Có người nhìn xuống thì vênh váo tự đắc, nhìn lên thì khom lưng khuỵu gối; cách đối đãi với người yếu thế sẽ thể hiện sự giáo dưỡng của một người.   

Ngũ Đài Sơn ở tỉnh Sơn Tây là một trong tứ đại Phật giáo danh sơn Trung Quốc, nơi đây có nhiều chùa chiền và tự viện nổi tiếng. Đại học sĩ Kỷ Hiểu Lam thời nhà Thanh đã có lần tới thăm ngọn núi này. Lúc vào trong miếu, sư trụ trì không nhận ra ông, thấy ông ăn mặc bình thường liền nói: “Ngồi”, lại gọi một tiếng “Trà”, ý là lấy trà bình thường ra mời khách.

Nói chuyện một lúc, sư trụ trì biết Kỷ Hiểu Lam là khách từ kinh thành đến, liền mời Kỷ Hiểu Lam vào bên trong, cung kính mà nói “Mời ngồi”, “Dâng trà”.

Thái độ đối đãi với người yếu thế sẽ thể hiện sự giáo dưỡng của bạn
(ảnh minh họa Pinterest)

Lại nói chuyện thêm một lúc nữa, phát hiện đối phương là Lễ bộ thượng thư Kỷ Hiểu Lam, sư trụ trì chấn động, thần sắc hốt hoảng, khiêm nhường mời Kỷ Hiểu Lam vào thiền phòng, lúng túng cười mà nói: “Xin mời ngồi”, “Dâng trà thơm”.

Lúc Kỷ Hiểu Lam sắp ra về, sư trụ trì xin ông lưu lại vài chữ. Kỷ Hiểu Lam hơi suy nghĩ một chút, rồi viết một câu đối như sau:

Tọa, thỉnh tọa, thỉnh thượng tọa;
Trà, kính trà, kính hảo trà.

Dịch nghĩa là:

Ngồi, mời ngồi, xin mời ngồi;
Trà, dâng trà, dâng trà thơm.

Sư trụ trì đọc xong thì cảm thấy vô cùng xấu hổ.

Người càng cao quý lại càng biết tôn trọng người khác; người càng thấp kém lại càng muốn coi thường người khác, họ cho rằng thông qua việc xem thường và xúc phạm người khác thì có thể nâng giá trị của mình lên. Để nhìn rõ phẩm chất một người, đôi khi chỉ cần quan sát cách họ đối đãi với người yếu thế.

Cố thư pháp gia Nguyễn Văn Bách từng có câu thơ: “Há phải đâu mình trong sạch; Vì không quyền lực trong tay”. Tổng thống thứ 16 của Hoa Kỳ Abraham Lincoln cũng từng nói rằng: “Hầu như ai cũng có thể chịu đựng nghịch cảnh, nhưng nếu bạn muốn trắc nghiệm tính cách của ai đó thì cứ giao quyền lực cho người ấy”. Có những người như vậy, khi chưa có gì trong tay thì cũng rất bình thường, nhưng khi đã có thể đứng trên người khác thì tự nhiên sẽ bộc lộ rõ bản chất, lúc này thì người có giáo dưỡng hay không sẽ thể hiện ra rõ nhất.

Thái độ đối đãi với người yếu thế sẽ thể hiện sự giáo dưỡng của bạn
Càng khiêm nhường lại càng được người khác tôn kính (ảnh minh họa Pinterest)

Có người đối đãi với bạn bè, đồng nghiệp rất lịch thiệp, nhã nhặn, nhưng khi vào quán nước lại tỏ thái độ bề trên với người phục vụ, hạch họe đủ điều, người như vậy nếu có thể được trao quyền lực cao hơn, thì không chắc lại có thể đối xử với bạn bè nhã nhặn như xưa nữa.

Lão Tử giảng: “Vì vậy thánh nhân ở trên mà dân không thấy nặng cho mình, ở trước mà dân không thấy hại cho mình; vì vậy thiên hạ vui vẻ đẩy thánh nhân tới trước mà không chán.” Người có thể thu phục nhân tâm lại thường rất khiêm tốn, không có ý muốn ở trên người khác mà lại được mọi người không ngừng tiến cử, đối đãi với mọi người thì lúc nào cũng khiêm nhường, tôn trọng; người như vậy hỏi ai là không yêu quý?

Người hay coi thường người khác lại chính là người yếu đuối, vì họ thường mặc cảm tự ti về thân phận cũng như trình độ của bản thân, vậy nên khi có cơ hội ở trên người thì lập tức thể hiện quyền uy của mình.

Người mạnh mẽ biết rõ mình muốn gì, không cần phải đi so đo với người khác, không ngừng tu dưỡng bản thân, vui thích với sự tiến bộ của chính mình, nhờ vậy mà có thể khoan dung với người khác, càng gặp người yếu thế hơn thì lại càng tôn trọng và nhún nhường.

Tổng hợp