38 năm chưa biết mặt bố, oán hận hay buông bỏ?
38 tuổi, đồng nghĩa 38 năm chưa biết mặt bố dù bố không ở đâu xa. Tuy thờ ơ nhưng trong tôi ẩn chứa sự oán trách khi bị bố bỏ rơi. Tôi băn khoăn oán hận này giữ hay buông bỏ?
- Có dễ buông bỏ oán hận với người chồng không chung thủy?
- Phật Pháp hóa giải tâm oán hận của người phụ nữ bất hạnh
Nội dung chính
Đọc trộm nhật ký mới hiểu nỗi khổ đau của mẹ
Từ bé, khi có chút suy nghĩ, tôi hiểu mình thiếu vắng sự quan tâm, ấm áp nào đó từ gia đình. Lớn hơn một chút, mẹ không kể điều gì. Tôi hiểu chút chuyện là do bạn của mẹ kể. Lớn chút nữa, tôi đọc trộm nhật ký của mẹ. Thì ra, hoàn cảnh của tôi thật đáng thương.
Mẹ tôi là con gái duy nhất của ông ngoại. Ông có hai bà vợ nhưng mỗi bà chỉ sinh được một cô con gái. Ông làm nghề đóng cối xay lúa và xem tử vi bằng sách chữ Hán. Năm mẹ tôi 18 tuổi, trong làng có anh chàng bị mắc căn bệnh sâu chân, tìm đến ông ngoại nhờ giúp đỡ. Vì cảm ơn ông mà người này thường xuyên qua lại. Mẹ tôi và người này sau nảy sinh tình cảm. Ông ngoại biết chuyện đã ngăn cản vì lá số tử vi cho biết hai tuổi đó không thể chung sống. Mẹ tôi vẫn một mực cương quyết.
3 tháng sau hôn nhân, người chồng ấy có người khác và muốn chia tay với mẹ tôi. Gia đình họ chưa tìm được lý do hợp lý cho việc ly hôn thì xảy ra một chuyện. Nhà cô chồng bị mất vàng sau khi mẹ tôi đến nhà chơi. Mọi người đều nghi ngờ lẫn nhau. Mẹ tôi muốn khẳng định là mình không lấy, đã đề nghị những ai có mặt hôm ấy lên chùa thề. Chỉ mình mẹ thề: “nếu con lấy số vàng đó sẽ chết ngay tại đây”. Mọi người đều im lặng và ra về.
Cuộc đời của mẹ vẫn là những chuỗi ngày nhẫn chịu, đau khổ
Gia đình nhà chồng đối xử cay nghiệt với mẹ. Ngày nắng cũng như ngày mưa, mẹ phải làm mọi công việc trong gia đình… Khi mẹ mang thai tôi, bà nội còn nghi ngờ tôi không phải là con của con trai bà. Sau bao ngày cay đắng chịu đựng, cuối cùng cuộc hôn nhân của mẹ đã kết thúc khi tôi chưa kịp chào đời.
Mẹ viết trong cuốn nhật ký: “nếu mẹ sinh con là con gái, mẹ sẽ đặt tên con là Hiền. Đó là tính cách mà từ bé đến lớn mẹ đã sống như vậy. Mẹ cũng mong con hiền dịu, đáng yêu như cái tên của con. Nếu là con trai, mẹ sẽ đặt tên là Nguyện, mẹ nguyện suốt đời vì con mà sống.”
Mẹ tôi sau đó đã đi bước nữa. Mẹ sinh thêm được hai em trai. Cuộc sống của mẹ không lấy gì làm hạnh phúc. Bố nuôi tôi tính nết nóng nảy, hồi trẻ hay đánh mẹ tôi, bây giờ có tuổi đã đỡ hơn nhiều. Mẹ tôi vẫn một mực nhẫn chịu và chăm lo cho gia đình. Sau cú sốc lớn về tình cảm, mẹ trở nên trầm tính, gương mặt mẹ hiếm có một nụ cười. Thương mẹ tôi chỉ biết giấu trong lòng. Nhiều khi thầm nghĩ: “mẹ thật nhẫn quá giỏi, nếu là tôi thì tôi không thèm lấy chồng nữa…”
38 năm chưa biết mặt bố dù bố ở ngay gần bên
Năm nay tôi 38 tuổi, cũng đồng nghĩa 38 năm chưa biết mặt bố. Tôi không biết nhà bố ở đâu, tôi cũng không biết bố làm gì, sống ra sao. Không ai nói cho tôi biết và tôi cũng không cần biết.
Tôi nhớ hồi học mẫu giáo, tôi đi chơi thì gặp bà nội, bà cho tôi gói kẹo. Về nhà, mẹ tôi nghiêm khắc không cho tôi lần sau nhận bất kỳ thứ gì từ bà. Mẹ mua gói khác đem trả lại.
Lớn lên, vì hoàn cảnh khó khăn, tôi chỉ học hết cấp 3, rồi đi làm. Tôi nuôi một ước mơ, đi làm mấy năm, dành ít tiền sẽ theo học tiếp. Nhưng ước mơ này không thực hiện được vì tôi sớm bước vào yêu đương, rồi lấy chồng, sinh con…
Có cô bạn nói với tôi: “Nếu mày nhận bố, bố mày sẽ cho vàng, cho tiền, sẽ có một cơ hội tốt”. Bố tôi thông qua cô bạn để đánh tiếng với tôi như vậy. Người lớn làm sai thì thuộc về người lớn, trẻ con có tội gì, sao bố không một lần đến tìm tôi? 38 năm chưa biết mặt bố là 38 năm biền biệt như vậy. Chẳng biết bố có biết mặt tôi? Tôi cho rằng bố là người không đàng hoàng nên mới không chịu nhận tôi…
Giữ lại nỗi hận hay buông bỏ sau 38 năm chưa biết mặt bố?
Nếu ai rơi vào hoàn cảnh như tôi, liệu có mang nỗi oán hận cha mình? Hiện giờ là 38 năm chưa biết mặt bố, cũng không biết sẽ là bao nhiêu năm nữa. Có thể cả đời này tôi cũng không biết mặt bố, đồng nghĩa cả đời này tôi ôm nỗi hận đó.
Tôi hận bố để mẹ sống một cuộc đời khổ cực… Còn tôi, không có được tình yêu thương của bố, không đủ sự giáo dục của bố mẹ. Dù có bố nuôi, nhưng học hành không đến nơi, mọi thứ đều lỡ dở. Đi đâu, làm gì, đều có ai đó để ý, chỉ trỏ, hay hỏi han, thậm chí buông lời: “Nó không có bố…”
Có một đoạn thời gian gần đây, chồng tôi hay nói đưa cả nhà lên Vĩnh Phúc nhận bố. Quê tôi ở Mỹ Hào, Hưng Yên, tôi nghe người ta nói bố tôi sống ở Vĩnh Phúc, làm quan chức gì đó. Cụm từ “nhận bố”, khiến tôi thấy bực mình. Tôi với chồng: “Lên làm gì? Không quan tâm…”
Mấy hôm đó, trong tâm tôi có chút dao động. Phải chăng Sư phụ điểm hóa cho tôi đã đến lúc buông bỏ nhân tâm này? Bởi tôi là một người tu luyện theo Chân Thiện Nhẫn. Sư phụ Lý dạy đệ tử của mình phải biết yêu ngay cả kẻ thù của mình, phải biết nghĩ cho người khác… Có thể bố tôi có nỗi khổ tâm nào đó. Dù bố đúng hay sai đó không phải là vấn đề; vấn đề là tôi phải buông bỏ nhân tâm này: không oán, không hận, chỉ lấy từ bi mà đối đãi…
Cơ duyên biết đến Pháp môn tu luyện giữa đời thường
Năm 2015, khi làm ở khu Công ty Thăng Long 2, một em nói với tôi: “Chị có bị đại tràng hay dạ dầy không mà nhìn chị gầy thế?” Tôi nói có. Em nói giống em.
Năm 2019, tôi gặp lại em thì ngạc nhiên, em béo ra, hồng hào, khỏe mạnh. Tôi hỏi: “Em hết bệnh rồi sao?” Em hồ hởi kể: “Vâng, em khỏi hết bệnh rồi, nhờ tập pháp môn tốt lắm”. Rồi em nói về Pháp Luân Công tốt ra sao, vì sao lại hết bệnh, vì sao lại bị đàn áp bên Trung Quốc,… Sau đó, em tặng tôi tờ giới thiệu, hướng dẫn tôi đọc sách, luyện công thế nào,… Tôi không chú tâm lắm, chỉ thích đoạn nào nói về chữa bệnh…
Đọc sách, tôi thấy chẳng có liên quan đến trị bệnh mà chỉ là dạy con người trở thành người tốt. Tôi chỉ thích luyện 5 bài công pháp và cố gắng tập luyện mong khỏi bệnh. Tôi không có trải nghiệm nhiều như các học viên khác chia sẻ. Nhìn chung, tôi thấy mọi thứ đều bình thường.
Luyện một thời gian, tôi phát hiện bệnh đại tràng, dạ dầy không còn nữa. Không thấy cơn đau, không phải ăn uống kiêng khem gì. Mừng quá, tôi lại càng chịu khó tập mà không hiểu rằng trọng tâm là việc tu tâm.
Đã đến lúc buông bỏ nỗi oán hận nhờ chân chính tu luyện theo Chân Thiện Nhẫn
Nhờ các buổi học Pháp tập trung, qua sự chia sẻ của các học viên, tôi mới hiểu chân chính tu luyện là thế nào. Pháp Luân Công chú trọng chữ tu, chữ luyện đứng sau. Chỉ khi tâm tính đề cao, buông bỏ hết thảy nhân tâm, tâm chấp trước nơi người thường, mới có thể đề cao, thăng hoa và đạt được kết quả viên mãn…
Tôi bắt đầu thay đổi tâm tính của mình từ mọi vấn đề trong cuộc sống. Đối đãi với chồng con, mọi người trong gia đình theo đúng tiêu chuẩn người tu Chân Thiện Nhẫn. Chồng tôi nói với mọi người mỗi khi thấy tôi tặng ai đó tờ giới thiệu pháp môn. “Tập môn này tốt lắm. Vợ tôi không còn nóng tính, tâm tính tốt hơn, sức khỏe tốt hơn”. Tu luyện là chặng đường dài, cũng nhiều khi anh phàn nàn vì tôi chưa cân bằng tốt thời gian cho gia đình và tu luyện. Tôi phải nỗ lực mỗi ngày mới xứng là người tu luyện Đại Pháp.
Còn nỗi oán hận 38 năm chưa biết mặt bố mà tôi mang theo, tưởng phải theo cùng nấm mồ thì nay nhờ tu luyện Đại Pháp, tôi hiểu đã đến lúc tôi cần buông bỏ. Khi lấy tâm bình hòa, từ bi đối đãi sự việc ấy, tự nhiên nỗi oán hận ấy bay đi đâu mất. Tôi hiểu ra, tâm này đã gỡ bỏ khi tôi thực sự muốn đề cao. Dù bố có nhận hay không đã không còn quan trọng với tôi nữa. Tôi sống những ngày an nhiên với cuộc đời và tu luyện tốt bản thân. Tôi Phạm Thị Hiền, sinh năm 1984, sống tại Mỹ Hào, Hưng Yên. Tôi nhận thấy Pháp Luân Công thật là tốt, giúp con người có được cả về sức khoẻ lẫn tâm hồn thiện lương. Tôi rất vui lòng chia sẻ Pháp môn này với bạn đọc nào quan tâm đến Pháp Luân Công. Số điện thoại của tôi là 038 5850759.