Thứ Ba , 14 Tháng Năm 2024

Tam chủng thần khí: Ba báu vật Thần truyền của Nhật Bản

15/01/24, 07:12 Văn hóa truyền thống
Tam chủng thần khí: Ba báu vật thần truyền của Nhật Bản

Thanh gươm Kusanagi no Tsurugi, chiếc gương Yata no Kagami và viên ngọc Yasakani no Magatama là ba báu vật linh thiêng của hoàng gia Nhật Bản, được gọi là “tam chủng thần khí”. Theo truyền thuyết, nguồn gốc của chúng gắn liền với các vị thần.

Vào ngày 1/5/2019, trong buổi lễ đăng cơ tại Cung điện Hoàng gia Nhật Bản, Thượng hoàng Akihito đã trao lại tam chủng thần khí cho Nhật hoàng Naruhito. Vì sao ba bảo vật này lại xuất hiện trong một buổi lễ long trọng như vậy? Chúng có ý nghĩa như thế nào với Hoàng gia Nhật Bản?

Ngoài ra, cụm từ Nhật Bản trong tiếng Hán có nghĩa là “gốc từ mặt trời” hay “gốc của mặt trời”, ngày nay chúng ta gọi là đất nước mặt trời mọc. Như vậy, đọc xong bài viết này, rất có thể chúng ta sẽ hiểu thêm được một tầng ý nghĩa mới.

Truyền thuyết tam chủng thần khí

Tam chủng thần khí (三種の神器 – Sanshu no Jingi) là ba báu vật linh thiêng được truyền thừa cho các đời Nhật hoàng, Nhật Bản. Bao gồm: Thanh gươm Kusanagi no Tsurugi (草薙剑), chiếc gương Yata no Kagami (八咫镜) và viên ngọc Yasakani no Magatama (八尺瓊曲玉)

Gương thần và bảo ngọc

Tương truyền, em trai của nữ thần Mặt Trời Amaterasu là thần Susanoo vốn là một kẻ rất ngỗ ngược. Vì là thần Bão Tố nên Susanoo có khả năng phá hủy mọi thứ. Thần Mặt Trời và em trai của bà thường xảy ra bất hòa, vậy nên những trận chiến nổ ra thường xuyên.

ba bảo vật Nhật Bản
Bức hoạ thần Mặt Trời và thần Bão Tố (ảnh: Wikipedia)

Một lần trong cơn say, Susanoo hung hăng làm náo loạn cả đất trời. Ông phá hỏng hệ thống kênh mương, làm cuốn trôi đi hoa màu của Amaterasu. Quá tức giận và uất ức, nữ thần quyết định tự giam mình vào hang trời, khiến nhân gian chìm trong bóng tối vô tận.

Các vị thần thấy vậy đều hết sức lo lắng, họ nghĩ đủ mọi cách để mời Thần Mặt Trời ra khỏi hang. Nhưng không ai có cách khiến vị thần này động lòng, cho đến khi nữ thần Lễ Hội và Hạnh Phúc Ame no Uzume xuất hiện.

Uzume không phải là một vị thần quá đỗi xinh đẹp, nhưng bù lại bà có một khả năng thiên bẩm là mang lại tiếng cười cho người khác, và khả năng vốn có của bà đã thành công chinh phục Amaterasu ló mặt ra khỏi hang.

Bà treo chiếc gương trước hang động và đeo viên ngọc rồi mở yến tiệc, sau đó nhảy một vũ điệu rất mê hoặc, khiến các vị thần vô cùng hứng khởi vui vẻ, không khí bừng lên đầy huyên náo. Điều này khiến cho Amaterasu cảm thấy kỳ quái, bà cất tiếng hỏi:“ Tại sao mọi người có thể cười vui vẻ khi không có ta chứ?”

thần khí Nhật bản
Cảnh nữ thần Amaterasu ra khỏi hang (ảnh: Rekijin)

“Vì có một vị thần đẹp hơn Người đang ở đây đấy!”, Ame no Uzume nhanh trí trả lời.

Amaterasu tò mò hé cửa nhìn ra ngoài thì thấy hình ảnh mình phản chiếu chói lọi trên tấm gương để phía trước hang. Trong giây phút sững sờ ngạc nhiên, vị thần sức mạnh Ame no Tajikarao đã dùng lực kéo cửa hang ra.

Kể từ đó, viên ngọc và chiếc gương góp phần giúp nữ thần Amaterasu quay trở về đã trở thành biểu tượng của quyền lực.

Sau đó, các vị thần đã trừng phạt Thần Bão Tố. Họ đã vứt hết những món đồ làm nên tội ác của ông ta xuống sông. Susanoo cũng đã cảm thấy hối hận, ông liền sinh tâm mong muốn có cơ hội lấy lại danh dự của mình.

Thanh gươm

Trong một lần đi dạo, thần Bão Tố gặp gỡ đôi vợ chồng già cùng người con gái xinh đẹp của họ đang khóc nức nở.

Khi hỏi ra thì ông được biết, đôi vợ chồng này có tám người con, nhưng mỗi năm đều có một con mãng xà tám đầu độc ác, thân có vảy như rồng xuất hiện và cướp đi của đôi vợ chồng một người con. Đến bây giờ, họ chỉ còn lại một cô con gái cuối cùng, ông bà đều đang vô cùng lo sợ, khổ não.

Tam chủng thần khí: Ba báu vật thần truyền của Nhật Bản
Thần Bão Tố giết rắn cứu người (ảnh: Japo)

Nghe vậy, thần Bão Tố quyết định ra tay giúp đỡ. Ông dùng tám bình Sake lớn để dụ mãng xà xuất hiện, rồi bảo đôi vợ chồng đưa người con gái đi trốn.

Đúng theo dự liệu, mùi thơm của Sake đã dụ được quái vật khổng lồ. Với ánh mắt tham lam, mỗi chiếc đầu của nó chui vào một bình rượu. Chẳng mấy chốc, con quái vật đã say mèm và lăn quay ra đất. Susanoo nhanh tay chém hết tám cái đầu của nó và mổ bụng của nó. Ông bất ngờ khi nhìn thấy một thanh kiếm bên trong.

Thần Bão Tố mừng rỡ dâng thanh kiếm lên nữ Thần Mặt Trời Amaterasu như một lời tạ lỗi. Thanh kiếm chính là bảo vật cuối cùng trong bộ ba báu vật của Thần Mặt Trời.

Vào thời kỳ phù hợp, Nữ thần Mặt trời Amaterasu cử cháu trai của mình là thần Ninigi xuống bình định đất nước Nhật Bản. Ông ấy đã mang theo Tam chủng thần khí xuống trần gian và truyền thừa lại cho Thiên hoàng Jimmu, vị Hoàng đế đầu tiên của nước Nhật và cũng là chắt của thần Ninigi.

ba báu vật của thiên hoàng
Thần Ninigi nhận “Tam chủng thần khí” từ nữ thần Mặt trời Amaterasu (ảnh: Brainstudy)

Theo truyền thống, tam chủng thần khí là biểu tượng cho nguồn gốc thần thánh của hoàng đế với tư cách là hậu duệ của thần Mặt Trời, và được truyền thừa các đời cho đến tận ngày nay.

Vị trí lưu trữ bí mật tam chủng thần khí

Ban đầu, từ Thiên hoàng Jimmu cho đến Thiên hoàng thứ 10 là Sujin, tam chủng thần khí là vật bất ly thân của các hoàng đế. Tuy nhiên đến thời trị vì của Thiên hoàng Sujin, ông đã chuyển thanh gươm và tấm gương ra khỏi cung điện vì sợ sự uy nghiêm của nữ thần Mặt Trời.

Sau đó, ông nhận được khẩu dụ của Thần yêu cầu phải “đặt ba loại Thần khí ở trong cùng một gian phòng”. Cho nên Thiên hoàng đã cho tạo tác ra các báu vật tương tự cất giữ bên mình để thờ cúng. Mặc dù là vật mô phỏng, nhưng chúng được tôn kính thờ phụng như vật gốc, như là sự phân chia sức mạnh và linh hồn của thần.

Chiếc gương thật được chuyển đến thần cung Ise tại tỉnh Mie, Nhật Bản. Bản sao của nó được lưu giữ trong cung điện Kensho. Nữ thần Mặt trời cũng từng nói “nhìn thấy gương là nhìn thấy ta” ; do đó trong tam chủng thần khí, tấm gương được thờ phụng ở nơi sâu nhất trong cung điện. 

ba ba báu vật của thiên hoàng
Tam chủng thần khí được bảo vệ nghiêm ngặt (ảnh: Mainichi)

Tuy nhiên, chỉ có duy nhất một viên ngọc Yasakani no Magatama, người ta không thể mô phỏng lại. Thanh kiếm được lưu giữ trong đền Atami ở tỉnh Aichi, và vật thay thế nó cũng được đặt trong phòng phong ấn kiếm của Hoàng cung, cùng với viên ngọc.

Tam chủng thần khí thường được cất giữ nghiêm ngặt trong mật thất. Chúng chỉ được mang ra ngoài trong lễ thu hoạch được tổ chức trong hoàng cung vào ngày 23 tháng 11 hàng năm.

Báu vật không ai được chiêm ngưỡng

Mặc dù tam chủng thần khí vẫn còn tại thế gian, nhưng không ai được tận mắt nhìn thấy. Thực tế, Thiên hoàng cũng không được phép mở chiếc hộp đựng vật báu.

Người ta cho rằng “thần khí” vốn là vật linh thiêng, không được trưng bày cho thiên hạ thấy để gìn giữ sự thánh khiết và tránh ô nhiễm thế tục. Những người phụ trách bảo vệ thần khí trong cung được coi như nhân viên của thần. Họ phải nghiêm chỉnh chấp hành giới luật cẩn mật về cả thân và tâm để không làm ô uế nơi lưu giữ bảo vật.

ba báu vật của thiên hoàng
Hình hoạ Tam chủng thần khí (ảnh: Kilala)

Chuyện kể rằng vào thời Edo, có một nhân viên của thần đã nhìn trộm thanh gươm báu, ông ta đã bị kết án đi lưu đày. Lại có truyền thuyết kể lại, vào những năm đầu của thời Meiji, Thiên hoàng Meiji đã tận mắt nhìn thấy chiếc gương. Nhìn thấy tấm gương này thật thiêng liêng, ông xúc động nói: “Con cháu của ta sẽ không ai có thể bái kiến tấm gương này nữa”.

Tam chủng thần khí của Nhật Bản có thể truyền thừa cho tới ngày nay tất có lý do ẩn chứa bên trong. Qua đây chúng ta không chỉ hiểu được lịch sử truyền thừa cho các thế hệ “hậu duệ Mặt Trời” mà còn hiểu được truyền thống, lễ nghi tôn kính Thần Phật của người xưa; đều là có lai lịch hết sức rõ ràng, minh xác. Con người trân trọng và lưu giữ truyền thống cũng chính là tôn trọng, lưu giữ nguồn cuội của chính mình.

Theo Epoch Times

x