Tích phúc mới có phúc, biết quý trọng từng hạt cơm rơi
Phúc của mỗi người là có hạn, nếu tùy tiện tiêu xài phung phí thì chính là đang làm hao tổn phúc phận của mình, tích phúc thì mới có phúc.
- Quỷ Cốc Tử: Ba kiểu người nhất định không có phúc khí
- Ít nói 3 việc này thì phúc khí sẽ ngày càng nhiều
Nội dung chính
Một hạt thóc vàng chín giọt mồ hôi
Có bài ca dao nói về nỗi vất vả để làm ra được hạt gạo:
“Cày đồng đang buổi ban trưa,
Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày.
Ai ơi, bưng bát cơm đầy,
Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần!”
Từng hạt gạo đều được người nông dân vất vả gieo trồng dưới cái nắng “như thiêu như đốt”. Nên khi có được hạt gạo quý để ăn, chúng ta phải biết nâng niu và biết bằng lòng.
Ở Nhật Bản có câu nói: “Trên mỗi hạt gạo đều có 7 vị Thần”. Câu nói này mang hàm ý rằng mỗi người đều phải biết ơn và trân trọng tất cả những gì mà tạo hóa đã ban tặng.
Tể tướng Nghiêm Tung không biết quý tiếc gạo nhận phải quả báo
Trong dân gian có lưu truyền một câu chuyện khuyên răn người đời phải biết quý gạo.
Trong năm Gia Tĩnh nhà Minh, có một vị tể tướng tên là Nghiêm Tung (1480-1567), con trai của ông là Nghiêm Thế Phiên cũng là một quan lớn trong triều. Hai cha con bao che cho nhau, kết bè kết cánh, lũng đoạn chính quyền, giết hại trung lương, khiến đất nước loạn lạc và không còn phép tắc.
Họ cậy vào sự giàu có của mình, sinh hoạt vô cùng xa hoa và lãng phí. Trong phủ ở quê nhà của Nghiêm Tung ngày nào cũng có vô số môn khách tới lui. Từ trong khe cống ngầm ở nhà bếp của ông thường thải ra rất nhiều các loại cá, thịt, gạo quý hiếm.
Gần phủ Nghiêm Tung có một ngôi miếu. Trong miếu có một lão hòa thượng, hàng ngày ông dẫn các tiểu hòa thượng đi nhặt gạo từ khe cống ngầm, sau đó rửa sạch và phơi khô. Một thời gian sau, cả gian phòng đã chất đầy gạo trắng.
Vào năm Gia Tĩnh thứ 41, Hoàng đế Gia Tĩnh vốn vô cùng tin tưởng Nghiêm Tung thì nay lại trở nên chán ghét ông ta. Nghiêm Tung bị các đại thần khác luận tội. Cuối cùng, ông bị cách chức, còn con trai ông Nghiêm Thế Phiên bị chặt đầu và toàn bộ tài sản bị tịch thu.
Nghiêm Tung không ngờ rằng những năm cuối đời mình lại không chỗ nương tựa. Bởi vì ông ta đã làm rất nhiều điều ác và không được lòng dân. Bởi vậy, khi ông ta mất đi quyền lực, cũng không có ai thông cảm và thương xót cho ông ta.
Nghiêm Tung đến ở nhờ trong ngôi miếu
May mắn thay, lão hòa thượng trong ngôi miếu gần nhà của Nghiêm Tung từ bi thương xót đã thu nhận và giúp đỡ ông.
Vì vậy, Nghiêm Tung đã đến sống trong miếu. Một hôm ông ta xấu hổ nói với lão hòa thượng rằng: “Tôi có lỗi với ông. Khi tôi còn quyền thế, tôi không biết rằng có một người hàng xóm tốt như ông. Tôi chưa bao giờ quyên góp một chút công đức nào cho ông ở trong miếu. Hiện nay, khi tôi rơi vào tình cảnh khốn khó, lại đến tìm ông, ăn đồ của ông, ở trong miếu của ông, tôi thực sự cảm thấy rất hổ thẹn!”
Lão hòa thượng an ủi Nghiêm Tung: “Tướng gia, ông không cần phải buồn. Thức ăn mà ông đang ăn bây giờ không phải của tôi, mà là của chính Tướng gia. Hơn nữa, ngay cả khi ông ăn những thức ăn này trong 18 năm cũng không thể ăn hết”.
Khi Nghiêm Tung nghe thấy những lời này, ông ấy đã rất ngạc nhiên và hỏi: “Thức ăn của tôi sao? Ông dựa vào đâu để nói như vậy?”
Lão hòa thượng bình thản đáp rằng: “Nếu như ông không tin thì để tôi dẫn ông đi xem.”
Thế là, lão hòa thượng dẫn Nghiêm Tung đến nhà kho. Ông chỉ vào một đống gạo lớn trong kho và nói với Nghiêm Tung: “Đây đều là gạo lấy ra từ khe cống ngầm của phủ tể tướng. Tôi đã vớt lên và rửa sạch sẽ, sau đó phơi khô và cất giữ ở đây”.
Tích phúc mới có phúc
Nghiêm Tung nghe những lời lão hòa thượng nói, nhìn đống gạo trắng mà nước mắt lưng tròng, không nói được lời nào. Đây là kết quả của việc không biết quý tiếc phúc mà gây ra.
Trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, phô trương lãng phí là biểu hiện của việc không quý tiếc phúc. Ngày nay, dù là ở nhà, quán ăn, trường học hay căng tin ở công ty thì hiện tượng đổ cơm, thức ăn thừa diễn ra vô cùng nghiêm trọng. Không biết có bao nhiêu người trên thế giới đang phải đối mặt với tình cảnh chết đói, nhưng chúng ta lại đổ cơm, rau và trái cây do nông dân vất vả gieo trồng vào thùng rác.
Tích phúc mới có phúc, biết trân quý dù chỉ là một hạt cơm rơi.
Theo Vision Times