Sự chân thành của cha dượng đã đánh thức lương tri tôi
Sau khi cha tôi mất được ba năm thì cha dượng đã đến nhà tôi. So với người cha của tôi thì ông ấy tầm thường đến nỗi chẳng có ưu điểm gì đáng để nói đến. Nhưng mà mẹ tôi cần một người để bầu bạn; mẹ tôi cũng đã ngoài 50, bà chỉ cần một người có phẩm cách tốt là được rồi.
- Vạn sự tùy duyên, cứ an nhiên mà vui sống
- Sự ân hận của một người mẹ: Nếu có thể dạy dỗ lại con, tôi sẽ không làm như vậy
Nội dung chính
Con người hiền lành chất phác
Nói về nhân cách thì cha dượng lại có đủ điều kiện; bởi ông nổi tiếng gần xa là người thật thà chất phác. Vào hôm đầu tiên gặp mẹ tôi ông đã rất bối rối.
Bởi nhà ông rất chật, ông lại là một công nhân về hưu với tiền lương ít ỏi. Hơn nữa nhà cậu con trai vừa mới kết hôn cũng cần sự giúp đỡ của ông. Vậy mà mẹ tôi lại có thiện cảm với ông, vì ông nấu ăn rất ngon.
Sau khi gặp mặt, ông ấy nói: “Bà Hồng này, tôi biết điều kiện của bà rất tốt chẳng thiếu gì; thật tôi cũng không có gì đáng giá để tặng bà. Nhưng dù sao bà cũng đến đây rồi; bà ở lại dùng bữa cơm đạm bạc với tôi nhé!”
Tấm lòng chân thành của ông khiến mẹ tôi không nỡ từ chối nên bà đã ở lại. Ông không để bà phải động tay làm gì; ông chỉ làm một lát là đã xong một bát canh với bốn loại rau; đặc biệt là món bí ngô nấu thịt mẹ tôi rất thích ăn.
Trước khi đi về ông nói với mẹ tôi rằng: “Sau này có thời gian bà cứ đến đây tôi lại nấu cho bà ăn. Nhà tôi tuy không khá giả gì nhưng đãi bà món bí ngô thì không có vấn đề gì”.
Chỉ vậy thôi mà mẹ tôi đã xiêu lòng, lý do thì thực ra cũng hơi ích kỷ. Mẹ tôi đã phục vụ và chăm sóc cho ba tôi hơn nửa đời người rồi; bà muốn một lần được người khác chăm sóc cho mình. Cứ như vậy, ông ấy và mẹ tôi đã đến với nhau…
Sự thật thà của cha dượng khiến tôi thấy mình thật vô liêm sỉ
Tôi thì thực ra vẫn có sự coi thường ông, tôi nghĩ gia cảnh hai nhà cách biệt nhau quá lớn; chỉ vì muốn mẹ vui nên tôi không nói gì. Vào hôm gặp mặt hai gia đình, có tôi, mẹ tôi, ông ấy cùng với gia đình ba người của con trai ông. Tôi cố tình sắp xếp bữa ăn tối ở một nhà hàng khá sang trọng. Bề ngoài thì tỏ ra là sự tôn trọng đối với ông ấy, nhưng thực ra tôi đang muốn thể hiện đẳng cấp của mình.
Sau khi ăn xong rời khỏi nhà hàng ông ấy nói với tôi: “Từ nay chúng ta đã là người nhà với nhau rồi, là hai cha con đấy! Sau này nếu con muốn mời cha ăn cơm thì chỉ cần đi đến những quán ăn ven đường là được rồi; ở đó cha ăn sẽ thoải mái hơn và không cảm thấy tiếc tiền”.
Sự chân thành của ông đã làm tổn thương cái tâm hư vinh giả dối của tôi; đấu trí với một người thật thà như cha dượng của tôi thì thật là vô liêm sỉ.
Cha dượng tôi nấu ăn thực sự rất ngon. Một lần nọ khi đang ăn cơm, không nhịn được nên tôi đã nói với vợ: “Lần sau khi chú Phúc nấu cơm, em hãy xem thử để học hỏi một chút”. Tôi thấy sắc mặt vợ tôi có phần khó chịu.
Ông luôn nhún nhường người khác
Thấy vậy cha dượng lại phải đứng ra giảng hòa, ông nói: “Một đời này của cha đều không làm được gì ra hồn cả; chỉ biết nấu một vài món ăn tạm được. Các con đều là người làm chuyện lớn, tuyệt đối đừng học theo cha. Nếu như muốn ăn món gì thì cứ đến đây cha lại nấu cho các con ăn”.
Hôm chúng tôi ra về, ông đã gói rất nhiều đồ ăn do ông tự nấu bảo chúng tôi mang về. Ông vừa cầm tay tôi vừa nói: “Đừng có khen cha nấu ngon nữa. Nói thật lòng, hễ ai khen vậy thì cha lại ngại lắm. Một người đàn ông mà lại chỉ biết nấu ăn, đây đâu thể gọi là ưu điểm gì được…”
Trên đường về nhà, tôi đã kể cho vợ nghe những lời này của ông. Vợ tôi nói: “Người như ông ta thì cả đời phải phục vụ người khác là đúng rồi. Mẹ chúng ta thật là may mắn, về già rồi lại được cung phụng như bà hoàng”. Tôi biết vợ tôi khinh thường ông, cũng như tôi đã từng khinh thường ông, nên tôi không nói gì.
Càng ngày tôi càng có thiện cảm với cha dượng
Hôm tôi dọn sang nhà mới, ông và mẹ đến giúp tôi cúng đất đai, làm mọi thứ theo đúng tập tục. Nhưng đến lúc ăn cơm thì lại không thấy ông đâu. Đến lúc khách khứa về hết thì lại thấy ông xuất hiện. Ông giúp dọn dẹp bát đĩa rồi gói hết đồ ăn thừa để mang về nhà ăn.
Mẹ tôi cảm thấy tủi thân thay cho ông. Ông nói thầm với mẹ tôi: “Để tối anh nấu cho em cái mới, cái này cứ để anh ăn”.
Mẹ tôi nói: “Anh việc gì phải làm như thế? Anh có biết anh làm như thế thì em cảm thấy rất khó chịu không?”
Cha dượng an ủi mẹ tôi: “Em đừng khó chịu mà làm gì, để lãng phí đồ ăn thì anh còn cảm thấy khó chịu hơn. Tiền của Tân (tên của tôi) phải vất vả lắm mới kiếm được; chúng ta không giúp nó được gì thì cũng phải ráng tiết kiệm cho nó”.
Mẹ kể lại cho tôi chuyện này khiến tôi cảm thấy có cái gì đó trong lòng; tôi cảm thấy rất xấu hổ. Càng ngày tôi càng có thiện cảm với ông hơn.
Ông ấy âm thầm làm rất nhiều chuyện giúp chúng tôi: Thay ống nước bị hư trong nhà; hàng ngày đưa cháu đến trường rồi đưa về. Khi mẹ nằm viện ông luôn túc trực ở bên; mãi đến khi mẹ xuất viện rồi ông mới báo cho chúng tôi biết.
Bi kịch bắt đầu đến với ông
Vậy mà ông lại đổ bệnh, hơn nữa còn rất nghiêm trọng. Trong lúc đưa con tôi đến nhà trẻ thì ông bị tai biến mạch máu não và ngã xuống đường; bán thân bất toại nằm liệt trên giường.
Chúng tôi đều cố sức chăm sóc cho ông, mong ông có thể khỏe lại. Nhưng ông không thể đi lại bình thường được nữa. Ông trở nên yếu ớt và lúc nào cũng chảy nước mắt. Mẹ chăm sóc cho ông, ông khóc; chúng tôi đẩy xe lăn cho ông đi dạo, ông khóc; ông nằm viện thấy tốn nhiều tiền quá ông cũng khóc.
Vậy mà con trai của ông lại bỏ ông. Những lần ghé thăm của anh ta cứ thưa dần; rồi sau này không còn thấy đâu nữa. Mỗi lần gọi điện anh ta đều nói là đang đi công tác và sẽ trở về ghé thăm sau.
Nhưng bi kịch của ông chưa hết, ngay cả mẹ tôi cũng muốn chia tay với ông. Mẹ nói hai người chưa đăng ký kết hôn, nên giờ chỉ cần ai về nhà nấy là xong. Mẹ tôi nói: “Mẹ già rồi, không lo nổi cho ông ấy. Mẹ đã không giúp được gì cho con, mẹ không muốn mang một người cha tàn phế về cho con chăm sóc”.
Lúc này tôi mới hiểu, bao năm qua mẹ vẫn chỉ giữ sự ích kỷ của mình, mẹ chỉ cần một người chăm sóc cho mình… hiện thực sao thật tàn nhẫn!
Tôi phải làm một việc nhẫn tâm
Tôi không muốn mẹ tôi đóng vai ác, nên đành phải thay mẹ đến nói khéo với cha dượng: “Chú Phúc, mẹ con bệnh rồi”. Nước mắt của ông lại tuôn trào như mưa. Tôi gắng sức nói thêm mấy lời tàn nhẫn: “Chú biết đấy, mẹ con cũng có tuổi rồi. Những ngày này bà ấy đối xử với chú như thế nào chú cũng biết rồi”. Ông lại chảy nước mắt.
Tôi nói tiếp: “Chú Phúc, chúng con phải đi làm, mẹ con sức khỏe lại không tốt. Chú xem như này có được không, sau khi xuất viện, chú hãy về nhà của chú, con sẽ thuê một người giúp việc cho chú. Đương nhiên tiền con sẽ trả hết, con sẽ thường xuyên đến thăm chú”.
Khi nói đến đây thì chú không khóc nữa. Chú gật đầu liên hồi rồi xúc động nói: “Nếu được như vậy thì tốt quá; nếu được như vậy thì thật là tốt quá. Không cần thuê người giúp việc đâu, thật sự không cần…”
Tôi bước ra khuôn viên của bệnh viện mà chảy nước mắt; không rõ đó là cảm giác nhẹ nhõm sau khi được giải thoát; hay là trong lòng có nỗi day dứt không nói thành lời.
Tôi thuê một người giúp việc để chăm sóc cho ông, trả trước chi phí một năm. Tôi còn thuê người đến sửa sang lại nhà cho ông. Tôi cố gắng sống trọn nghĩa. Không phải vì ông, mà để an ủi nỗi bất an trong lòng tôi.
Từ lúc nào chúng tôi đã coi ông là một người thân của mình
Ngày tết không có ông ở nhà, chúng tôi cảm thấy có một chút buồn tẻ; không còn một người bằng lòng vùi đầu trong bếp làm đủ các món ăn ngon cho chúng tôi. Chúng tôi ăn tất niên ở nhà hàng, nhưng sao không cảm thấy sự ấm áp của sự sum họp gia đình. Con trai trên đường về nhà nói với tôi: “Con muốn ăn món cá chép do ông nội làm”.
Vợ tôi lườm để con trai đừng nói nữa, nhưng nó lại nói dữ dội hơn: “Tại sao mọi người không để ông nội về nhà đón tết, mọi người thật đúng là xấu xa!”
Vợ tôi tức giận tát cho con trai một cái thật mạnh làm nó òa khóc. Nhưng có lẽ tôi còn đau hơn, cái tát đó như là tát vào mặt tôi vậy. Một câu nói của con trai đã khiến cho điều chúng tôi tự thấy an ủi đều đã sụp đổ tan tành.
Tôi nhìn qua kính chiếu hậu thấy mắt mẹ cũng đang đỏ hoe. Ngày 30 tết thật buồn biết mấy. Tôi thấy nhớ tết năm ngoái, khi cha dượng vẫn còn ở nhà chúng tôi; không khí lúc đó thật ấm cúng biết bao.
Sau khi đón giao thừa xong, tôi lái xe đến chỗ chú Phúc. Ông bước những bước chân tập tễnh ra mở cửa cho tôi. Nhìn thấy tôi, miệng ông nở nụ cười nhưng mắt lại đẫm lệ.
Cha dượng cô độc trong căn nhà lạnh lẽo
Đi vào ngôi nhà lạnh lẽo của ông, tôi cũng không kìm được nước mắt, đành phải quay ra chỗ khác để lau vội đi. Tôi bắt đầu đồ xôi và kho cho ông một nồi thịt. Người giúp việc đã về nhà đón tết, trong tủ lạnh đã chuẩn bị sẵn đồ điểm tâm cho ông dùng đến ngày 15.
Đồ ăn nấu xong, chúng tôi cùng ngồi ăn. Ông cứ ăn một miếng thì nước mắt lại lăn dài trên má; còn tôi thì nước mắt mọng lên cũng chỉ chực rơi xuống.
Sáng ngày mùng một tôi lảo đảo rời khỏi nhà ông, tôi đã uống rượu. Tôi đậu xe ngay dưới nhà của ông, một mình trên con đường lạnh lẽo không một bóng người, trong lòng thê lương…
Điện thoại reo lên, là vợ tôi gọi đến: “Anh đã đi đâu vậy hả?”.
Tôi bỗng nhiên phát hỏa: “Tôi đang ở nhà của một ông già cô độc, cô nghe rõ chưa? Chúng ta là loại người gì vậy hả? Khi ông ấy còn khỏe mạnh thì chúng ta lợi dụng ông ta; bây giờ ông ấy bệnh tật thì lại gửi trả về. Lương tâm của chúng ta đã bị chó tha mất rồi; vậy mà còn bày đặt nói chuyện đạo đức, tôi khinh!”
Tôi tắt điện thoại rồi lại tự chửi mắng chính mình, vừa chửi vừa khóc, khóc cho thật đã. Tôi không chút do dự chạy trở lại nhà của ông, cõng ông trên lưng rồi đi ra bên ngoài. Ông ngạc nhiên hỏi tôi: “Con làm sao vậy?”
Tôi nói chắc nịch với ông: “Chúng ta về nhà”.
Tôi làm theo lương tâm của mình mách bảo
Vậy là cha dượng đã trở về. Người cảm thấy vui nhất là con trai tôi. Nó vừa ôm vừa hôn ông; luôn miệng đòi ăn món cá chép; đòi ăn mì bò; muốn làm thẻ siêu nhân.
Vợ tôi trách tôi: “Anh điên rồi sao? Ngay cả con trai ông ta còn không lo cho ông ta; anh dẫn ông ta về nhà làm gì?”
Lúc này tôi đã bình tĩnh rồi, không còn nóng giận nữa, tôi nói: “Con trai ông ấy không đúng, đó là chuyện của anh ta; không nên lấy đó làm cớ để bỏ rơi ông ấy. Anh không yêu cầu em phải xem ông ấy như cha chồng của mình. Nhưng nếu như em yêu anh, nếu như em biết nghĩ cho anh, thì hãy xem ông ấy như người nhà. Bởi trong lòng anh thì ông ấy chính là người nhà, chính là người thân. Bỏ rơi ông ấy thì rất dễ dàng, nhưng làm sao giấu nổi sự day dứt trong tâm. Anh muốn tâm mình được thanh thản một chút, chỉ đơn giản vậy thôi”.
Thật may là tôi còn kịp sửa đổi
Khi tôi nói những lời này với mẹ, bà vừa khóc vừa nắm chặt tay tôi mà nói rằng: “Mẹ không ngờ con lại tình nghĩa như vậy…”
Tôi nói với mẹ: “Mẹ yên tâm đi. Nói hơi khó nghe một chút, nếu sau này mẹ có đi trước chú ấy thì con cũng sẽ phụng dưỡng chú ấy đến cuối đời. Với thu nhập của con hiện giờ, nuôi chú ấy nào có gì khó? Thêm một người thân thì có gì không tốt chứ?”.
Một lúc sau, con trai tôi đi vào xin tôi: “Cha ơi, đừng có gửi ông nội về đâu nữa. Sau này, con sẽ chăm sóc ông. Sau này cha già rồi, con cũng chăm sóc cha mà!”.Tôi ôm con trai vào lòng, trống ngực đập thình thịch. Thật may là vẫn chưa quá muộn; còn may là chưa để lại một ấn tượng bất hiếu trong lòng của con. Tôi nói: “Ông nội mà, chính là để cho chúng ta yêu thương, sao lại gửi đi đâu được nữa!”.
Nguồn: Facebook