Người xưa nói “Quen biết khắp thiên hạ, tri âm hỏi mấy người?” hay “Rượu quý chỉ uống cùng tri kỷ, thơ hay để tặng bạn thơ ngâm”, thế mới biết từ xưa đến nay, tri âm, tri kỷ vẫn luôn thật khó tìm.

“Tri âm tri kỷ”

Cổ nhân lưu truyền lại những câu chuyện có ý nghĩa sâu sắc về tình bạn tri kỷ của những người nổi tiếng. Câu chuyện đầu tiên đó là tình tri kỷ giữa Du Bá Nha và Chung Tử Kỳ.

Du Bá Nha là người tinh thông âm luật, nghệ thuật chơi đàn cao siêu; là bậc thầy nổi tiếng về đàn đương thời. Thời trẻ, Du Bá Nha là người thông minh hiếu học; đã từng bái một vị cao nhân làm thầy, nên kỹ thuật chơi đàn đã đạt đến trình độ rất cao siêu. Nhưng Bá Nha luôn cho rằng cảm thụ của bản thân đối với sự vật vẫn chưa đủ xác thực; kỹ thuật chơi đàn vẫn chưa đạt đến cảnh giới xuất quỷ nhập Thần.

Biết được suy nghĩ của Bá Nha, sư phụ bèn dẫn Bá Nha lên thuyền rồi đưa ra đảo Bồng Lai ngoài biển Đông để Bá Nha thưởng thức cảnh sắc thiên nhiên; lắng nghe tiếng sóng vỗ bờ. Bá Nha ngước nhìn, chỉ thấy biển mênh mông không nhìn thấy bờ; những con sóng dâng trào tiếp nối nhau, bắn tung lên những bọt nước trắng xóa như những bông hoa; rất nhiều hải âu đang bay lượn dập dờn. Bốn mặt xung quanh núi là rừng cây cối xanh tốt um tùm; giống như lạc vào cõi Tiên.

Một cảm giác lạ kỳ từ từ dâng lên. Du Bá Nha như nghe thấy âm nhạc hài hòa vui tai của thiên nhiên. Bá Nha không nén nổi xúc động liền đem đàn ra gảy; âm thanh thay đổi theo ý nghĩ. Bá Nha hòa mình vào thiên nhiên, và thiên nhiên hòa vào trong tiếng đàn. Bá Nha thể nghiệm thấy cảnh giới xưa nay chưa từng thấy. Sư phụ vui vẻ gật đầu nói: “Con đã học thành công rồi”.

Tìm thấy tri âm, ‘đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”

Kết giao khắp thiên hạ, tri kỷ hỏi mấy người?
Kết giao khắp thiên hạ, tri kỷ hỏi mấy người? (ảnh DKN)

Một đêm, Bá Nha hứng khởi chèo thuyền du ngoạn. Giữa sông nước mênh mang, đắm mình trong trăng thanh gió mát; tình cảm bỗng nảy sinh vô vàn. Thế là Bá Nha lấy đàn ra chơi, tiếng đàn du dương; vang xa rồi tan vào cảnh sắc mỹ lệ. Bỗng nghe thấy trên bờ có tiếng khen “Tuyệt!”. Bá Nha bơi thuyền đến nơi có tiếng nói; chỉ thấy một tiều phu đang đứng trên bờ. Biết đó chính là người mà ông đang ngao du thiên hạ để kiếm tìm; ông liền mời vị tiều phu lên thuyền.

Bá Nha hứng chí diễn tấu cho người tiều phu nghe. Khi Bá Nha đàn một khúc nhạc ngợi ca núi cao hùng vỹ, người tiều phu thốt lên: “Đẹp quá, thật hùng vỹ lại trang nghiêm, cứ như núi Thái Sơn cao vút tận tầng mây”. Khi Bá Nha diễn tấu thể hiện những con sóng nước xô nhau giữa mênh mông biển cả, người tiều phu nói: “Tuyệt quá, mênh mông bát ngát, như thấy những dòng nước cuồn cuộn giữa biển khơi vô biên vô tế”.

Bá Nha xúc động nói: “Tri âm (hiểu âm nhạc), ông đúng là tri âm của tôi”. Người tiều phu này chính là Chung Tử Kỳ.

Kết giao khắp thiên hạ, tri kỷ hỏi mấy người?

Tìm được tri kỷ là điều may mắn nhất trong kiếp nhân sinh
Tìm được tri kỷ là điều may mắn nhất trong kiếp nhân sinh (ảnh DKN)

Tìm được tri kỷ đương nhiên là điều may mắn; có thể là điều may mắn nhất trong kiếp nhân sinh. Cũng như sau khi Chung Tử Kỳ mất, Bá Nha đã đập vỡ cây đàn; vì nghĩ từ nay về sau sẽ không còn ai hiểu được tiếng đàn của ông nữa; cây đàn này cũng không cần phải chơi nữa. Con người cả đời theo đuổi danh vọng tiền bạc, đến khi có được tất cả rồi nhưng lại không có ai hiểu được mình; tự mình cô độc trên ốc đảo của bản thân; như vậy chẳng đáng thương hay sao?

Thi tiên Lý Bạch còn phải thốt lên: “Hoàng kim vạn lượng dung dị đắc; Thế thượng tri kỷ tối nan cầu”. Tạm dịch: Vàng bạc vạn lượng còn dễ kiếm, tri kỷ trên đời thật khó tìm.

Đời người có được một người bạn tri kỷ đã là quá đủ; đây là điều mà biết bao người đã cảm khái sau những gió mưa của cuộc đời. Nó như là một chén trà trong, nhè nhẹ chảy vào trong tim mỗi người. Đôi khi nó chỉ là một cái nắm tay, một ánh mắt, chẳng cần nói thành lời; đôi khi nó chỉ như một đoạn văn, đọc mà thấy trân quý, sau đó lưu lại cảm động vĩnh hằng.