Diêm Vương phán xử 5 vị hòa thượng: Vì sao không được tùy tiện giải thích kinh Phật
Vào thời mạt Pháp, có rất nhiều hiện tượng loạn bậy xảy ra nhưng người đời cũng khó phân biệt được đúng sai, đôi khi còn tiếp tay cho nó mà không hay. Câu chuyện Diêm Vương phán xử 5 vị hòa thượng dưới đây cho thấy, con người không thể cứ tùy tiện muốn làm gì thì liền làm nấy.
- Tại sao vị tăng nhân không thể học thuộc hai cuốn Kinh Phật cuối cùng?
- Tăng nhân trộm đồ trong chùa, quả báo cả lúc sống và sau khi chết
Nội dung chính
Diêm Vương phán xử 5 vị hòa thượng
Vào thời Nam Bắc Triều, tại vùng biên giới Bắc Ngụy, có một vị hòa thượng tên là Tuệ Nghi ở tại chùa Sùng Chính. Một ngày nọ, vị hòa thượng này đột nhiên qua đời, 7 ngày sau thì lại tỉnh lại.
Sau khi sống lại, ông kể rằng linh hồn đã rời khỏi thân thể; ông cùng với 5 vị hòa thượng khác đi xuống âm phủ gặp Diêm Vương. Bản thân ông là do bị gọi nhầm nên mới được thả cho về. Sau đó, Tuệ Nghi kể về tình hình của 5 vị tăng nhân còn lại ở âm phủ. 5 vị đó lúc sinh thời cũng là hòa thượng trong các chùa tại kinh thành.
Vị thứ nhất là hòa thượng Trí Thông ở chùa Bảo Minh, lúc còn sống ông chuyên tâm đả tọa, chịu khổ tu luyện. Lúc chết đi gặp Diêm Vương kể về cuộc đời của mình, ông liền được bay lên thiên thượng.
Vị thứ hai là hòa thượng Đạo Phẩm tại chùa Bàn Nhược. Ông kể rằng lúc sinh thời từng đọc Niết Bàn Kinh của Phật giáo 40 lần. Sau đó cũng giống như vị hòa thượng đầu tiên được rời khỏi âm phủ bay lên trời.
Giải thích kinh Phật là đang tạo nghiệp
Vị thứ ba là hòa thượng Đàm Mô Tối của chùa Dung Giác. Ông nói với Diêm Vương lúc sinh thời từng chú thích và giảng giải 2 bộ kinh điển của Phật giáo là “Niết Bàn Kinh” và “Hoa Nghiêm Kinh”; số người đến nghe ông thuyết giảng rất đông, có khi hơn ngàn người.
Diêm Vương nghe xong liền nói: “Ngươi kiêu căng khinh người. Đối với một tăng nhân thì đây là hành vi lỗ mãng nhất”.
Đàm Mô Tối lập tức giải thích: “Bần tăng trước giờ chưa hề ngạo mạn; chỉ là yêu thích giảng giải kinh sách Phật giáo, trình bày và phát huy lý luận của Phật Pháp mà thôi”.
Diêm Vương thấy ông ta đến tận lúc này mà vẫn chưa tỉnh ngộ, liền không giải thích nữa mà chỉ nói: “Đem hắn giao cho bộ hình thụ lý”. Ngay lập tức có mười mấy quỷ sai mặc áo xanh tiến lên phía trước, áp giải Đàm Mô Tối vào một tòa nhà có cảnh cổng lớn màu đen ở khu Tây Bắc. Căn phòng đó nhìn qua thì có vẻ là nơi không tốt đẹp gì.
Hòa thượng chỉ lo quyên tiền, lạc vào tham sân si
Vị thứ tư là hòa thượng Đạo Hoằng của chùa Thiền Lâm. Ông ta nói với Diêm Vương lúc còn sống từng giáo hóa thí chủ, để họ quyên tiền tạo được 10 pho tượng Phật bằng vàng.
Diêm vương nghe xong nói: “Ngươi thân là tăng nhân lẽ ra nên lo tu thân dưỡng tâm, ở trong chùa một lòng niệm Kinh Phật, đả tọa tu luyện, khuyên giữ giới luật của Phật giáo, không làm những việc hữu vi. Vậy mà khi ngươi giáo hóa thí chủ, bảo họ quyên thật nhiều tiền, lòng tham cầu tiền tài của ngươi đã nổi lên. Ngươi lòng mang tham niệm, như vậy thì ba loại độc tham, sân, si hẳn nhiên vẫn chưa bị bài trừ. Nay giao người cho bộ hình xử lý”.
Lúc này lại thấy mấy quỷ sai mặc áo xanh khi nãy đi đến áp giải ông ta vào cảnh cổng màu đen.
Dùng tiền bất chính xây chùa
Vị tăng nhân thứ năm tiến lên nói: “Trước khi xuất gia tôi từng làm Thái thú ở Lũng Tây, yêu thích Phật giáo, hiểu rằng tam giới là khổ, Phật quốc mới là an vui, liền quy y vào cửa Phật. Về sau tôi tự bỏ tiền ra xây chùa Linh Giác. Sau khi ngôi chùa hoàn thành, tôi liền từ quan xuất gia làm tăng nhân. Tôi tuy không đả tọa nhập định, cũng không tụng niệm Kinh Phật, nhưng rất mực thành kính lễ Phật”.
Diêm Vương nói: “Ngươi lúc sinh thời làm Thái thú, ăn hối lộ làm trái pháp luật, cướp bóc của cải của người dân chiếm làm của riêng. Tiền bạc ngươi dùng để xây chùa Linh Giác đều do cướp bóc của dân chúng Lũng Tây mà có. Vậy thì còn nói gì đến công đức xây chùa nữa?”.
Sau đó ông ta cũng bị áp giải vào cánh cửa màu đen.
Cuối cùng đến lượt hòa thượng Tuệ Nghi, Diêm Vương vừa tra là biết gọi nhầm người, liền tha không xét xử mà trả ông trở về dương thế. Tuệ Nghi chứng kiến tường tận câu chuyện ở âm phủ nên đã bẩm tấu lên Hồ Thái hậu.
Thái hậu nghe xong thì biết đây là một câu chuyện thần kỳ, bèn lệnh cho Hoàng Môn Thị Lang căn cứ vào lời kể của Tuệ Nghi mà đi điều tra cho rõ ràng. Sau khi xác minh thì sự tình của 5 vị tăng nhân lúc sinh thời đều là thật, đối chiếu với những gì Tuệ Nghi đã kể thì thấy không sai chút nào.
Tự cho mình giỏi mà đi giải thích kinh Phật
Ngày nay rất nhiều người tùy tiện giải thích Kinh Phật theo kiến giải của bản thân mà không biết như thế là đang tạo nghiệp, đã làm sai khác đi ý nghĩa thực sự của lời Phật dạy. Dưới đây xin kể thêm một câu chuyện có liên quan đến việc này:
Lữ Huệ Khanh tự Cát Phủ, làm quan dưới thời Bắc Tống. Học vấn cũng không tệ, nhưng Lữ Huệ Khanh cậy tài mà từng đưa ra một số giải thích cho kinh điển Phật giáo, Đạo giáo. Bản thân ông còn tự cho rằng kiến giải của mình rất hay.
Có một lần Lữ Huệ Khanh đi đến Sơn Tây. Trong lúc nhàn rỗi mới dẫn mấy người tùy tùng đi lên núi Ngũ Đài thưởng ngoạn danh thắng. Họ đi lên Ngũ Đài Sơn, trong lúc vui chơi hứng khởi thì thấy mây đen vần vũ, gió lớn nổi lên, sấm vang chớp giật đinh tai nhức óc, mưa trút xuống như thác đổ.
Mấy người Lữ Huệ Khanh đành phải tản ra tìm chỗ trú mưa. Chính ngay lúc này họ nhìn thấy trong mây mù có thứ gì như ẩn như hiện, hình dạng như con rồng có sừng, lượn lờ trong biển mây. Mọi người trông thấy đều kinh hãi.
Một lúc sau trời quang mây tạnh thì thấy có một vị đồng tử từ trên núi nhanh chân đi về phía họ. Chỉ thấy vị này đầu tóc rối tung, nước da ngăm ngăm, từ chân đến vai đều dùng cỏ quấn quanh làm quần áo, lộ ra vai phải, tay cầm quyển kinh Phật bằng tiếng phạn.
Trong mê tạo nghiệp mà không biết
Đồng tử hỏi: “Các vị đã nhìn thấy gì mà sợ hãi đến vậy?”
Lữ Huệ Khanh đáp: “Thiết nghĩ không phải nghiệp chướng thì cũng là ác duyên; mưa gió hồi nãy khiến chúng tôi sợ hãi một phen”.
Đồng tử nói: “Mưa gió đều qua rồi, các vị đến núi Ngũ Đài phải chăng có điều gì cầu xin?”
Lữ Huệ Khanh nói: “Nghe nói nơi đây là đạo tràng của Văn Thù Bồ Tát, vì vậy mong là có duyên gặp được Ngài”.
Đồng tử lại hỏi: “Tại sao các ông lại muốn gặp?”
Lữ Huệ Khanh nói: “Tôi đã từng đọc qua Kinh Phật, cảm thấy hàm ý sâu xa huyền diệu, có những chỗ không sao lý giải được. Vậy nên muốn gặp Bồ Tát để mong được chỉ điểm và khai thị cho. Nếu được như vậy thì tôi có thể đưa ra một số luận giải và lưu lại cho đời sau”.
Đồng tử nói: “Diệu ý của chư Phật đã bị người đời làm lộn xộn cả lên. Những lời giải thích nhiều đến hàng mấy trăm quyển; nguyên muốn giải thích Phật ý nhưng lại cách Phật ý mỗi lúc một xa”.
Phật giáo mạt Pháp cũng là do các hòa thượng tùy tiện giải thích kinh sách
Lữ Huệ Khanh đột nhiên biến sắc, vẫn chưa hiểu được lời của đồng tử nói, lại trách mắng rằng: “Cậu chẳng qua chỉ là một đứa bé vắt mũi chưa sạch mà thôi. Sao lại dám to gan trách mắng bao thế hệ tiền bối giải thích Kinh Phật như thế?”
Đồng tử cười nói: “Từng ngọn cây cọng cỏ ở đây không phải là cảnh giới của Văn Thù Bồ Tát hay sao? Ông chỉ cần hàng ngày tuân theo Phật lý, gặp chuyện không bị mê lạc, thế đã là tốt lắm rồi. Cớ chi phải dùng tình cảm phàm nhân để nhiễu loạn tư duy đây?”.
Lữ Huệ Khanh nghe xong biết bản thân đã sai, vội quỳ xuống khấu đầu nhận sai. Lạy xong ngẩng đầu lên thì thấy đồng tử này đã biến thành hình tượng của Văn Thù Bồ Tát, đang cưỡi trên mình con sư tử lông xanh, biến mất vào trong đám mây. Lữ Huệ Khanh hiểu ra vị đồng tử mà mình gặp chính là Văn Thù Bồ Tát hóa thành.
Phật giáo đi vào thời kỳ mạt Pháp cũng là do có quá nhiều người loạn giảng kinh sách; tùy ý giải thích theo nhận thức của mình. Nhưng phàm nhân chưa đắc chính quả, chưa đạt tới cảnh giới của Đức Phật, làm sao có thể biết được nội hàm thực sự của lời mà Ngài giảng? Nhiều người luận giải Kinh Phật, tưởng là đang giúp đỡ người đời, nhưng thực ra là bị cái Danh dẫn động mà không ngừng tạo nghiệp.
Tổng hợp