3 cách giúp bạn thoát khỏi cảm xúc tiêu cực
Dù cho bạn có cố gắng thế nào thì những chuyện không như ý vẫn thường xuyên diễn ra. Khi vấn đề phát sinh thì thường sẽ có những cảm xúc tiêu cực như tức giận, tật đố, buồn bã. Muốn giữ bình tĩnh và suy nghĩ hiệu quả thì kiểm soát cảm xúc là điều rất quan trọng.
Một khi bị rối loạn, cảm xúc của bạn sẽ trở nên càng phức tạp hơn. Nếu chỉ sử dụng cảm tính thì sẽ không thể giải quyết được việc gì. Xin giới thiệu 3 cách để có thể giúp bạn thoát khỏi cảm xúc tiêu cực.
Nội dung chính
Cách 1: Phân biệt những việc có thể kiểm soát và không thể kiểm soát
Dù có phiền muộn thì bạn cũng phải chấp nhận rằng có những điều bạn không thể làm được. Sẽ là lãng phí nếu nỗ lực được đổ vào một việc gì đó mà không thể làm được. Nếu lại để ảnh hưởng đến cảm xúc của bạn thì lại là điều càng không nên.
Còn nhớ lúc tôi làm việc trong xưởng sửa chữa của Toyota. Khi chiếc xe của vị khách hàng kia đã được sửa xong. Tôi và một người nữa đã lái xe ô tô của khách để đi giao. Không ngờ tôi lại điều khiển xe đâm phải cột điện thoại bên đường. Lúc đó đầu óc đầu óc tôi quay cuồng, hoảng hốt.
Tuy nhiên, người đàn anh ngồi cùng trên xe mới nói với tôi rằng: “Trước tiên hãy nghĩ xem bây giờ có thể kiểm soát được cái gì”. Tôi bình tĩnh lại và nghĩ, xe đã lỡ đâm vào cột điện thoại rồi. Bây giờ tôi cũng không thể thay đổi được nữa. Xe bị hỏng rồi thì cũng không thể sửa ngay được. Trong trường hợp này, điều duy nhất bạn cần làm là kiểm soát cách đối xử với khách hàng. Đồng thời bạn cũng phải tìm cách giải quyết hậu quả với tư cách là một nhân viên công ty.
Hãy tìm giải pháp thay vì thất vọng
Tôi hiểu ra tình huống của mình và ngay lập tức xin lỗi khách hàng. Mặc dù khách hàng cảm thấy hơi ngạc nhiên nhưng cũng đã tha thứ cho tôi. Khách hàng cần xe trong 1 tuần nên tôi khẩn trương xác nhận lịch sửa chữa với công ty để trả xe cho khách đúng hạn.
Khi rơi vào trạng thái hoang mang “không biết phải làm gì” hay “muốn trốn chạy” có lẽ đừng để cảm xúc thất vọng xâm chiếm. Nếu để cảm xúc tiêu cực tràn ngập trong bạn thì không có cách nào để tự thoát ra được. Trong trường hợp này, tốt hơn hết là bạn nên thực hiện một vài biện pháp cụ thể ngay lập tức.
Tránh dành thời gian và sức lực cho những việc không thể kiểm soát. Cách tiếp cận thực dụng này có thể giúp tâm trạng bạn dễ chịu hơn nhiều.
Cách 2: Phân biệt giữa sự thực và ý kiến
Trước đây, khi tôi tham gia vào công việc sửa chữa ô tô, tôi đã gặp nhiều vấn đề cơ bản khác nhau. Và khách hàng vì lo lắng cho xe của họ nên cũng đưa ra nhiều câu hỏi khác nhau.
Ví dụ, khách hàng đôi khi hỏi: “Mỗi khi đạp phanh, đều nghe thấy âm thanh lạ. Có phải do má phanh bị mòn không?”. Tuy khách hàng nói như vậy nhưng kỹ thuật viên bảo dưỡng cũng chỉ nên coi đó là để tham khảo.
Chúng ta nên bình tĩnh xác nhận xem sự thật là như thế nào. Bạn không nên lập tức tin lời khách hàng. Nếu bạn tin vào lời nói của khách hàng và sửa chữa xe với lý do má phanh bị mòn thì rất có thể dẫn đến đánh giá sai tình trạng thực tế của xe.
Việc kiểm soát cảm xúc thông thường cũng giống như vậy. Khi mọi người cảm thấy tức giận hoặc cáu kỉnh, lý do của những cảm xúc tiêu cực này có phải là dựa trên sự thật khách quan không? Hay là nó đến từ thành kiến của họ? Chúng ta phải phân biệt rõ ràng.
Cách 3: Suy nghĩ tách biệt giữa cảm xúc và sự việc
Sự phân biệt giữa sự việc và cảm xúc có thể nói là phần mở rộng của sự phân biệt giữa sự thực và ý kiến.
Có lần, một nhân viên không kịp giao hàng do công việc bị đình trệ. Lúc đó tôi đã rất tức giận và mắng cậu ấy rằng: “Cậu giao hàng trễ. Cậu không đủ tư cách làm kỹ thuật viên bảo trì!”
Khi đó, quản lý của tôi nhìn thấy tình huống này đã khuyên bảo tôi không nên xử trí theo cảm tính. Anh nói: “Đang có 2 vấn đề, vấn đề 1 là lớp trẻ không tuân thủ thời gian giao xe, vấn đề 2 là em không thể tha thứ cho lớp trẻ vì sai lầm này. Đây là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau”. Câu nói của anh đã khiến tôi tỉnh ngộ, phải suy nghĩ tách biệt giữa cảm xúc và sự việc.
Nói cách khác, tôi phải bình tĩnh đối mặt với câu hỏi: “Tại sao nhân viên của mình không thể hoàn thành công việc trước thời hạn”. Con người đôi khi không thể tránh khỏi những cảm xúc nhất định. Nhưng chúng ta không thể bỏ qua những vấn đề quan trọng nhất vì những cảm xúc này.
Khi vấn đề phát sinh thì hãy tìm ra nguyên nhân căn bản của nó
Mặc dù chúng ta biết rằng phải suy nghĩ về các sự việc và cảm xúc riêng biệt. Nhưng khi vấn đề thực sự xảy ra, bạn nên làm gì để đối phó với nó? Câu trả lời là hãy đi vào tận gốc rễ để tìm ra nguyên nhân của vấn đề.
Giả sử, một công ty có một nhân viên trẻ luôn đi làm muộn. Tôi thử liệt kê một vài lý do có thể khiến anh ấy đi làm trễ:
Nhân viên này không quen dậy sớm. Cho dù có đặt bao nhiêu báo thức, anh ta cũng sẽ vô thức tắt đi; anh ta sắp xếp đời sống cá nhân không phù hợp. Ví dụ như ăn sáng và thay quần áo quá lâu; anh ta sống trong một khu vực mà các phương tiện giao thông công cộng như xe buýt hoặc xe điện thường bị trì hoãn.
Bạn có thể thấy là có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc một người đi làm trễ. Vì vậy, điều quan trọng là phải suy nghĩ rộng rãi về các yếu tố và tìm ra lý do thực sự.
Thái độ tiêu cực sẽ không giải quyết được vấn đề
Do đó, ngay cả khi bạn mắng nhân viên trẻ đi làm muộn hàng ngày: “Anh không thể đến làm sớm hơn sao?”. Việc này chỉ làm cho tình hình trở nên tồi tệ hơn. Cho dù bạn có đe dọa là: “Nếu lại đi làm muộn thì sẽ giảm lương” thì khả năng cũng chỉ có tác dụng trong một thời gian ngắn. Nếu nguyên nhân gốc rễ của vấn đề không thể được cải thiện, vấn đề sẽ lại xuất hiện ở các hình thức khác nhau.
Giả sử bạn muốn trở thành một đàn anh tốt bụng và chu đáo. Bạn đã mua một chiếc “đồng hồ báo thức chất lượng cao” để làm quà cho những nhân viên thường xuyên đi muộn. Có thể bạn sẽ thành công trong việc giúp họ đi làm đúng giờ. Tuy nhiên bạn vẫn chưa thể giải quyết được những rắc rối cơ bản của anh ta.
Có thể nhân viên đi làm muộn là vì có bệnh nào đó. Tư duy đúng đắn là phải tìm ra hiểu vấn đề. Sau đó đào sâu hơn để khám phá nguyên nhân gốc rễ của vấn đề. Từ đó mới tìm ra cách thực sự để giải quyết vấn đề. Trong suốt quá trình này, quan trọng nhất là không để cảm xúc chi phối.
Theo Epoch Times