Lễ phép là ‘bằng cấp’ đầu tiên mà mỗi người nên có
‘Lễ phép’ như chiếc áo khoác bên ngoài giúp người khác có thể dễ dàng đánh giá bạn là người như thế nào. Có người cho rằng không nên chú trọng quá vào lễ nghĩa, chỉ cần nhìn vào trong Tâm là được rồi. Nhưng bạn nên biết không phải ai cũng có nhiều thời gian để tìm hiểu xem Tâm của bạn như thế nào; lễ phép vẫn là ‘bằng cấp’ đầu tiên mà mọi người nên có.
- Mạn đàm về quy tắc giao tiếp giữa người với người: Dĩ hòa vi quý
- Bạn có là người quân tử không? 8 phẩm chất của người quân tử
Nội dung chính
Nhìn vào một bữa ăn có thể đoán biết một người
Một nhà giáo dục từng nói: “Nếu muốn biết 30 năm sau con của bạn là người như thế nào, làm công việc gì; kết hôn với kiểu người nào, đạt được thành tựu gì, thuộc giai tầng nào của xã hội… thì chỉ cần nhìn vào cách bạn giáo dục con là đủ hiểu”.
Ở trên mạng từng có một câu chuyện kể rằng: “Hôm thứ bảy vừa rồi, tôi có ăn cơm cùng một số người bạn. Trong đó có một cặp vợ chồng dẫn theo cậu con trai 3 tuổi. Trong bữa ăn cậu bé này không lúc nào ngồi yên, luôn tay luôn chân nghịch ngợm và quậy phá. Tôi hỏi người mẹ: ‘Có phải hai vợ chồng ít mang con đi theo khi đi ăn bên ngoài lắm phải không?’.
Người mẹ trả lời: ‘Dạ không, nhà em cũng hay dẫn con đi ăn bên ngoài lắm!’”.
Vậy là cậu bé không phải thiếu cơ hội tiếp xúc với bên ngoài mà là thiếu lễ phép trên bàn ăn.
Lễ phép trên bàn ăn là đến từ sự giáo dục của gia đình
Có lần tôi tham gia một bữa tiệc, trong đó có một cậu bé học tiểu học. Mỗi lần muốn ăn món gì là cậu lại bê nguyên chiếc đĩa về phía mình. Có người đưa đũa ra định gắp món kia, ai ngờ bị cậu cầm chiếc đĩa đi mất; làm chiếc đũa chưng hửng trên không, thật là xấu hổ. Thức ăn thì ít mà người thì nhiều, có người thì không dám gắp thức ăn; còn cậu bé thì gắp nhiều quá đến mức ăn không hết đành phải bỏ đi.
Mẹ của cậu bé thì liên tục khen con mình; nào là học giỏi, thành tích các môn đều cao, làm lớp trưởng; rồi còn cho con học thêm ở trung tâm ngoại ngữ này kia…
Cứ với cách giáo dục như thế thì hỏi 30 năm nữa cậu bé sẽ thành người như thế nào? Cậu bé đã bị trượt chân ngay từ bài học ‘lễ phép’ rồi.
Dù là ở giai tầng xã hội nào, người không có lễ phép sẽ khiến người khác cảm thấy rất ‘chướng mắt’. Chưa cần biết người đó tài giỏi ra sao, chỉ cần vài cử chỉ và lời nói bên ngoài đã khiến người khác có đánh giá rồi.
Đặc biệt là đối với người phương Đông thì bữa ăn thường mang nhiều ý nghĩa. Chúng ta hàng ngày đều có tiếp xúc và các mối quan hệ với những người xung quanh mình; mà bàn ăn là nơi giao lưu quan trọng để phát triển mối quan hệ giữa người với người.
Lễ nghi trên bàn ăn là điều không thể thiếu
Có câu nói: “Việc giáo dục trẻ chính thức là trên bàn ăn; hành vi của trẻ trên bàn ăn là thể hiện tố chất của cha mẹ”, câu này thực sự cũng không phải là nói quá. Có bậc cha mẹ cho rằng, vì trẻ còn nhỏ nên việc này chưa cần thiết; thực ra đợi đến khi trẻ đi ra ngoài rồi mới giáo dưỡng thì muộn rồi.
Một đứa trẻ phải học tập gian khổ bao nhiêu năm mới lấy được bằng cấp này kia; nhưng có thể chỉ vì một bữa ăn mà để lại ấn tượng không tốt, từ đó mà mất đi cơ hội việc làm.
Tôi có biết chuyện anh bạn kia, vì muốn chuyển công tác về gần nhà nên có xin với người lãnh đạo của chi nhánh gần nhà. Người này chưa nhận lời ngay mà hẹn ra ăn sáng. Sau buổi ăn sáng đó, vài ngày sau thì người này gọi điện nói lại là ở đây hiện không nhận thêm người được.
Về sau tôi được biết, trong bữa ăn sáng đó, anh bạn tôi ăn thì chậm chạp; lại còn đòi hỏi hết cái này đến cái nọ; khiến chủ quán phải chạy đi chạy lại mấy lượt mới phục vụ xong cho anh ta. Người lãnh đạo kia thì chỉ cúi đầu ăn không yêu cầu gì cả; và do ăn xong trước nên người này còn đi trả tiền cho cả hai. Tới đây thì tôi cũng không ngạc nhiên khi anh bạn tôi bị từ chối.
Lễ phép là ‘bằng cấp’ đầu tiên mà mỗi người nên có
Trong xã hội xưa, “Lễ” có tác dụng duy trì hình thái xã hội, củng cố chế độ; điều chỉnh quy phạm và chuẩn tắc về quyền lợi, nghĩa vụ và mối quan hệ xã hội giữa người với người. Lễ đã là một trong những cội nguồn và cũng là một phần trọng yếu hình thành nên thể chế pháp luật thời xưa.
Khổng Tử từng nói: “Dùng đạo đức giáo hóa dẫn dắt bách tính; dùng lễ chế để thống nhất ngôn ngữ hành vi của bách tính; bách tính không những có lòng liêm sỉ, mà còn giữ gìn quy củ”.
Mạnh Tử đem “Nhân, nghĩa, lễ, trí” làm quy phạm đạo đức căn bản. Lễ là thể hiện của lòng khiêm tốn; nó trở thành một trong những đức hạnh được coi trọng của con người. Ông cho rằng, Lễ là yếu tố khiến một người sang quý hay bần tiện, lớn hay nhỏ có được vị trí thỏa đáng của mình trong xã hội.
Dù là thời xưa hay thời nay thì một người lễ phép, hiểu biết và tuân thủ lễ nghĩa vẫn luôn được mọi người coi trọng và đề cao.
Theo Vạn Điều Hay