Kỷ Hiểu Lam là một học giả nổi tiếng thời nhà Thanh, ông đã gửi thư cho vợ đưa ra 8 nguyên tắc gồm “Tứ giới” và “Tứ nghi” để dạy con của mình thành tài. 

Kỷ Hiểu Lam là một chính trị gia và nhà văn nổi tiếng thời nhà Thanh, ông vừa là học giả, vừa làm quan trong triều, tài trí hơn người và thường xuyên tháp tùng Hoàng đế Càn Long.

Trong suốt cuộc đời mình, ông nhận thức sâu sắc về những đấu đá, tranh quyền đoạt lợi chốn quan trường. Trong những năm cuối đời, ông viết cuốn sách “Duyệt vi thảo đường bút ký”, kể nhiều giai thoại kỳ lạ về nhân quả nghiệp báo, khuyến thiện và trừng phạt cái ác.

Kỷ Hiểu Lam không thể gánh vác trách nhiệm giáo dục con cái, vì quanh năm làm quan bên ngoài, ông cũng biết người phụ nữ thường có tâm thiên vị, nên đã viết thư về nhà cho phu nhân giải thích cách để giáo dục con cái.

Trong thư gửi gia đình, ông có viết về “Tứ giới” (4 điều cấm) và “ Tứ nghi” (4 điều nên) dành cho con cái:

Tứ giới gồm: Dậy muộn, lười biếng, xa hoa và kiêu ngạo.  

Tứ nghi gồm: Siêng đọc, kính sư, yêu thương mọi người, ăn uống cẩn trọng.

8 nguyên tắc trên là những nguyên tắc vàng trong việc nuôi dạy con cái. Cho đến thời nay, đây vẫn là những nguyên tắc giáo dục không hề lỗi thời.

Tứ giới (4 điều nên tránh)

1. Dậy muộn

Theo quan điểm của Tăng Quốc Phiên, dậy muộn là một đức tính xấu, có thể khiến gia đình lụi bại. Sở dĩ gia tộc Tăng Quốc Phiên trong hàng trăm năm qua có vô số nhân tài cũng là có liên quan đến việc ông “trị gia dùng việc không dậy muộn làm gốc”.

Bởi vì dậy sớm là bí quyết số một để duy trì sức khỏe tốt, dậy sớm có thể giúp tinh thần tỉnh táo, minh mẫn.

Nguyên tắc dạy con; Nguyên tắc dạy con trai
“Dậy sớm” sẽ giúp trẻ duy trì sức khỏe tốt (ảnh minh họa Vandieuhay)

Tăng Quốc Phiên cũng từng viết thư về nhà khuyên bảo em trai “Nếu em muốn bỏ sự ‘lười biếng’ thì dậy sớm là ưu tiên hàng đầu.” 

2. Lười biếng

Có người từng nói: “Những người tầm thường trong thiên hạ từ xưa đến nay, tất cả đều thất bại chỉ vì một chữ lười; những người lỗi lạc trong thiên hạ từ xưa đến nay, tất cả đều thất bại chỉ vì kiêu ngạo.” Hầu hết mọi người đều sống một cuộc sống tầm thường chỉ vì sự lười biếng. 

3. Xa hoa

Sự suy tàn của một gia tộc hay một quốc gia cũng đều bắt nguồn từ 2 chữ “xa hoa”. 

Trong lịch sử có rất nhiều ví dụ không kể hết về sự xa hoa quá mức dẫn đến sự diệt vong. Có thể kể đến như: Tửu trì Nhục lâm (Suối rượu – Rừng thịt) của Trụ Vương; cung điện nguy nga, vườn ngự xa hoa của Tùy Dạng Đế; sự hưởng thụ xa hoa vào cuối thời nhà Đường… tất cả đều hiện rõ mồn một trước mắt.

8 nguyên tắc dạy con của Kỷ Hiểu Lam
Cần dạy trẻ tiết kiệm và biết ơn (ảnh minh họa Vandieuhay)

Kẻ thù của sự xa xỉ là đức tính tiết kiệm. Gia Cát Lượng đã nói trong “Giới tử thư”: “Tĩnh để tu thân, kiệm để dưỡng đức”. Chỉ có dựa vào sự thanh tĩnh của nội tâm mới có thể tu dưỡng thân tâm, chỉ có dựa vào lối sống thanh đạm, cần kiệm mới có thể bồi dưỡng phẩm đức.

“Chu Tử gia huấn” có viết: “Mỗi bữa cháo, mỗi bữa cơm nên nhớ là không dễ kiếm được; từng li từng tí phải luôn nhớ của cải không dễ làm ra”.

4. Kiêu ngạo

Một người một khi kiêu ngạo thì sẽ mất đi động lực để tiến về phía trước; Một khi kiêu ngạo thì chắc chắn sẽ trịch thượng, hách dịch với mọi người xung quanh. Từ xưa đến nay, không có ai thích hoặc muốn ở gần một người kiêu ngạo.

Vương Dương Minh là bậc thầy về tâm học, đã từng dạy các con của mình rằng: “Bệnh của người thời nay, phần lớn là do kiêu ngạo. Mà vô số tội ác trong suốt mấy trăm năm qua, tất cả đều do kiêu ngạo mà ra”.

Tứ nghi (4 điều nên làm)

1. Siêng đọc

Trong thư gửi về nhà để giáo dục con cái, Tăng Quốc Phiên đã viết: “Khí chất một người là do thiên bẩm, rất khó để thay đổi. Chỉ có đọc sách mới giúp con người thay đổi khí chất”.

8 nguyên tắc dạy con của Kỷ Hiểu Lam
Chỉ có đọc sách mới giúp con người thay đổi khí chất (ảnh minh họa Vtimes)

Điều quan trọng của việc siêng năng đọc sách là những gì bạn không hiểu sẽ có căn cứ để giải khai, những gì bạn nghi hoặc sẽ có quy luật để tuân theo, giúp cho những chỗ ngu muội, mù quáng có thể trở nên khôn ngoan, trí tuệ, và những chỗ lạc hậu sẽ tiếp xúc với những ý tưởng sáng suốt. 

2. Kính sư

Người xưa thường nói: “Một ngày làm thầy cả đời làm cha”. Mối quan hệ thầy trò thời xưa có vai trò vô cùng quan trọng. Thời xưa, khi cha mẹ đưa con đi học trường tư, không những phải hành lễ bái lạy thầy, mà còn phải hành đại lễ dập đầu bái lạy bài vị của Khổng Tử. 

Đạo kính sư là một điều vô cùng quan trọng trong mắt người xưa. “Lã thị Xuân Thu – Tôn sư ” có viết: “Sinh tắc cẩn sư, tử tắc kính tế, thử tôn sư đạo dã”. Có nghĩa là khi sống thì phải phụng dưỡng, khi chết thì phải kính lễ và cúng tế, đây là đạo tôn sư.

3. Yêu thương mọi người

“Luận ngữ” có viết: “phiếm ái chúng nhi thân nhân”, ý nói rằng cần yêu tất cả mọi người, thân cận những người nhân đức. Trong giáo dục, trước hết chúng ta phải học cách làm người, tu dưỡng đạo đức, bồi dưỡng đức tính, sau đó mới học tri ​​thức, kỹ năng và phát triển năng lực. 

4. Ăn uống thận trọng 

“Đệ tử quy” viết: “Với ăn uống, chớ kén chọn, ăn vừa đủ, chớ quá no”.

Chất lượng cuộc sống của một đứa trẻ như thế nào có liên quan mật thiết đến thói quen sinh hoạt hằng ngày của trẻ có lành mạnh hay không. Ăn quá nhiều, thức khuya và dậy trễ, lười vận động đều là những biểu hiện của thói quen xấu.

(ảnh minh họa Vandieuhay)

Lão Tử nói: “Thánh nhân vi phúc bất vi mục” có nghĩa là Thánh nhân vì cái bụng mà không vì con mắt. Ăn là để no bụng chứ không phải để thỏa mãn miệng và mắt. Rất nhiều căn bệnh hiện đại trong xã hội ngày nay như ung thư, tiểu đường… đều do dinh dưỡng dư thừa và mất cân bằng dinh dưỡng tạo ra, thế nên trẻ em phải cẩn thận trong chế độ ăn uống. 

Những nguyên tắc dạy con này đã được truyền thừa lâu dài trong lịch sử, các bậc phụ huynh cũng có thể thử để con mình thực hiện, chắc hẳn sẽ đem lại những kết quả đáng kinh ngạc. Đặc biệt đầu tiên là việc “dậy sớm”, đây chính là sự đảm bảo cho sức khỏe suốt đời của trẻ.

Theo Vision Times