Người có hội chứng ‘cảm giác kèm’ (synesthesia) có thể nếm được mùi vị của âm thanh hay nghe được màu sắc. Việc này vừa thú vị mà cũng nhiều rắc rối.

Người đàn ông có thể nếm được mùi vị của âm thanh

Ông James Wannerton, người Anh, có một khả năng vô cùng kỳ lạ đó là có thể nếm được mùi vị của âm thanh. Từ nhỏ ông đã luôn có trải nghiệm rất khác biệt về từ ngữ. Vị giác của ông sẽ được kích thích chỉ nhờ nghĩ về một từ ngữ nào đó; cảm giác như có một chất liệu mùi vị đã nhỏ lên lưỡi của ông vậy. Một cụm từ nhất định luôn tạo ra cùng một hương vị trong miệng của ông.

“Kể từ khi còn nhỏ tôi đã nếm được mùi vị của từ ‘kỳ vọng’, nhưng tôi chưa bao giờ tìm được món ăn nào có mùi vị như thế”, ông trao đổi với tổ chức từ thiện Wellcome Trust vào năm 2011. “Một ngày nọ tôi đã mua một túi khoai tây chiên hương vị Marmite. Khi tôi nếm thử một miếng thì nhận ra đó chính là mùi vị của từ ‘kỳ vọng’ mà tôi hằng tìm kiếm!”

“Cái tên David mang lại cho tôi mùi vị như thể đang mút ống tay áo của mình vậy”, ông nói. Tên người vợ của bạn ông, thật không may lại mang đến mùi vị của một bãi nôn. Hiện tượng này gọi là ‘cảm giác kèm’ (synesthesia), người ta mô tả những người có cảm giác này có thể nghe được màu sắc, nếm được hình dáng, hay ngửi được chữ nghĩa, và nhiều khả năng khác mà người thường khó có thể tưởng tượng được.

Khả năng này đôi khi rất có ích

Nếm được mùi vị của âm thanh; Nếm được mùi hương; Nếm được âm thanh
Khả năng này giúp ông có thể dễ dàng nhớ đường đi (ảnh mprnews)

Khả năng này đôi khi rất có ích cho James. Ông nói rằng, tên hoàng hậu Anne Boleyn có vị kẹo. Ông đã cảm nhận được hầu hết tên các vị vua của nước mình bằng một vị riêng biệt; nhờ vậy mà ông có thể dễ dàng ghi nhớ các kiến thức về lịch sử. 

James cũng có lợi thế trong việc nhớ đường. Ông đã miêu tả về con đường đến nơi làm việc của mình: “Nó giống như là thực đơn của món ăn. Tôi bắt đầu với vị Sandwich mứt và kết thúc chặng đường quen thuộc khi nếm được vị kẹo Rolo. Rạp xiếc Oxford thì có vị như một chiếc bánh.”

Ông còn dùng cả khả năng này vào chuyện tình cảm. Ông chọn nửa kia không phải bằng ngoại hình hay tính cách mà bằng hương vị trên lưỡi ông cảm nhận được khi nghe đến tên của họ. Các bạn học sẽ có vị khoai tây hoặc mứt dâu; trong khi tên của người yêu sẽ mang lại cho James hương vị cây đại hoàng hoặc kẹo cao su vị rượu.

Ông thử đổi tên bạn bè nếu nó có mùi vị khó chịu

“Nếu tôi không thích âm thanh hay mùi vị tên của ai đó, tôi sẽ thử gọi họ bằng một cái tên khác ở trong đầu”, ông nói. “Nếu cách đó không có hiệu quả thì quả thật là tôi không thể chịu được. Bạn cứ tưởng tưởng khi gặp ai đó rất xinh đẹp và tính cách cũng rất tuyệt, nhưng họ lại có mùi cơ thể rất kinh khủng. Nó sẽ làm ảnh hưởng đến nhận thức của bạn về họ”.

Nghe thấy màu sắc; Cảm giác kèm là gì; Cảm giác kèm màu sắc
Đôi khi ông thử đổi tên của bạn bè vì nó gợi cho ông mùi vị khó chịu (ảnh londonist)

Trong một cuộc phỏng vấn, ông James đã giải thích cách lựa chọn bạn bè khi còn là một đứa trẻ: “Một cách tự nhiên, tôi thường sẽ thích ở gần những người mà tên gọi của họ gợi lên vị giống như bánh kẹp mứt dâu, thay vì… những mảnh vụn gỗ bẩn”.

Ông cũng đã phải từ bỏ việc học tiếng Pháp do mùi vị của những từ ngữ này. Ông nghĩ đó là do âm thanh của từ ngữ chứ không phải là về ý nghĩa của nó.

Tất cả chúng ta đều có một chút ‘cảm giác kèm’

Trong hai bức hình bên dưới, bạn nghĩ hình nào nên được đặt tên là Kiki và hình nào nên được đặt tên là Booba?

Chứng cảm giác kèm; Cảm giác đi kèm là gì; Khả năng kỳ lạ của con người
Bức ảnh dùng để kiểm chứng sự liên quan giữa âm thanh và hình dạng (ảnh Wikimedia)

Nhà tâm lý học Wolfgang Köhler đã phát hiện ra, 95% số người tự nhận bản thân không có ‘cảm giác kèm’ đều trả lời theo cùng một cách – tức là hình dạng nhọn ở bên trái nên là Kiki, còn hình dạng tròn bên phải nên là Booba.

Còn có một thí nghiệm khác, tiến sĩ Jamie Ward đã yêu cầu những người không có ‘cảm giác kèm’ vẽ lại ấn tượng thị giác của họ về dàn nhạc giao hưởng New London. Một nhóm những người có ‘cảm giác kèm’ cũng được yêu cầu tương tự.

Tại một viện bảo tàng, 200 khách mời đã được lựa chọn ngẫu nhiên để cùng nghe loại nhạc đó rồi chọn những hình vẽ mà họ cho là có liên hệ tốt nhất với các bản nhạc họ vừa nghe. Kết quả là đại đa số chọn các bức vẽ của những người có ‘cảm giác kèm’. 

Từ đó có thể thấy rằng, hầu hết chúng ta đều cảm giác được âm thanh đó trông như thế nào, mặc dù chúng ta không thể thể hiện được nó ra giống như một người có ‘cảm giác kèm’.

Có lẽ con người còn có nhiều khả năng tiềm ẩn khác chưa được khám phá ra; nếm được mùi vị của âm thanh hay nghe được màu sắc chỉ là một số người đặc biệt trong đó.

Tổng hợp