Phương pháp học của các anh hùng thiên cổ, từng câu thụ ích cả đời
Lý do lớn nhất để đọc sách học tập là để thoát khỏi sự tầm thường. Đọc sớm ngày nào, cuộc đời rực rỡ sớm ngày đó, muộn ngày nào, sự tầm thường sẽ nhiều thêm ngày đó.
Nhưng không phải ai cũng biết phương pháp đọc sách sao cho hay cho thấm mang lại hiệu quả. Chúng ta hãy tham khảo phương pháp đọc sách học tập của các anh hùng thiên cổ như thế nào, sau khi xem xong biết đâu bạn cũng sẽ như họ!
Nội dung chính
Gia Cát Lượng – Đọc sách với tâm thái dốc lòng học tập chỗ tinh hoa
Theo Gia Cát Lượng học tập cần phải an tĩnh chuyên nhất; tài năng cần phải thông qua học tập mới đạt được; nếu không học tập thì không có cách nào tăng trưởng được tài năng của bản thân. Không xác định mục tiêu rõ ràng thì không thể có được thành tựu trong học tập. Nếu buông lơi, coi nhẹ thì không thể phấn chấn tinh thần; đặt tâm càng nhiều thì càng lĩnh hội được nhiều. Ngược lại muốn đọc cho nhanh, nông nổi thì không thể bồi dưỡng được tính tình.
Gia Cát Lượng trong thời gian ở Kinh Châu vào những năm Kiến An, cùng các bạn thân là Thạch Quảng Nguyên, Từ Nguyên Trực người Dĩnh Xuyên, Mạnh Công Uy người Nhữ Nam, và một số người khác cùng nhau đọc sách khám phá học hỏi. Ba người bạn học của ông đều tập trung học cho thuần thục tinh thông; trong khi Gia Cát Lượng chỉ đọc những tinh hoa và ý tứ đại khái của cuốn sách.
Do vậy phương pháp đọc sách học tập của ông là đặt mục tiêu rõ ràng, yên tĩnh dốc lòng học tập chỗ tinh hoa, có trọng điểm.
Tào Tháo – Thời thời khắc khắc giữ được thói quen và suy nghĩ chuyên nhất
Tào Tháo vốn yêu thích thi thư văn tịch, tuy rằng ở thân làm việc binh nhưng tay vẫn không rời sách, chuyên cần ham học. Có lần Tào Tháo thường răn dạy con mình rằng: Lúc tuổi còn trẻ học tập sẽ dễ dàng hơn, bởi tạp niệm ít hơn, dễ dàng tập trung suy nghĩ; nhưng đến khi tuổi lớn hơn thì thật dễ quên đi những gì đã học.
Do đó, theo ông trọng điểm của việc học là thời thời khắc khắc giữ được thói quen học tập; đồng thời giữ được suy nghĩ chuyên nhất.
Đường Thái Tông – Cần đọc rộng, bảo trì nội tâm thong dong thanh tịnh
Theo Đường Thái Tông truyền bá văn hóa, hướng dẫn phong tục không gì tốt hơn là dùng văn chương. Muốn nâng cao đạo làm người thì không gì tốt hơn là thông qua giáo dục trong nhà trường. Vì thông qua thuật văn trị, người ta có thể đề cao đạo đức; và thông qua học tập, người ta có thể nâng cao danh tiếng của mình.
Mặc dù trí tuệ trời ban có thể giúp phân biệt rõ tốt và xấu; nhưng nếu không nghiên cứu nó, thì không có cách nào đạt được trí tuệ thánh thiện thực sự. Nhất thiết phải đọc nhiều sách, nghiên cứu và thảo luận sâu về những tinh hoa của nó, để nâng cao kiến thức. Duy trì một nội tâm nhàn nhã thanh tịnh, không cố ý nhưng có thể học xưa biết nay.
Kẻ tiểu nhân chỉ muốn chọn việc dễ mà làm, không muốn bỏ công sức làm việc khó hơn, nên tai họa, thất bại muôn đời theo sau. Quân tử sẵn sàng chăm chỉ làm việc khó, không muốn làm việc dễ mà không cần nỗ lực; vì vậy hạnh phúc và may mắn luôn vây quanh họ.
Vì vậy, họa hay phúc là do sự lựa chọn của mỗi người quyết định. Nếu mãi hối hận về những sai lầm của mình trong quá khứ, thì bạn hãy làm việc cẩn thận hơn trong tương lai để không rước lấy tai họa.
Trọng tâm của việc học chính là đọc rộng, bảo trì nội tâm thong dong thanh tịnh và cần học hỏi phương pháp hay của người xuất chúng, nỗ lực kiên trì học tập tới cùng; tuyệt đối không được tùy tiện hành sự; nhất định phải duy trì thói quen cần cù.
Lý Bạch – Học tập là phải nghiên cứu sâu chỗ ảo diệu của kiến thức
Lý Bạch hồi nhỏ khi đọc sách, học chưa xong đã vội chạy ra ngoài chơi. Vừa hay trên đường nhìn thấy một bà lão đang mài cái chày sắt. Lý Bạch hỏi: Lão bà, bà đang làm gì đó vậy? Bà lão đáp: Ta đang mài kim thêu. Lý Bạch hiểu được hàm nghĩa của việc bà cụ gắng sức mài kim; vậy nên cũng quay lại nỗ lực gắng sức đọc sách.
Lý Bạch đọc hết những quyển thơ văn của tiền nhân, liên tục nghiên cứu những điều sâu xa huyền diệu trong các tác phẩm của các bậc thánh hiền xưa. Dù có lúc chỉ lĩnh ngộ được đôi chữ vài lời thì cũng cao hứng tới mức không thể không gấp sách lại mà cười.
Lý Bạch chuyên cần học tập, trước tiên nghiên cứu sách thánh hiền cổ xưa. Sau đó quan sát cái lý của thế nhân, sau cùng thì xét chi tiết đạo lý giao tiếp qua lại giữa với người.
Trọng điểm của học Lý Bạch chính là gắng sức khổ công học đến nơi đến chốn, nghiên cứu sâu chỗ ảo diệu của những điểm then chốt của kiến thức; và hỗ trợ nhau nhiều hơn để tăng thêm sự hiểu biết.
Nhạc Phi – Không câu nệ vào câu chữ mà cần chú trọng suy đoán và thấu hiểu
Nhạc Phi vốn là người trầm lặng ít nói, nhà nghèo nhưng siêng năng học tập; đặc biệt ông yêu thích hai bộ sách Xuân Thu Tả Truyện và Tôn Ngô Binh Pháp. Ông thu nhặt cành cây làm nến chiếu sáng, đọc sách học tập thậm chí quên ngủ.
Phương pháp học của ông chính là không câu nệ vào chỗ nghiên cứu phân tích chương tiết, tách đoạn, chấm câu. Một khi đã lĩnh hội được tinh hoa cốt yếu của cuốn sách thì có thể tạm thời đặt sách xuống. Khi học tập ngôn ngữ văn tự, ông thuận tay không chú ý cầm quyển sách lên để kiểm tra nội dung của sách. Sau đó có thể thuận miệng nói ra đại ý nội dung của đoạn đó hoặc việc xử lý đúng sai của các nhân vật liên quan đến các sự kiện lịch sử; giống như là ông đã đọc kỹ và suy nghĩ cẩn thận chi tiết mà nói ra vậy.
Trong sách Xuân Thu Tả Truyện đề cập rất nhiều đến sự tương tác qua lại trong ngoại giao của các vương chủ, tướng quân, tể tướng của các quốc gia thời Xuân Thu; các sự kiện lịch sử về việc sử dụng mưu trí. Cuốn sách này cần phải đọc kỹ, suy nghĩ thấu đáo mới có thể hiểu được; điều này cho thấy tài năng suy đoán của Nhạc Phi.
Trọng điểm trong việc học của Nhạc Phi chính là không để bị ảnh hưởng bởi hoàn cảnh khó khăn, phải nỗ lực chịu khó quyết tâm học tập. Khi học không câu nệ vào bản thân câu chữ, mà cần chú trọng suy đoán và thấu hiểu.
Hốt Tất Liệt – Trọng tâm là học hỏi từ những tiền bối có nhiều kinh nghiệm
Trước khi Hốt Tất Liệt lên ngôi, lúc ở nhà ông đã không ngừng suy nghĩ làm thế nào để khi lên ngôi hoàng đế có thể có thể tha hồ phát huy tài năng. Vì vậy, ông đã sớm tìm gặp những lão thần từng nhậm chức phiên vương trước đây; và những người có học thức cao trong thiên hạ để thỉnh giáo họ về chính đạo trị quốc.
Vì vậy, theo ông trọng tâm của việc học là thỉnh giáo học hỏi từ những tiền bối có nhiều kinh nghiệm.
Theo ChanhKien