Nhân quả báo ứng: Phá hủy chùa bị ác báo mà chết
Đại thái giám Dương Tiễn vào thời Bắc Tống, vì phá hủy chùa Thái Bình Hưng Quốc và tượng Phật trong chính điện nên bị báo ứng mà chết.
- Hiện thế hiện báo: Câu chuyện phá huỷ tượng Phật
- Nhân quả báo ứng: Phá hủy tượng Phật, hai tay thối rữa
Vào những năm Chính Hòa (1111-1118) thời Tống Huy Tông, có một vị Đại thái giám tên là Dương Tiễn, tình cờ trùng tên với Nhị Lang Thần trong truyền thuyết của Đạo giáo, nhưng cả hai hoàn toàn không có liên quan gì với nhau. Đại thái giám Dương Tiễn này đã giành được sự tin tưởng của Hoàng đế Tống Huy Tông, làm quan đến hàng Thái phó.
Thời bấy giờ, Tống Huy Tông rất coi trọng Đạo giáo, thậm chí còn tìm đủ mọi cách để chèn ép Phật giáo. Tống Huy Tông làm điều này không phải vì tín ngưỡng vào Đạo giáo, mà vì ông muốn lợi dụng Đạo giáo để nâng cao danh vọng và quyền lực của mình, còn tự xưng mình là “Hoàng đế Giáo chủ Đạo Quân”. Vào thời điểm đó, hầu hết các ngôi chùa Phật giáo ở Khai Phong đều bị quan phủ trưng dụng, bỏ hoang và phá hủy vì chính sách đàn áp Phật giáo của hoàng đế.
Ví dụ, chùa Sùng Hạ đã bị quan phủ trưng dụng và cải tạo thành “Điện trung Tỉnh”, đây là cơ quan chịu trách nhiệm về các công việc hàng ngày và vật tư liên quan đến y phục, thực phẩm, nơi ở và đi lại của hoàng đế. Vào năm Chính Hòa, triều đình đã trưng dụng chùa Càn Minh và biến nó thành nơi làm việc của Ngũ tự Tam giám. “Ngũ tự Tam giám“ là bao gồm nhiều cơ quan của triều đình vào thời điểm đó.
Lúc này, Đại thái giám Dương Tiễn đã đề xuất biến chùa Thái Bình Hưng Quốc thành lữ quán và nhà dân, từ đó có thể thu tiền thuê nhà. Thế nên, ông bắt đầu phá bỏ chánh điện của chùa, tượng Phật trong chánh điện của chùa được vận chuyển và đem chôn ngay phía dưới nền của công trình mới. Tứ chi của bức tượng Phật đã bị hư hại trong quá trình phá dỡ và chôn cất.
Sau sự việc này, Dương Tiễn lâm bệnh nặng, triệu chứng của bệnh là vết loét dần dần bắt đầu từ ngực và bụng, giống như tình huống chánh điện của ngôi chùa và tượng Phật bị phá hủy. Những người nhìn thấy tình cảnh bi thảm của Dương Tiễn đều sợ hãi và cho rằng đó là báo ứng cho việc ông đã hủy hoại ngôi chùa và tượng Phật.
Cuối cùng, Dương Tiễn đã chết trong nỗi đau đớn tột cùng. Khi đó, còn có một Đại thái giám đang có ý định phá bỏ chùa Khải Thánh Viện. Sau khi biết được kết cục của Dương Tiễn thì không dám làm nữa. Ngay cả Hoàng đế Tống Huy Tông vốn hạ lệnh chèn ép Phật giáo cuối cùng cũng bị nước Kim bắt làm tù binh, chịu đủ nỗi khuất nhục, chết trong thê thảm.
Câu chuyện nhân quả này đã được Thị lang Lý Phương Thúc kể lại cho Hồng Mại, tác giả cuốn “Di kiên chí”. Thị lang Lý Phương Thúc quả thực là nhân vật có tồn tại trong lịch sử. Vào năm Tuyên Hòa thứ 3 thời Tống Huy Tông, Tiến sĩ Lưu Nhất Chỉ đã viết một bài thơ phúng viếng Thị lang Lý Phương Thúc, trong thơ nhận xét rằng ông là người “đứng bên ngoài để luận nghị hiện thời”. Điều này cho thấy rằng Thị lang Lý Phương Thúc là một vị quan dám nói lên sự thật.
Thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo, có vô số ví dụ trong lịch sử về những người đàn áp tín ngưỡng và tôn giáo chính thống mà phải chịu quả báo. Mong rằng ác báo mà Đại thái giám Dương Tiễn chịu nhận sẽ thức tỉnh người đời sau và không bao giờ làm điều xấu mạo phạm Phật Pháp nữa.
Theo Bannedbook