Buông bỏ oán hận nhờ chiểu theo Chân – Thiện – Nhẫn
Tu luyện Pháp Luân Đại Pháp không chỉ giúp sức khỏe của cô Thùy được cải thiện mà tâm cũng nhẹ nhàng hơn, không còn hay nóng giận, oán hận.
Cô Lưu Thị Ánh Thùy (sinh năm 1970) ở phường An Khánh, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ biết đến Pháp Luân Đại Pháp (còn gọi là Pháp Luân Công) cũng thật tình cờ, mà nhân duyên ban đầu cũng là do cuộc sống có nhiều thứ không như ý muốn. Năm đó khi cô 40 tuổi, cuộc sống gia đình cũng khá ổn định, con cái đã khôn lớn, tưởng cuộc sống đến lúc được an nhàn, nhưng bệnh tật không biết từ đâu lại đổ xuống người cô.
Đầu tiên là cô bị viêm xoang mũi dị ứng; mỗi lần trái gió trở trời hoặc là cô ăn uống cái gì không hợp thì về sẽ bị nghẹt một bên mũi hay nổi mẩn đỏ. Mỗi khi cô đi ngoài đường về thì cứ như là người trúng gió vậy, miệng liên tục nôn ói, đầu óc thì quay cuồng, thấy nhà cửa quay đảo lộn hết.
Ngoài ra cô còn bị thoái hóa đốt sống cổ, gai cột sống lưng, cơ thể lúc nào cũng đau nhức, tay phải bị tê, đặc biệt là khi chạy xe. Ngoài dùng thuốc, cô còn dùng giường massage Hàn Quốc để nằm cho đỡ đau. Hai đầu lông mày lúc nào cũng nhức cùng với chứng đau đầu kinh niên từ khi còn là con gái làm cô luôn mệt mỏi, khổ sở.
Tu luyện Pháp Luân Công, bệnh tật dần lùi xa
Đang lúc đau yếu thì công việc làm ăn của cô lại không được tốt. Để nhẹ lòng, cô muốn theo Phật giáo, nương tựa Phật để tâm dịu xuống, không còn suy nghĩ về những chuyện buồn nữa.
Hàng tuần, vào ngày rằm, mùng một, cô thường đi chùa. Khi thấy mọi người tụng kinh thì cô rất ngưỡng mộ họ. Cô nghĩ lúc nào đó cũng muốn được thanh thản như mọi người. Về sau cô dành thời gian buổi tối đến chùa làm công quả, quét dọn chùa xong thì cô tụng kinh cùng mọi người.
Được khoảng một năm rưỡi như vậy thì đến năm 2010 có một người bạn đã giới thiệu Pháp Luân Đại Pháp cho cô. Người bạn đó nói rằng: “Bạn tập môn này đi, rất tốt cho sức khỏe, môn tu luyện này có 5 bài công pháp để mình tập và mình đọc sách hàng ngày ở nhà”.
Lúc đó cô còn đang tu theo Phật giáo, nhưng cũng vẫn nhận đĩa và sách (Chuyển Pháp Luân – cuốn sách chính của Pháp Luân Công) về đọc. Ban đầu cô cũng chần chừ vì không biết môn này tu luyện như thế nào. Khi đọc đến Bài giảng thứ ba có nói về tu luyện “bất nhị pháp môn” (tu môn nào thì chỉ theo một môn đó, không được vừa tu cái này vừa tu cái kia – theo ý hiểu của phóng viên) thì cô cũng rất phân vân, vì khi đó ở Cần Thơ có rất ít người biết đến Pháp Luân Công, sợ khi tu có chuyện gì lại không biết hỏi ai. Cũng may là lúc đó có một người bạn khác nói với cô “cứ tập đi, khỏe lắm!”, vậy nên cô cũng tập thử.
Khi ấy cô cũng không nghĩ tập môn này có thể hết bệnh. Tuy nhiên chỉ sau một tháng tập cô cảm nhận được thân thể có những chuyển biến tích cực. Bệnh viêm xoang và các bệnh khác cũng bớt dần, cô thấy thân thể trở nên nhẹ nhàng. Từ lúc đó cô chính thức bước vào tu luyện Đại Pháp, hàng ngày cô luyện 5 bài công pháp và đọc sách Chuyển Pháp Luân.
Tính cho đến nay cô cũng đã tu luyện được hơn 10 năm, sức khỏe của cô rất tốt, không cần dùng viên thuốc nào; cô cũng không cần trị liệu bằng giường massage nữa, ngay cả dầu gió cũng không bao giờ cần dùng tới.
Bớt nóng tính, buông tâm oán hận
Nhớ lại lúc trước cô rất nóng tính. Hai vợ chồng, cứ chú nói trước thì cô nói sau, không ai chịu nhường nhịn ai. Nhưng khi đọc sách rồi thì cô hiểu ra phải hành xử chiểu theo Chân – Thiện – Nhẫn, vậy nên cô cũng dịu dần, cái tâm của cô bắt đầu nhẹ nhàng hơn.
Đặc biệt cô có tâm oán hận rất lớn đối với bố, cô giận vì trước đây bố cô đã không chăm lo cho gia đình, trong khi mẹ cô thì bị bệnh, bố cô vẫn bỏ đi và có gia đình mới. Hai bố con vì vậy mà luôn khắc khẩu, gặp nhau chỉ nói được vài câu là đã có chuyện.
Nhưng sau khi đọc sách một thời gian thì cô hiểu ra những bất hạnh trong cuộc đời là nghiệp của mình, trước đây có thể cô đã mắc nợ bố nên bây giờ phải trả, cô buông cái tâm oán hận này và không giữ ở trong lòng nữa.
Chồng và người thân cũng bước vào tu luyện
Chú Nguyễn Đức Hòa – chồng của cô Thùy, trước đây là đại úy quân đội, sau chuyển ngành sang trường Trung cấp Giao thông vận tải miền Nam; hiện chú dạy lái xe tại trung tâm dạy lái xe Màu Hoa Đỏ.
Khi thấy cô Thùy tu luyện Pháp Luân Công thì chú cũng tìm hiểu rất kỹ, để xem môn này có lợi ích như thế nào hay có vấn đề gì về chính trị hay không; sau khi biết môn này rất tốt thì chú hoàn toàn ủng hộ cô tu luyện.
Cách đây 5 năm, chú Hòa bị tai biến nhẹ và được đưa đi cấp cứu ở bệnh viện đa khoa trung ương Cần Thơ. Sau khi được cho về nhà, chú cũng bắt đầu luyện công và đọc sách, nhờ vậy mà sức khỏe hồi phục nhanh chóng; đã 5 năm nay chú không phải uống thêm viên thuốc nào, và chú vẫn đi dạy lái xe bình thường.
Chú chia sẻ: “Hằng ngày tôi vẫn duy trì tu luyện. Tôi nghĩ, một Pháp môn tốt như thế này thì mình cũng nên giới thiệu cho nhiều người nữa để người ta biết, người ta học. Môn này học thì không phải tốn kém gì cả. Chính trong Pháp Sư phụ đã nói rồi, [đại ý] là mình không phải mất nhiều thời gian và không phải mất tiền bạc, cũng không có quy định là phải tập ở nơi này hay nơi kia, nên rất thuận lợi kể cả cho những người công tác bận rộn, mình cứ rảnh lúc nào thì học lúc đó, học ở nhà cũng được, đến tập thể học với nhau lại càng tốt, vì mình có thể chia sẻ những gì làm chưa trọn vẹn để nhìn ra vấn đề của mình rồi lần tới làm tốt hơn”.
Thấy Pháp Luân Công quá tốt, chú và chị gái của cô Thùy cũng lần lượt bước vào tu luyện.
Cô Thùy và chú Hòa mong những ai có duyên đọc được bài viết này thì cũng thử một lần tìm hiểu về Pháp Luân Công để cũng đắc được những lợi ích như cô chú.
Bạn đọc muốn được chia sẻ về Pháp Luân Công thì có thể liên lạc với cô Thùy qua số điện thoại 0824.583.909 hay với chú Hòa qua số điện thoại 0988.636.706. Hoặc bạn cũng có thể vào trang web chính của Pháp Luân Công https://vi.falundafa.org/ hay vào link https://hocphapluancong.com/ để được hướng dẫn chi tiết hơn về pháp môn này.