4 truyện ngắn về những sai lầm phổ biến của con người
4 mẩu truyện ngắn dưới đây đã bộc lộ những thiếu sót lớn trong tính cách của con người.
Xin mời các bạn cùng đọc và suy nghĩ xem chúng ta có giống như những nhân vật chính trong đó hay không?
Nội dung chính
Truyện ngắn “hiểu lầm“
Ở tiểu bang Alaska (Hoa Kỳ) có một cặp vợ chồng trẻ nọ. Người vợ khi mang thai vì sinh khó mà qua đời, để lại đứa con thơ và người chồng tội nghiệp. Anh chồng bận rộn với cuộc sống mưu sinh và cũng không đủ tiền để thuê người giúp việc trông con; cho nên anh đã huấn luyện một chú chó thành một người bảo mẫu. Chú chó này rất thông minh và ngoan ngoãn, chú có thể trông em bé và cắn bình sữa cho đứa trẻ bú.
Như thường lệ, vào một ngày nọ, ông bố ra ngoài làm việc, trước khi đi anh không quên nhờ chú chó chăm sóc con. Anh đến một ngôi làng khác, nhưng do tuyết rơi dày nên không thể quay trở lại vào ngày hôm đó.
Ngày hôm sau, khi anh về nhà, con chó nghe tiếng của chủ, nó mừng rỡ chạy ra đón. Anh mở cửa thì thấy khắp nơi đều là máu, nhìn lên trên giường cũng có máu. Đứa trẻ đã biến mất, lúc này anh cũng nhận ra, miệng của con chó dính đầy máu.
Nghĩ rằng con chó đã ăn thịt con của mình, người đàn ông tức giận cầm dao chém chết nó. Nhưng ngay sau đó, anh bất ngờ nghe thấy tiếng khóc của đứa bé. Con anh từ trong gầm giường bò ra, anh vội bế đứa nhỏ lên kiểm tra, trên người nó có vết máu nhưng không hề bị thương.
Anh cảm thấy rất kỳ lạ, nhìn lại xác con chó, anh thấy một vết thương lớn ở chân nó; trong góc nhà anh nhìn thấy xác chết của một con chó sói. Hoá ra, con chó đã chiến đấu với con sói để cứu cậu chủ nhỏ, nhưng lại bị người chủ hiểu nhầm mà giết chết.
Đây là một truyện ngắn nói về sự hiểu nhầm dẫn đến cái kết vô cùng thương tâm.
Những quyết định bốc đồng thường là những quyết định sai lầm, vậy nên khi gặp vấn đề, chúng ta cần phải bình tĩnh phân tích. Bởi nếu sự nóng vội có thể giải quyết được sự việc thì đời sống của con người cũng như cầm thú, không cần dùng tư duy, thiện niệm để suy nghĩ; cũng không có khái niệm nhẫn nại.
Truyện ngắn: Dấu vết đóng đinh
Nail là một cậu bé rất nóng tính. Vì vậy, cha của cậu đã đưa cho cậu ấy một túi đinh và dặn rằng, mỗi khi mất bình tĩnh, cậu phải đóng một chiếc đinh vào hàng rào ở sân sau.
Ngay ngày đầu tiên, cậu bé đã đóng đến 37 chiếc đinh vào hàng rào. Số lượng đinh sau đó mỗi ngày một giảm dần. Cậu bé thấy bản thân đã kiểm soát cơn nóng giận của mình dễ hơn việc phải đóng những chiếc đinh.
Đến một ngày nọ, quả thật Nail không còn mất bình tĩnh nữa. Cậu nói với cha mình về điều đó. Cha cậu lại giao cho cậu một nhiệm vụ khác như sau: từ nay trở đi, bất cứ khi nào kiềm chế được cơn nóng giận của mình, cậu hãy nhổ một chiếc đinh đã đóng trước kia lên.
Nhiều ngày trôi qua, rồi cũng đến ngày cậu có thể rút hết những chiếc đinh lên. Người cha ra sân mỉm cười và nói: “Con làm tốt lắm, con trai ngoan của bố. Nhưng hãy nhìn vào những cái lỗ trên những hàng rào đó, những hàng rào này đã có dấu vết nó sẽ không bao giờ được như cũ nữa.”
Những lời bạn nói khi tức giận sẽ để lại những vết sẹo như cậu bé Nail đóng đinh vào hàng rào. Nếu bạn dùng dao đâm ai đó, cho dù bạn có nói xin lỗi bao nhiêu lần, vết thương đã được tạo ra và vết sẹo sẽ luôn ở đó. Người đời có câu: “Bước chân đi thì rút lại được, nhưng lời đã nói ra thì không thể rút lại”; khả năng gây sát thương của lời nói cũng khiến người ta nhớ mãi như một nỗi đau thể xác.
Khi không vui, chúng ta rất dễ nổi nóng với người thân của mình, bởi chúng ta biết họ luôn bao dung cho ta. Nhưng thông thường khi bạn mất bình tĩnh, những lời bạn nói luôn khiến người khác đau lòng. Vết thương đó cũng giống như lỗ thủng trên hàng rào đã gây tổn hại nghiêm trọng đến người khác.
Qua câu chuyện trên, chúng ta rút ra một bài học rằng ta không nên lãng phí tình yêu thương mà những người thân yêu dành cho mình, bởi vì điều đó sẽ khiến họ tổn thương rất nhiều.
Truyện ngắn thứ 3: thời gian sẽ cho những câu trả lời
Hầu hết các đồng nghiệp đều rất phấn khởi vì một giám sát viên mới được chuyển đến đơn vị. Người ta nói, anh ta là người có năng lực và được đặc cách cử đến để chấn chỉnh công việc. Tuy nhiên, giám sát viên mới chỉ đi ngang qua mọi người, anh ấy không nói và cũng không tỏ thái độ gì cả.
Có một nhân viên rất lười biếng, anh ta thường trốn việc và hiếm khi ra ngoài. Những phần tử xấu khác trong công ty, họ dựa vào người giám sát dễ tính mà thoả sức hoành hành. Những người khác thì lắc đầu nghi ngờ: “Làm sao anh ta có thể là một người có năng lực?”
Anh ta giám sát công việc như một ông già tốt bụng và anh dễ bị lừa hơn so với người giám sát trước đó. Tuy nhiên, bốn tháng sau, người giám sát mới đã thực sự cho thấy anh ta làm việc hiệu quả như thế nào. Tất cả những kẻ xấu đồng loạt bị sa thải; những người không có năng lực cũng bị sa thải. Người giám sát hành động quyết đoán và anh đưa ra quyết định chính xác. Cách làm việc của anh ấy hoàn toàn khác với người giám sát cũ.
Trong bữa tiệc tất niên, vị giám sát mới sau khi nâng ly với mọi người, anh đã có bài phát biểu: “Tôi tin rằng mọi người cảm thấy khó hiểu với thành tích của tôi trong nhiệm kỳ mới và những hành động quyết liệt sau đó. Bây giờ hãy nghe tôi kể một câu chuyện, và mọi người sẽ hiểu tôi:
“Một người bạn của tôi mua một căn nhà có khu sân rất rộng. Vừa dọn đến, anh ấy đã bắt tay vào dọn dẹp, nhổ hết cây cỏ dại, trồng xuống những giống cây hoa mới. Một hôm, người chủ nhà cũ đến thăm nhà và rất ngạc nhiên hỏi:
“Hoa mẫu đơn đã bị dọn đi rồi sao?’“
Lúc này, anh bạn của tôi mới phát hiện ra rằng anh ta đã thực sự xúc hết hoa mẫu đơn đi vì nghĩ nó là cỏ dại.
Sau này anh ấy lại mua một căn nhà khác, dù sân trong của ngôi nhà rất bừa bộn nhưng anh vẫn không dọn cỏ. Quả nhiên, loài cây mà anh cho là cây linh tinh đã nở hoa khi mùa xuân đến.
Những gì được coi là cỏ dại vào mùa xuân đã biến thành bụi hoa tươi đẹp vào mùa hè. Những cây nhỏ được giữ lại đã chuyển sang màu đỏ vào mùa thu. Mãi cho đến cuối mùa thu, nó mới thực sự nhận ra loài thực vật nào là vô dụng. Bây giờ, chúng ta có thể mạnh tay tiêu diệt chúng để bảo tồn tất cả các loài cây quý giá.”
Nói đến đây, người giám sát nâng ly và nói: “Tôi xin kính trọng mời mọi người ở đây một ly. Bởi vì nếu văn phòng này là một khu vườn, thì tất cả các bạn đều là những cây gỗ quý trong đó. Cây gỗ không thể ra trái quanh năm. Nhưng nó thật sự rất quý giá!”
Từ nội dung truyện ngắn trên, chúng ta có được bài học: không nên vội vàng đánh giá một người; sống với nhau trong thời gian ngắn không thể khiến ta hiểu rõ một người; những đánh giá sai lầm có thể khiến bạn mất đi một trợ thủ đắc lực hay một người bạn tốt.
Truyện ngắn về lòng bao dung
Đây là câu chuyện của một người lính trở về từ Chiến tranh Việt Nam. Anh ấy gọi điện cho bố mẹ mình từ San Francisco và nói với họ: “Bố mẹ ơi, con sẽ trở về nhà, nhưng con có một thỉnh cầu, con muốn đưa một người bạn về nhà cùng.”
“Tất nhiên là được rồi!” – họ trả lời.
“Chúng con sẽ rất vui nếu gặp được bố mẹ”- người con trai tiếp tục: “Nhưng có một điều con muốn nói với bố mẹ trước. Người bạn này của con bị thương nặng trong chiến tranh. Anh ấy bị mất một tay và một bàn chân. Anh ấy đang bị dồn vào đường cùng. Con muốn hỏi rằng, anh ấy có thể ở lại sống với chúng ta không?”
“Con trai, cha xin lỗi, nhưng có lẽ chúng ta chỉ có thể tìm giúp người đó một nơi để ở.”
Người cha tiếp tục nói: “Con trai, con không biết mình đang làm gì đâu. Chúng ta còn có cuộc sống của riêng mình, và chúng ta không thể cứ để cậu ta hủy hoại nó. Con sao lại muốn tự đeo gánh nặng trên thân mình? Bố khuyên con nên về nhà và quên cậu ấy đi. Cậu ta sẽ tìm thấy khoảng trời riêng của mình.”
Ngay lúc đó cậu con trai cúp điện thoại, và bố mẹ cậu không bao giờ nghe tin tức gì về cậu nữa. Vài ngày sau, đôi vợ chồng này nhận được cuộc gọi từ Sở cảnh sát San Francisco thông báo rằng người con trai duy nhất của họ đã ngã từ trên lầu xuống đất tử vong. Cảnh sát tin rằng đó là một vụ tự sát.
Quá đau lòng, họ bay đến San Francisco và được cảnh sát dẫn đầu đến nhà xác để nhận dạng tử thi. Đó thực sự là con trai của họ, nhưng điều đáng ngạc nhiên là anh ấy là một thương binh, chỉ có một tay và một chân.
Có những lúc, vì vô tâm hay quá vội vàng, bạn không biết mình đã làm tổn thương người khác đến mức nào. Bởi vậy, nếu có thể, hãy khoan dung với người như cách bạn thường xuyên tha thứ cho bản thân mình. Bao dung cho người cũng chính là cho bản thân một lối thoát.
Bốn truyện ngắn trên có thể mang lại cho người ta những xúc cảm rất sâu sắc. Trong cuộc sống, trước khi đưa ra quyết định hay phán xét người khác, trước hết chúng ta hãy suy nghĩ, đây có phải là “sự hiểu lầm” không. Sau đó, hãy cân nhắc xem mình có nhất thiết phải đóng “cái đinh” này hay không. Nếu có thể, hãy dành ra một “khoảng hòa hoãn”, sống chậm lại để suy xét vấn đề; cũng như đặt mình vào vị trí của người khác để có thể bao dung, đồng cảm. Vì khi khoan dung với người khác, chúng ta cũng đang khoan dung với chính mình.
Theo: Aboluowang.