Nhân sinh quan của Tô Thức: Quân tử như ngọc như sắt
Người quân tử tính cách ôn hòa cũng giống như là ngọc. Sắt thì bất di bất dịch, kiên định khó phá. Người quân tử chân chính thì như ngọc như sắt.
- Quân tử như ngọc quý, ôn hòa mà sáng suốt
- Bậc quân tử như hoa mai đỏ trong tuyết lạnh, như tùng bách xanh tốt quanh năm
Cả đời của đại văn hào Tô Thức (còn gọi là Tô Đông Pha), dù trải qua nhiều thăng trầm nhưng đối với người khác vẫn khoan dung độ lượng; dù gặp phải nhiều khó khăn nhưng vẫn giữ được sự cao quý trong tâm hồn. Ông thật đúng với câu nói ‘quân tử như ngọc như sắt’.
Quân tử như ngọc
Trong “Quản Tử Tâm thuật” có nói: “Tâm chi tại thể, quân chi vị dã”. Nghĩa là tâm là quân chủ của con người. Người có nội tâm rộng rãi, bao dung, thì dù có gặp phải hoàn cảnh như thế nào, đều có thể ung dung tự tại. Đường đời của họ cũng sẽ càng ngày càng thênh thang.
Tô Thức bị giáng chức đến Hải Nam, lúc ấy Hải Nam là vùng đất chưa được khai hóa, chướng khí khắp nơi. Rất nhiều người khi bị giáng xuống Hải Nam thì thậm chí còn chuẩn bị sẵn cho mình một cái quan tài. Nhưng Tô Thức lại cho rằng đây là cơ hội tuyệt vời để mình truyền đạo.
Ông ở trong nhà cỏ chép sách, dạy học, khiến cho Hải Nam lần đầu tiên trong lịch sử có một tiến sĩ. Ông đã biến cuộc hành trình giáng chức thành một kỳ tích trong lịch sử văn hóa Trung Quốc. Bị giáng chức, ông không những không u sầu ủ dột, ngược lại còn khai sáng cho nơi ông đến, dường như ông đi đến đâu thì nơi đó cũng là mùa xuân tốt lành.
Quân tử như ngọc, họ có thể thích ứng trong mọi tình cảnh, chứ không buông xuôi phó mặc cho số phận. Họ lặng lẽ chấp nhận, lặng lẽ thay đổi. Cổ nhân khen ngọc: Kín đáo không lộ. Ngọc ôn nhuận nhưng nội hàm thì vô cùng sâu sắc. Nó không rực rỡ nhưng lại vô cùng phong phú; tĩnh tại trầm ổn mà lại có thể làm được rất nhiều việc.
Bao dung với người hãm hại mình
Năm 1101, Tô Thức được ân xá trở về Bắc. Chương Đôn, người năm đó đã hãm hại ông, sợ rằng ông sẽ trả thù, nên viết thư cầu xin ông bỏ qua cho mình. Tô Thức chỉ trả lời một câu: “Việc của dĩ vãng, nhắc lại có ích gì”.
Ông nửa đời lưu lạc cũng là vì người này, nhưng lại có thể nhẹ nhàng bỏ qua, không chấp nhặt chuyện quá khứ. Ông thậm chí còn quan tâm đến bệnh tình của Chương Đôn, khuyên ông ta nên dưỡng bệnh cho tốt. Ông bỏ qua cho kẻ thù, cũng là buông tha cho chính mình. Quân tử như ngọc, trong ôn nhuận đó chính là khí phách và cũng là bao dung.
Quân tử như sắt, kiên trì bền bỉ
Quân tử như sắt, giữ vững lập trường của mình. Khi còn nhỏ, Tô Thức được mẹ đọc cho “Phạm Bàng truyện”, Tô Thức liền lập được chí hướng, muốn trở thành một người giống như Phạm Bàng; không sợ cường quyền, tạo phúc cho dân.
Thời gian trôi đi, thế sự thay đổi, cảnh vật đổi dời, nhưng chí hướng trong lòng ông thì chưa từng dao động. Khi trẻ tuổi ông đầy khí khái, ông dám mắng tân pháp (pháp luật mới), đương đầu với Vương An Thạch; bởi vì tân pháp quấy nhiễu người dân. Trung niên sáng suốt, ông dám mắng cựu đảng, đối chọi với Tư Mã Quang, bởi vì cựu pháp (pháp luật cũ) làm hại dân.
Khi ông ở trên cao thì đưa ra đề xuất cho các chính sách lớn của đất nước. Khi rơi xuống thấp thì ông làm điều thiết thực có lợi cho dân. Ông có thể đi cùng với người ăn xin, và cũng có thể đi cùng với hoàng đế. Đi trên đường bị một người say đụng phải, ông cũng chỉ nói một câu: “Tự vui trong lòng không cần ai biết”.
Nhân sinh quan cả đời của Tô Thức gói gọn trong câu “quân tử như ngọc như sắt”, vừa cương trực vừa ôn hòa, luôn giữ vững chí hướng của mình.
Theo Vision Times
Xem thêm video: