Chàng thư sinh động lòng thương cảm cứu người gặp nạn, không ngờ việc này lại giúp anh có thể thoát chết trong gang tấc…

Người xem tướng đoán việc như Thần

Ở Dương Tiễn (Nghi Hưng) có một thư sinh khá có tiếng trong giới tri thức, gia đình cũng thuộc loại khá giả. Mùa hè năm Gia Khánh, anh cùng với bạn học đi đến Trừng Giang (Giang Âm) tham gia khóa thi tuyển chọn cống sinh.

Đi thi lần này, anh mang theo rất nhiều tiền bạc. Khi đến kinh thành thì nghỉ lại ở một nhà trọ cùng với những người bạn học. Mọi người cùng nhau uống rượu ngâm thơ, rất là đắc ý.

Ở nhà trọ có một người rất giỏi xem tướng. Ông ta treo lên cửa một tấm vải ghi là xem tướng vô cùng chính xác. Chàng thư sinh và ông ta qua lại rất thân thiết với nhau.

Một ngày nọ, chàng thư sinh xách một con cá từ ngoài cửa đi vào và nói đùa với người xem tướng rằng: “Tiên sinh giỏi xem tướng, xin hãy xem thử tôi có ăn được con cá này hay không?” Người xem tướng nhìn con cá một lát, rồi lại nhìn chàng thư sinh, sau đó nói: “Không được”.

Chàng thư sinh lập tức đi nấu cá, rất nhanh mà đã nấu xong rồi bưng lên trên bàn. Chàng đi mời người xem tướng cùng ăn cá, muốn chọc ông ta một phen. 

Trong lúc hai người chuẩn bị ngồi xuống để ăn cá thì chàng thư sinh mới hỏi người xem tướng: “Có thể ăn được cá không?” Ông ta vẫn nói: “Không được”. Lời nói còn chưa dứt thì có một con rắn lớn từ trên xà nhà rơi xuống ngay vào mâm; cái mâm vậy là bị rơi bể hết. Mọi người hoảng hốt, con rắn kia nhanh chóng trườn đi. Con cá vậy là không thể ăn được nữa.

Tương lai lành ít dữ nhiều

Cứu người gặp nạn; Cứu người như cứu hỏa; Nhân quả báo ứng
Con người đều đã có định số (ảnh minh họa zhihu)

Thư sinh vội khen tướng thuật của người xem tướng thật là thần kỳ. Người xem tướng mới nói: “Bản sự của tôi cũng không có gì là thần kỳ cả. Vừa rồi anh muốn đùa giỡn với tôi, nên tôi cũng đùa với anh một chút thôi. Một con cá nhỏ này cùng với tướng thuật thì có quan hệ gì đâu”.

Chàng thư sinh lại hỏi ông ta rằng mình có thể vượt qua được kỳ tuyển chọn này không. Người xem tướng do dự một hồi rồi nói: “Vốn đã định nói thẳng cho anh biết, nhưng lại sợ anh sẽ oán trách nên không dám nói”.

Thư sinh nói: “Ông cứ nói ra đi có sao đâu!” Năn nỉ mấy lần, cuối cùng người xem tướng nói: “Anh cơ bản không có hy vọng được chọn đâu. Trên mặt anh đã hiện lên sắc vẻ u ám. 3 ngày sau vào lúc canh ba thì anh sẽ phải bỏ mạng. Nơi này cách nhà của anh không xa, tốt nhất là nhanh chóng trở về nhà, như vậy thì còn có thể được chết ở nhà”.

Gặp cảnh gia đình thiếu phụ sắp phải ly tán

Chàng thư sinh hỏi: “Có thể tránh được việc này không?” Ông ta mới đáp: “Không thể”. Chàng thư sinh thấy ông ta nói dứt khoát như vậy, trong tâm cảm thấy vô cùng sợ hãi, lập tức muốn thu dọn hành lý trở về nhà. Những người bạn cùng đi thi với anh đều chỉ trích người xem tướng là ăn nói linh tinh. Vì vậy mới ngăn chàng thư sinh không nên trở về nhà. Chàng thư sinh miễn cưỡng ở lại, nhưng trong tâm thì cảm thấy rất bất an.

Đến gần ngày thi, vào một đêm trăng khuyết. Chàng thư sinh vẫn trằn trọc chưa ngủ, cảm thấy sợ hãi mãi không thôi. Anh chán nản mở cửa đi ra ngoài, lững thững đi tới một nơi hoang vắng. Bỗng anh thấy ở đằng xa truyền tới một tiếng khóc; anh lần theo âm thanh mà đi tới thì đến một căn nhà; tiếng khóc chính là phát ra từ căn nhà này.

Nhân quả báo ứng hiện đời; Nhân quả báo ứng là gì; Nhân quả báo ứng có thật
Thấy người gặp nạn ra tay giúp đỡ (ảnh minh họa pinterest)

Anh mở cửa đi vào thì thấy có một thiếu phụ đang ôm hai đứa trẻ và không ngừng khóc; âm thanh ai oán khiến người ta thương tâm. Anh hỏi nguyên nhân thì biết được chồng của cô thiếu một nhà có quyền thế 50 lạng bạc. Bởi vì không trả được nên bị đi báo quan. Chồng của cô đã bị bắt giam vào ngục, bị đánh đến máu me đầm đìa. Bởi vậy chỉ còn cách là bán vợ để bồi thường. Hiện tại đã thỏa thuận xong, chờ đến ngày mai là sẽ phải ra đi. Người thiếu phụ bởi vì không muốn bỏ lại con cái mà khóc lóc không ngừng.

Thiện tâm xuất ra, cứu người gặp nạn

Thư sinh nghe xong, trong lòng thầm nghĩ: “Lần này ra ngoài mang theo không ít tiền. Nếu quả thật như người xem tướng nói, vậy thì mình cũng sắp chết rồi. Như vậy thì còn giữ tiền lại làm gì. Chi bằng bỏ tiền ra trả nợ cho cô ta, như vậy thì mới bảo toàn được cả gia đình”.

Thư sinh sau khi quyết định như vậy, liền hỏi: “Giấy bán thân viết xong chưa?”

Cô ta đáp: “Còn chưa có!”

Lại hỏi: “Như vậy nếu có tiền thì có thể ngưng việc này lại được không?”

Cô ta trả lời: “Có thể”.

Thư sinh lại hỏi: “Người làm mai ở đâu?”

Cô ta nói: “Không xa lắm”.

Thư sinh nói: “Nếu là như vậy, cô nên nhanh chóng gọi người làm mai tới đây. Tôi sẽ trở về lấy tiền cho cô”.

Người thiếu phụ nghi ngờ thư sinh có dụng ý khác, nên im lặng một lúc lâu cũng không nói gì. Lúc này chàng thư sinh mới cười nói: “Tôi là thương hại cô cả nhà ly tán, cho nên mới nguyện ý bỏ tiền ra trợ giúp mọi người. Cô đi nhanh đi, đừng có nghi ngờ!” Lúc này người thiếu phụ mới đồng ý.

Cứu người cũng là cứu chính mình

Thư sinh trở về nhà trọ, cầm lấy 70 lạng bạc rồi quay trở lại, thì thấy người thiếu phụ và một lão tiên sinh đang ngồi trong nhà. Hỏi ra thì biết được lão tiên sinh là người làm mai bán thân. 

Chàng thư sinh liền đưa tiền cho ông lão rồi nói rõ tình huống cho ông biết. Ông lão thành kính mà nói: “Tiên sinh là người dưng nước lã, vậy mà có thể làm việc cao cả như vậy; huống chi tôi cùng với chồng cô ta là hàng xóm nhiều năm nay. Nhờ đại ân của tiên sinh, chuyện bán thân cũng không cần phải nói đến nữa. Bây giờ rất khẩn cấp, phải đem tiền nộp cho quan nha, cứu người ra khỏi ngục!” Ông mở túi ra xem thử, thì thấy là tiền nhiều hơn cần thiết.

Thư sinh nói: “Có thừa một chút, lấy đó để sống qua ngày. Tránh về sau lại phải đi mượn tiền mắc nợ người khác”.

Ông lão cảm thán nói: “Tiên sinh nghĩ thật chu đáo! Thật sự là ân nhân cứu mạng cho vợ chồng họ!” Sau đó cẩn thận hỏi han danh tính và nơi ở của chàng thư sinh.

Thư sinh trở về quán trọ, trong tâm vẫn suy nghĩ lời của người xem tướng mà ngủ không được; cứ như vậy cho đến canh ba. Chính ngay lúc này thì lại nghe có người gõ cửa xin gặp. Mở cửa ra thì thấy 2 vợ chồng nhà kia; thì ra người vợ đem tiền nộp cho quan và người chồng đã được thả ra, cả 2 đến để tạ ơn chàng thư sinh. 

Nhân quả báo ứng có thật không; Nhân quả là gì; Nhân quả nhãn tiền
Thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo (ảnh minh họa daydaynews)

Đắc phúc báo

Chàng thư sinh khuyên nhủ họ một lát, sau đó tiễn họ đi ra ngoài cửa. Đang lúc muốn quay trở lại để đi ngủ thì thấy trong phòng có tiếng động rất lớn. Đi đến xem thử thì thấy một mảng tường đã sụp xuống. Tường đổ vào đúng ngay giường của chàng thư sinh. Chiếc giường vậy là bị gãy vụn ra từng mảnh. Chàng thư sinh kinh ngạc, cảm thấy bản thân vừa mới thoát chết trong gang tấc.

Đến ngày hôm sau, chàng thư sinh mới gặp người xem tướng và nói đùa rằng ông xem không chuẩn. Người xem tướng không biết sự việc trong đêm hôm qua, chỉ nhìn kỹ chàng thư sinh một lát rồi cười nói: “Anh lại lừa tôi, tối qua nhất định là anh đã làm được việc gì rồi; nét mặt sáng sủa, không còn thấy u ám như trước nữa. Bây giờ anh sẽ không chết nữa, hơn nữa còn được tuyển chọn, thậm chí còn có thể đỗ tiến sĩ”. 

Chàng thư sinh và mọi người đều thán phục người xem tướng. Quả nhiên anh đã được tuyển chọn, sau này còn được vào trong viện hàn lâm.

Chàng thư sinh vô tư cứu người gặp nạn, cuối cùng chính bản thân lại đắc phúc báo, quả thật nhân quả báo ứng công bằng.

Theo Vision Times