thể nào mà đi lấy chồng được?” Dương Thị nghe vậy thì vội vàng đi tìm búi tóc. Nhưng âu cũng là số trời, đi tìm cái búi tóc cũ mãi không được, vì vậy mới lấy cái búi tóc trên đầu của mình đổi cho Vương Thị. 

Hoàng hôn buông xuống, người ở Giang Tây cho người mang đèn lồng, đuốc và khiêng kiệu đến; chạy vội vào trong nhà của Lã gia. Mọi người mở cửa chính ra, chỉ vừa nhìn thấy người mang búi tóc tang thì bắt lấy. Dương Thị la lên: “Không phải là tôi đâu!”. Những người kia dường như không quan tâm, cứ thế khiêng nàng lên kiệu và chạy như bay. 

Sáng sớm ngày hôm sau, Lã Bảo trở về. Vừa mở cửa đã không thấy vợ đâu, lại thấy chị dâu đang mang búi tóc đen trên đầu, trong tâm hoài nghi, hỏi ra thì mới biết Vương Thị và Dương Thị đã đổi búi tóc cho nhau. Lã Bảo dậm chân đấm ngực hối hận, chỉ biết kêu trời; vốn là muốn bán chị dâu, nhưng thành ra lại bán chính vợ mình.

Nhờ trả lại tiền mà cả gia đình có thể đoàn viên

Lã Bảo đang định đi ra ngoài thì thấy ở ngoài cửa có 5 người đi vào; không phải ai xa lạ mà chính là anh trai Lã Ngọc, em trai Lã Trân, cháu trai Hy Nhi, gánh theo hành lý đi vào trong nhà. Lã Bảo thấy không còn mặt mũi nào mà nhìn ai nữa, bỏ chạy ra cửa sau; từ đó không thấy đâu nữa.

Vương Thị vui mừng khôn xiết khi gặp lại chồng và cả con trai đã mất tích bấy lâu nay. Lã Ngọc kể lại đầu đuôi câu chuyện cho Vương Thị nghe; Vương Thị cũng kể lại những việc vừa xảy ra ở nhà. Lã Ngọc nói: “Ta nếu như tham lam 200 lượng bạc phi nghĩa thì làm sao cha con có thể tương kiến? Nếu như không nỡ bỏ ra 20 lượng bạc thì làm sao anh em có thể tương phùng? Mà nếu không gặp lại em trai thì làm sao biết được tin tức ở nhà? Hôm nay cả nhà có thể đoàn viên cũng đều là do ý trời cả! Tiểu đệ bán vợ cũng là tự làm tự chịu, nhân quả báo ứng, quả nhiên không sai”.

Lã Ngọc từ đó về sau càng dụng tâm hành thiện, gia đạo ngày một hưng thịnh. Về sau, Hy Nhi và con gái của Trần Triều Phụng kết hôn, con cháu đề huề; rất nhiều người sau này được ra làm quan, công thành danh toại.

Theo Secret China