Từ xưa đến nay vẫn thường thấy xuất hiện những vị tăng điên, nhưng thực ra họ không phải là điên thật, họ thậm chí còn có cả thần thông và đã tu luyện được rất cao thâm; họ giả điên chỉ là để che mắt người khác mà thôi.

Vị tăng điên thường nói những lời dự ngôn

Tăng nhân Văn Hựu ở huyện Tín Phong, Cán Châu, Giang Tây, Trung Quốc, vốn họ Ngô, nên thường được người đời gọi là Ngô Tăng Già. Ông xuống tóc xuất gia và ra ngoài vân du, sau đó độc tu trong am Lãnh Kết huyện Cán một thời gian dài mới rời đi. Sau đó tạm trú tại tại ngôi chùa Diệu Tịnh ở huyện Vu Đô.

Ông cả ngày ở ngoài phố, điên điên khùng khùng, mọi người cho rằng ông là tăng điên; không biết tại sao ông lại như thế. Mỗi ngày ông đều đi tới rừng cây tùng, vừa gõ vào cây vừa hát: “Triệu gia thiên tử triệu gia vương”. Mọi người không hiểu nghĩa là gì. 

Khi gặp người thiện lương, ông sẽ vái chào hành lễ; khi gặp kẻ ác, ông sẽ mắng người ta không khác gì chó lợn. Chính vì việc này mà ông đã đắc tội với rất nhiều những thanh niên hư hỏng; có lần ông bị đám thanh niên này đuổi chạy vào trong một khu rừng trúc.

Khi chạy vào đó ông vừa lớn tiếng khẩn cầu vừa vỗ vào cây mà nói: “Một rừng trúc lớn thế này, sắp trở thành chổi quét rồi”. Quả nhiên, mười mấy ngày sau, cánh rừng hơn vạn cây trúc đột nhiên bị khô héo toàn bộ. Chủ nhân của khu rừng vốn không phải hạng người thiện lương; sau khi rừng trúc héo khô, gia cảnh ông ta cũng dần sa sút. 

Hành tung khác thường nhưng hay giúp người thiện lương

Hành tung khác thường nhưng hay giúp đỡ những người thiện lương
Hành tung khác thường nhưng hay giúp đỡ những người thiện lương (ảnh SOH)

Phía sau chùa Diệu Tịnh có một rừng trúc, trong đó có một cây rất lớn. Một tối nọ, Ngô Tăng già chạy tới dưới gốc cây, vừa gõ vào gốc cây vừa hát; tiếng hát véo von trong trẻo vang khắp bốn phương. Liên tục trong nhiều ngày cứ hát như vậy khiến các tăng nhân không ngủ được; họ rất khó chịu nên đã chặt cái cây đó đi. Sau khi cây đổ, xuất hiện một việc kỳ lạ, dưới gốc cây mọc lên một cây cỏ linh chi lớn màu tím, cao chừng 30cm.

Trong vùng có một người tên Tăng Đức Thái, đã lớn tuổi nhưng không có con, ông bàn với vợ: “Hay là mình cúng dường Ngô Tăng Già một bữa cơm, cầu xin ông cho con”. Hai người chỉ mới thương lượng chưa kịp tìm tới chùa thì sáng hôm sau Ngô Tăng Già đột nhiên đẩy cửa bước vào. Điều này khiến Tăng Đức Thái vô cùng ngạc nhiên, dường như Ngô Tăng Già đã hiểu rõ tâm ý của hai vợ chồng. 

Hai vợ chồng họ rất cung kính mời cao tăng dùng cơm chay. Sau khi ăn xong Ngô Tăng Già nói với Tăng Đức Thái: “Cảm ơn bữa cơm này của ông. Ta báo đáp ông như thế nào nhỉ? Tặng ông hai hạt châu nhé”. Quả nhiên sau đó hai vợ chồng họ sinh được hai người con.

Những lời nói ‘vu vơ’ đều thành sự thật

Huyện Vu Đô vốn có một cái chợ ở Nam Châu; bên ngoài huyện thành là một cánh đồng hoang vu. Một lần nọ, khi Ngô Tăng Già đi qua cổng huyện thành thì nói rằng: “Sau này nơi đây là nước”. Về sau quả nhiên nơi đây xảy ra trận lụt lớn, ngập hết vùng Nam Châu; chợ phải di dời đến ngoài cửa nam của huyện thành. 

Vị tăng điên mà không phải điên

Vị tăng điên nhưng thực ra đã tu luyện được rất cao thâm
Vị tăng điên nhưng thực ra đã tu luyện được rất cao thâm (ảnh Sina)

Tại Vu Đô có một người học kinh Phật tên là Tôn Đức Tuấn. Một lần nọ ông ta tới Vũ Bình, Đinh Châu (Nay là Long Nham Phúc kIến) để bái kiến pháp sư Định Ứng của chùa Khánh Nam. Pháp sư nói với ông ta: “Nơi ông ở có Phật rồi, sao còn bỏ gần cầu xa tới bái kiến ta làm gì?” 

Tôn Đức Tuấn hỏi: “Ai là Phật ạ?” Định pháp sư trả lời: “Pháp đệ Ngô Tăng Già của ta đó, hãy thay ta mang cho đệ ấy chút lễ vật”. Nói rồi pháp sư mang một cây quạt đưa cho ông ta. Khi Tôn Đức Tuấn mang quạt về tới Vu Đô, thuyền vừa cập bến thì Ngô Tăng Già đã tới. Ông nói: “Cây quạt sư huynh ta nhờ ông mang tới cho ta ở đâu vậy?”. Tôn Đức Tuấn để quạt lẫn lộn trong đống mấy chục cái quạt, nhưng Ngô Tăng Già chỉ lấy đúng cái quạt mà sư huynh mình gửi. Từ đó mọi người ít gọi ông là tăng điên mà đều gọi là Phật sống. 

Tu luyện công thành viên mãn

Một tối nọ, ông tới thăm các tăng nhân trong chùa, mỗi lần gặp đều nói với mọi người: “Trân trọng, trân trọng”, chúng tăng đều im lặng, không hiểu nghĩa là gì. Tối đó, Ngô Tăng Già ngồi xếp bằng trên bồ đoàn rồi viên tịch. Đó là ngày 6 tháng 6 năm Tường Phù thứ hai thời Tống Chân Tông (năm 1009). 

Vào ngày hôm đó, có thương nhân ở Vu Đô, đi làm ăn ở Tứ Xuyên, khi ngồi trên cầu thì gặp Ngô Tăng Già và hỏi ông: “Ông đi đâu?” Tăng Già khom lưng đi rất nhanh và nói: “Ta có chút việc, có chút việc”. Khi thương nhân này về đến nhà ở Vu Đô thì mới biết Ngô Tăng Già đã viên tịch. Sau khi ông viên tịch, một mùi thơm kỳ lạ tràn ngập căn phòng trong nhiều ngày. Chúng tăng bàn bạc không hỏa táng di thể ông mà lưu lại nhục thân.

Tài liệu tham khảo: “Di kiên chí” của Hồng Mại vào thời Nam Tống. 

Theo Sound of hope