Vị vua tuổi Dần phật học uyên thâm đoán đúng được ngày giờ chết
Vua Trần Thái Tông (1218-1277), là vị vua đầu tiên của Triều Trần. Ông lấy từ bi làm tông chỉ trị quốc, đem Phật pháp giáo hoá cho dân chúng thực hành theo…
Nội dung chính
Vị vua đầu tiên của Triều Trần
Vua Trần Thái Tông tên thật là Trần Cảnh. Ông sinh ngày 16 tháng 6 năm Mậu Dần (1218), Niên hiệu Kiến Gia thứ 8 triều Lý (tức 10 tháng 7 năm 1218). Ông là con thứ của Trần Thừa, một quan Phụ Chính Thái úy dưới triều Lý. Khi ông sinh ra, triều Lý đang ở thời kỳ suy vi.
Năm 1225, Trần Thủ Độ là chú họ của ông đã sắp đặt cho Trần Cảnh lấy Lý Chiêu Hoàng nữ hoàng đầu tiên và là vua cuối cùng của triều Lý. Khi đó Lý Chiêu Hoàng mới 7 tuổi. Vì vậy đã nhường ngôi cho Trần Cảnh. Trần Cảnh lên làm vua lấy hiệu là Trần Thái Tông.
Trốn lên chùa Yên Tử định đi tu
Chiêu Thánh Hoàng hậu (Lý Chiêu Hoàng) lấy Thái Tông đã 12 năm (tức 19 tuổi) mà vẫn chưa có con. Trong khi triều Trần cần phải có Hoàng tử. Vì thế, Thái sư Trần Thủ Độ đã ép vua Thái Tông bỏ Chiêu Thánh giáng xuống làm công chúa. Sau đó đem chị của Chiêu Thánh là Thuận Thiên, khi đó là vợ của Trần Liễu (anh trai của vua Thái Tông) đã có thai vào lập làm Hoàng hậu. Trần Liễu kéo quân làm loạn trong triều.
Thái Tông đang đêm trốn lên chùa Phù Vân (Yên Tử – Quảng Ninh) tỏ ý phản đối. Khi Trần Thủ Độ đem quân đến đón về, Thái Tông từ chối và nói rằng: “Trẫm còn nhỏ dại, không kham nổi việc to lớn. Các quan nên chọn người khác để khỏi nhục xã tắc”. Thuyết phục mãi mà Thái Tông không đổi ý. Trần Thủ Độ bèn nói với các quan, quân: “Hoàng thượng ở đâu là triều đình ở đó”. Rồi truyền lệnh xây dựng cung điện trên chùa Phù Vân. Vị quốc sư ở chùa phải van lạy, khuyên giải mãi, Thái Tông mới chịu quay về.
Vua Trần Thái Tông dùng bao dung để cảm hóa thù hận
Vốn là người nhân đức, nhân từ, vua Trần Thái Tông đã cảm hóa được anh em và con cháu và tránh được những thù hận sau này. Sử sách ghi lại rằng: ông đã lấy thân che gươm cứu Trần Liễu khỏi bị Trần Thủ Độ chém vì tội phản nghịch. Thái Tông còn cấp ruộng đất làm thái ấp và phong cho Trần Liễu làm An Sinh Vương.
Sau này, chính Thái Tông cũng cảm phục được Trần Hưng Đạo (con của Trần Liễu) dẹp bỏ thù riêng. Không nghe lời di chúc thù hận của cha, Trần Hưng Đạo hết lòng phò vua Thái Tông chống giặc.
Nhờ ân đức của mình, ông đã mang cho đất nước nhiều tướng tài như Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật. Họ đều có công giúp vua chống giặc Nguyên – Mông. Trong 33 năm làm vua (1225-1258), Trần Thái Tông đã 3 lần đổi niên hiệu: Kiến Trung (1225-1231), Thiên Ứng Chính Bình (1232-1250) và Nguyên Phong (1251-1258).
Chống giặc ngoại xâm
Vào đầu thế kỷ XIII, trên vùng thảo nguyên rộng lớn thuộc đất nước Mông Cổ ngày nay, đã hình thành một quốc gia quân sự độc tài, hùng mạnh với những đạo quân rất giỏi cưỡi ngựa, bắn cung, tên. Có lực lượng quân sự mạnh, dựa vào những đạo kỵ binh thiện chiến, các vua chúa Mông Cổ tiến hành xâm lược các quốc gia khác. Trong vòng nửa thế kỷ, Thành Cát Tư Hãn thành lập một đế quốc Mông Cổ rộng lớn từ bờ biển Đông Á Thái Bình Dương đến tận Hắc Hải.
Năm 1225, Triều Trần được thiết lập, vua Trần Thái Tông đã đón nhận sứ mệnh đối phó với giặc ngoại xâm.
Năm 1257, Mông Cổ cử tướng Ngột Lương Hợp Thai đem một đạo quân đánh chiếm Đại Việt. Trước khi xuất quân, Mông Cổ sai sứ sang đòi vua Trần đầu hàng. Trần Thái Tông và triều đình đã tống giam kẻ đại diện đế quốc Mông Cổ. Đồng thời tổ chức quân dân ta gấp rút chuẩn bị kháng chiến.
Ông đã biết dựa vào các Tướng giỏi là Trần Thủ Độ và Trần Quốc Tuấn (còn gọi là Trần Hưng Đạo) phất cao ngọn cờ chống giặc Nguyên – Mông. Trần Quốc Tuấn dẫn một lực lượng lên bố trí ở vùng biên giới. Đại quân ta do vua Trần Thái Tông trực tiếp chỉ huy lên lập phòng tuyến ở Bình Lệ Nguyên (Vĩnh Phúc, Phú Thọ bây giờ) chặn đường tiến quân của địch từ Vân Nam theo đường Lào Cai xuống Thăng Long.
Kế sách “vườn không nhà trống”
Đầu năm 1258, quân Mông Cổ tiến vào nước ta. Đạo quân địch gồm khoảng 3 vạn tên, có lực lượng kỵ binh thiện chiến làm nòng cốt nhanh chóng tiến xuống Bình Lệ Nguyên. Sau nhiều trận giao chiến ác liệt, quân ta không thể ngăn chặn được vì thế quân giặc lúc đó quá mạnh. Vua Trần cùng đại quân phải rút về Thăng Long. Sau đó rút lui về vùng Thiên Mạc (Khoái Châu, Hưng Yên ngày nay) để bảo toàn lực lượng.
Dân thành Thăng Long cũng rời kinh đô, tản cư về vùng nông thôn. Quân giặc vào được thành Thăng Long. Nhưng chỉ thấy một tòa thành trống rỗng, không người, không của cải, lương thực. Chúng tàn phá Thăng Long nhưng không dám tiến công tiếp. Vì không biết quân ta ở đâu nên không dám mở rộng chiếm đóng vì quân số có hạn. Lương thực mang theo đã hết. Nguồn tiếp tế vốn không được phòng bị cho cách đánh nhanh thắng nhanh. Trông chờ cướp lương để ăn thì không có. Tình thế của quân Mông Cổ gặp khó khăn bế tắc.
Khúc ca khải hoàn chống giặc Nguyên – Mông
Ngày 21/1/1258 (vào tháng 12 năm Đinh Tý), vua Thái Tông trực tiếp chỉ huy quân ta ngược sông Hồng; bất ngờ tấn công quyết liệt vào Đông Bộ Đầu (bến sông Hồng bây giờ). Bị bất ngờ, quân giặc thiệt hại nặng vội rút chạy khỏi Thăng Long theo ven sông Hồng. Chạy đến Quy Hóa (Phú Thọ, Yên Bái), bị quân ta bí mật ém chờ. Tại đây quân ta phối hợp cùng dân binh địa phương do tù trưởng Hà Bổng chỉ huy đánh tiếp. Ngột Lương Hợp Thai cùng đám tàn quân không dám đánh lại. Chúng phải chạy tháo thân về Vân Nam. Với tài thao lược của vua Trần Thái Tông đã dẫn dắt giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Nguyên – Mông lần thứ nhất.
Trần Thái Tông – vị vua anh minh gần gũi với dân chúng
Thái Tông có nhiều kế sách để trị vì và hưng thịnh đất nước. Năm 1244, Thái Tông định ra Quốc Triều thông pháp Hình luật (20 quyển). Theo Phan Huy Chú, bộ luật này răn dân rất nghiêm ngặt nên ngày đó tội trộm, cướp ít xảy ra. Tiếc rằng bộ Luật này đã bị thất lạc. Thái Tông còn là vị vua biết chăm lo cho việc học của xã tắc.
Dưới triều vua Thái Tông, năm 1232, đã mở khoa thi Tiến sĩ, lấy đỗ tam khôi: Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa. Định lệ cứ 7 năm lại mở một khoa thi để tuyển người tài. Đến năm 1247, vua Thái Tông cho mở cả khoa thi tam giáo: Nho, Thích, Lão; rộng đường học vấn cho các sĩ tử. Cũng năm 1247, tại khoa thi này, Nguyễn Hiền đỗ Trạng nguyên, Lê Văn Hưu đỗ Bảng nhãn, Đặng Ma La đỗ Thám hoa.
Sau khi thắng giặc Nguyên – Mông, vua Thái Tông tiếp tục phát triển văn hóa, kinh tế; cho đắp đê, khai khẩn ruộng, chăm lo đời sống muôn dân. Ông thường đi về tận các làng xã thăm hỏi dân chúng và giải quyết mọi công việc ngay tại đó. Ông là vị vua mở đầu cho Triều Trần đã gần gũi với quần thần và dân chúng.
Tạo ra lệ nhường ngôi cho Thái tử khi đủ trưởng thành
Xuân Mậu Ngọ (1258), vua Thái Tông nhường ngôi cho Thái tử Trần Hoảng (vua Trần Thánh Tông). Ông làm Thái Thượng Hoàng trong 19 năm. Từ năm 1239, vua Thái Tông đã cho sửa sang quê hương Tức Mặc; dựng cung điện và thường về thăm. Năm 1262, ông đổi Tức Mặc thành phủ Thiên Trường; xây cung Trùng Quang để lui về ở lúc tuổi già; rồi xây cung Trùng Hoa, chùa Phổ Minh…
Đoán đúng ngày giờ chết
Ngày mồng 1 tháng 4 năm Đinh Sửu (tức 5 tháng 5 năm 1277), vua Trần Thái Tông băng hà, thọ 60 tuổi. Lăng mộ của vua Trần Thái Tông được táng tại phủ Long Hưng (xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình).
Theo sách Đại Việt sử ký toàn thư, trước đó một năm vị vua khai sáng vương triều Trần đã đoán trúng thời điểm mình sẽ qua đời. Khi ấy ông đã rời ngôi báu để làm Thái Thượng hoàng được 18 năm. “Trước đó, Thượng hoàng đến ngự đường, bỗng thấy con rết bò trên áo ngự. Thượng hoàng sợ, lấy tay phủi nó rơi đánh “keng” xuống đất, nhìn xem thì hóa ra cái đinh sắt, đoán là điềm năm Đinh.“
Lại có lần đùa sai Minh tự Nguyễn Mặc Lão dùng phép nghiệm quan nghiệm xem điềm lành hay điềm dữ. Hôm sau Mặc lão tâu: “Thấy một chiếc hòm vuông bốn mặt đều có chữ Nguyệt. Trên hòm có một cái kim, một chiếc lược“. Thượng hoàng lại đoán: “Hòm tức là quan tài, chữ “nguyệt” (tháng) ở bốn bên tức là tháng 4. Cái kim có thể cắm vào vật gì, tức là nhập vào quan tài. Chữ “sơ” là chiếc lược. Đồng âm với “sơ” là xa tức là sẽ xa rời các ngươi“.
Lại lúc ấy đương có trò múa rối, thường có câu: “Mau đến ngày mồng 1 thay phiên“. Thượng hoàng lại đoán: “Thế là ngày mồng 1 ta chết“.
Bậc thánh hiền
Sách Đại Việt sử ký tiền biên viết: “Hoặc giả vua Thái Tông đến cuối đời Phật học tiến tới, tinh vi. Cho nên khi mất ngẫu nhiên có sự biết trước được. Chỉ mượn việc chiêm nghiệm mà nói ra thôi. Còn về tư chất cao, học thức sáng qua đó cũng có thể thấy được”.
Cũng trong sách này, sử thần triều Hậu Lê là Ngô Sĩ Liên có lời bàn như sau: “Điềm lành hay điềm gở chỉ có người thành tâm mới có thể biết trước được. Cho nên Đại truyện Kinh Dịch có nói: “Tượng sự tri khí, chiêm sự tri lai hư” (Hình dung được sự vật thì biết chế tạo ra khí cụ, chiêm đoán được sự việc thì biết tương lai). Nhưng tất cả phải sau khi suy nghĩ, nghiền ngẫm trong lòng mình. Thái Tông đoán biết những ngày sau là chiêm nghiệm được sự việc đấy. Nếu không phải là người biết rõ lễ, lòng thành kính, chỉ nhân sự việc mà đoán để khẳng định thì chưa có ai không chuốc tai họa về sau. Đó là sự khác nhau giữa cái học về sấm, ký, thuật số với cái học của thánh hiền đấy chăng?”.
Là vị vua mở đầu cho Triều Trần, Trần Thái Tông đã đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển phồn thịnh của một triều đại huy hoàng trong lịch sử Việt Nam suốt 175 năm.
Bức hại Phật Pháp, vua Tống Huy Tông phải nhận kết cục bi thảm