Những vấn đề tâm lý ở trẻ thường bị bỏ qua
Những biểu hiện tâm lý tưởng chừng bình thường ở trẻ như hiếu động, nóng giận, cáu kỉnh… Nếu không chú ý thì có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của trẻ.
- Cha mẹ nuông chiều quá mức làm con cái hư hỏng – 6 cách điều chỉnh
- Giáo dục gia đình là gốc rễ của mọi sự thành bại trong đời người
Vì trẻ em và thanh thiếu niên đang ở giai đoạn phát triển thể chất đặc biệt, nên các vấn đề về sức khỏe tâm lý thường bị bỏ qua. Ví dụ, chứng rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) được coi đơn giản là hoạt bát và năng động, trong khi những biểu hiện như lo lắng, trầm cảm và chống đối được coi là sự nổi loạn của tuổi dậy thì.
Vì vậy, cần phát hiện và can thiệp sớm đối với các vấn đề sức khỏe tinh thần của trẻ em và thanh thiếu niên.
Dưới đây là 8 vấn đề tâm lý thường gặp nhất ở trẻ em:
Nội dung chính
1. Biếng ăn
Chán ăn lâu ngày, kén ăn trầm trọng, kén ăn một phần dẫn đến cơ thể ốm yếu, dễ bị cảm, tiêu chảy, suy dinh dưỡng, đây là những biểu hiện điển hình của rối loạn tâm lý ở trẻ em. Nếu trẻ cảm thấy căng thẳng, lo lắng, chán nản trước hoặc trong bữa ăn, hay là có sự kích thích tiêu cực đối với thức ăn v.v. Những điều này có thể là biểu hiện của trẻ mắc chứng biếng ăn.
Lời khuyên:
Các bậc cha mẹ không nên đánh chửi, ép buộc, trừng phạt, lừa dối trẻ, thay vào đó nên phân tích kỹ các yếu tố tâm lý gây ra tình trạng biếng ăn ở trẻ. Đồng thời, áp dụng các phương pháp hướng dẫn, gợi ý, động viên để tạo môi trường ăn uống dễ chịu vui vẻ cho trẻ, cố gắng đa dạng hóa thức ăn để tăng cảm giác thèm ăn của trẻ và kiểm soát việc trẻ ăn đồ ăn vặt và những thực phẩm khác trước bữa ăn.
2. Phân tâm, sao nhãng
Biểu hiện chủ yếu là thường xuyên tăng động trong lớp hoặc khi đọc sách, không chăm chú nghe giảng, dễ mất tập trung khi học, khó tập trung, đôi khi thẫn thờ trong lớp, nghịch quần áo và các hành vi khác.
Lời khuyên:
Bạn có thể cho trẻ chơi những trò chơi đơn giản hơn để rèn luyện khả năng tập trung. Ví dụ như những câu đố ghép hình thú vị, đếm chấm đen, tập tô màu trên thẻ, v.v… Những trò chơi nhỏ này có thể giúp trẻ tập trung một cách vô thức.
3. Khó ngủ
Khó đi vào giấc ngủ hoặc mất ngủ, không muốn lên giường đi ngủ. Ngay cả khi nằm trên giường cũng không dễ chìm vào giấc ngủ, liên tục lật qua lật lại trên giường hoặc liên tục đòi cha mẹ kể chuyện, mãi đến rất khuya mới gắng gượng ngủ được, có những trẻ thỉnh thoảng giật mình tỉnh giấc và khóc lớn, chất lượng giấc ngủ không cao.
Lời khuyên:
Bạn có thể đưa trẻ đi dạo vào buổi tối, hoặc vận động nhẹ nhàng, có thể đọc sách tranh, kể chuyện, cùng trẻ nghe nhạc thư giãn trước khi đi ngủ, tuy nhiên không nên xem phim hoạt hình hoặc video, vì chúng có thể dễ dàng dẫn đến sự phấn khích và nằm mơ.
4. Cáu gắt, nóng nảy
Trẻ rất bốc đồng, cáu kỉnh, khi có sự cố xảy ra thì dễ mất bình tĩnh, phát tiết nóng giận hoặc rất hung hăng. Một số cha mẹ cho rằng đây là tính cách bẩm sinh hoặc là dấu hiệu của trí tuệ cảm xúc thấp. Thực tế, nhiều khi đó là vấn đề tâm lý, phần lớn liên quan đến hoàn cảnh giáo dục và môi trường sống của trẻ.
Lời khuyên:
Nếu trẻ mất bình tĩnh phát tiết nóng giận, bạn có thể cách ly trẻ ở một nơi tương đối đơn giản, để trẻ bình tĩnh trong vài phút, nhưng với điều kiện tiên quyết là phải đảm bảo môi trường an toàn cho trẻ. Đồng thời đừng để ai cố gắng an ủi trẻ, phương pháp giải quyết này có hiệu quả hơn đối với những đứa trẻ đang giận dữ. Ngoài ra, cha mẹ phải tự xem xét lại hành vi của bản thân và cố gắng không làm tấm gương xấu trước mặt con cái.
5. Biểu hiện thu mình
Một số trẻ tỏ ra thu mình và khó gần, đặc biệt là sau khi vào mẫu giáo, trẻ thường ngồi một mình và không chơi với những đứa trẻ khác, thậm chí không tham gia các hoạt động tập thể như tập thể dục, không nói chuyện với người khác hoặc trả lời câu hỏi của giáo viên, sợ nói chuyện với người khác, ngại giao tiếp, sợ gặp người lạ.
Lời khuyên:
Biểu hiện thu mình có thể do khả năng thích ứng bẩm sinh của trẻ kém, nhưng nó cũng liên quan đến môi trường sống của trẻ. Việc chăm sóc và cưng chiều quá mức cũng có thể khiến trẻ kém thích nghi, cha mẹ có thể tạo thêm điều kiện để trẻ thích nghi với các hoạt động ở nơi công cộng, khuyến khích trẻ ra ngoài giao lưu, tăng cơ hội tiếp xúc với bạn bè cùng trang lứa.
6. Sợ hãi quá mức
Việc trẻ sợ hãi là điều hết sức bình thường, nhưng những nỗi sợ hãi vượt quá mức bình thường sẽ thu hút sự chú ý. Ví dụ, khi gặp bác sĩ, trẻ nghĩ mình sắp bị tiêm, trẻ sợ bệnh tật, sợ chết, sợ cô đơn, sợ bóng tối và sợ những con quái vật trong tưởng tượng. Nỗi sợ lên đỉnh điểm vào năm 4 tuổi và bắt đầu suy giảm sau 6 tuổi.
Lời khuyên:
Khắc phục nỗi sợ hãi của trẻ có liên quan chặt chẽ đến cảm giác an toàn mà trẻ nhận được từ cha mẹ. Trẻ em thường có trí tưởng tượng vô cùng phong phú và thường nhầm lẫn trí tưởng tượng với thực tế, nếu trẻ không thể diễn đạt thì cha mẹ có thể ôm ấp và vỗ về trẻ.
Việc an ủi nhẹ nhàng có thể làm giảm nỗi sợ hãi của trẻ, đối với những trẻ có khả năng biểu đạt bản thân, cha mẹ nên giải thích sự thật cho trẻ một cách thích hợp, đồng thời an ủi trẻ, chẳng hạn như tại sao trẻ cần tiêm thuốc.
7. Ỷ lại quá mức
Nhiều trẻ sẽ hình thành hành vi ỷ lại vào người lớn, chẳng hạn trẻ trên 3 tuổi phụ thuộc quá mức vào cha mẹ hoặc các thành viên trong gia đình, ngay cả khi chơi món đồ chơi yêu thích cũng phải có cha mẹ chơi cùng. Việc cha mẹ chăm sóc, bảo vệ trẻ quá mức sẽ khiến trẻ cảm thấy rằng mọi thứ đều cần có người lớn mới có thể hoàn thành.
Lời khuyên:
Đối với trẻ có chứng phụ thuộc, cha mẹ nên rèn luyện dần dần cho trẻ khả năng tự làm một số việc, đặc biệt là để trẻ trải nghiệm cảm giác thành tựu khi tự mình làm việc gì đó một cách độc lập, dần dần trẻ sẽ khám phá ra rằng có rất nhiều điều thú vị có thể làm khi không có cha mẹ ở bên cạnh.
8. Trầm cảm
Trong quá trình lớn lên, trẻ chắc chắn sẽ có những cảm xúc tiêu cực, thậm chí có thể trải qua cảm giác thất vọng, ví như có thể là hôm nay trẻ không nhận được một bông hoa màu đỏ nào ở trường mẫu giáo, hoặc có thể là một cuộc cãi vã nhỏ với bạn bè.
Lời khuyên:
Cha mẹ nên lắng nghe con cái nói về những nỗi thất vọng của mình và xoa dịu cảm xúc tiêu cực của con. Đưa con ra ngoài thường xuyên hơn để tham gia các hoạt động tạo ra cảm xúc tích cực và dần dần dùng những cảm xúc tích cực để loại bỏ trạng thái trầm cảm của trẻ.
Theo Sound of hope