Con người khi vay thì phải trả, ngay cả Thần tiên cũng như vậy. Nếu Thần tiên làm chuyện không tốt, họ sẽ phải xuống nhân gian trả nợ tịnh hóa bản thân; sau đó mới có thể quay trở về Thiên quốc của mình.

Những ai đã từng xem Tây Du Ký hẳn vẫn còn nhớ nhân vật Trư Bát Giới có hình dạng nửa người nửa heo. Ông vốn là vị Thiên bồng nguyên soái trên Thiên đình, đứng đầu 8 vạn thủy binh. Chỉ vì một lần dự tiệc, trót buông lời chọc ghẹo Hằng Nga mà ông bị tước bỏ chức quan; đồng thời bị đày xuống hạ giới để trả nợ cho tội nghiệp mình đã gây ra.

“Tôi có một món nợ chưa hoàn trả”

Vi Thiện Tuấn là người vùng Đỗ Lăng, thường phiêu bạt khắp nơi để tìm Đạo. Trên đường đi có lúc ông dừng chân giữa núi rừng nghỉ, có lúc uống say ngủ tạm trên đường. Một hôm, có một con chó đi theo ông, ông cũng dắt nó theo và gọi nó là “Ô Long”. Bất kể Vi Thiện Tuấn đến đâu cũng đều san sẻ thức ăn của mình cho con chó. Con chó bị bệnh ghẻ nặng đến mức rụng hết lông, khiến ai nhìn thấy cũng thảy đều ghê sợ.

Một hôm, Vi Thiện Tuấn bỗng nhiên nói rằng: “Tôi có một món nợ chưa hoàn trả.” thế rồi đi đến chùa ở Tung Sơn gặp anh trai hiện đang là hòa thượng ở đó. Chúng tăng đều biết ông là em trai của trụ trì, nên phục vụ ông cẩn thận lắm.

Tuy nhiên, mỗi lần lên điện đường ăn cơm chay, Vi Thiện Tuấn đều để chó bên cạnh và chia một phần thức ăn cho chó. Điều này khiến Tăng chúng cảm thấy Vi Thiện Tuấn khó ưa. Sau đó họ phản ánh lại với trụ trì. Trụ trì gọi em trai tới và trách mắng ông, còn dùng roi mây đánh ông 10 cái, rồi đuổi ông ra khỏi chùa.

Trả nợ xong, cưỡi rồng thăng thiên

Vi Thiện Tuấn hành lễ tạ ơn, nói: “Nợ quá khứ của tôi đã trả xong. Lần này rời đi sẽ không trở lại nữa.” Lại cầu xin tắm rửa một lần, sau đó sẽ rời đi”.

Tắm rửa một lúc xong, Vi Thiện Tuấn dắt chó đi ra, chú chó đã dài sáu bảy xích (1,8m), đi tới trước đại điện, chó bỗng biến thành rồng, dài mấy chục trượng, Vi Thiện Tuấn cưỡi rồng thăng thiên. Lúc rồng bay lên trời, làm sụp một góc đại điện, vết tích đến nay vẫn còn. (Trích từ “Tiên truyện thập di”).

Vị Thần tiên sau khi trả nợ xong thì cưỡi rồng lên trời.
Hình ảnh rồng Đông phương xuất hiện trong một bức tranh khảm Hy Lạp được lưu giữ tại nước Ý (Ảnh: Salli~commonswiki, Wikimedia).

Lời bàn

Đối với người thường mà nói, bị đánh là việc vô cùng khó chịu. Bởi con người ai cũng truy cầu hạnh phúc, mong được sống thoải mái an nhàn. Tuy nhiên suy nghĩ của Thần tiên thì ngược lại.

Đối với một vị Thần, chịu khổ lại là chuyện tốt; bởi vì chịu khổ chính là hoàn trả nợ, tiêu trừ nghiệp lực của bản thân mình. Trả đươc càng nhiều nợ thì đời sau càng có nhiều khả năng chuyển sinh vào cõi tốt trong kiếp luân hồi; thậm chí thoát khỏi luân hồi và trở về Thiên quốc của mình.

Đây cũng chính là điểm khác biệt cơ bản giữa người và Thần. Thần cho rằng chịu khổ là chuyện tốt, trong khi con người cho rằng đó là chuyện xấu.

Theo Chánh Kiến

Xem thêm: