Biết rõ không hỏi là tu dưỡng, nhìn thấu không nói là trí tuệ
Biết rõ cũng không cần phải hỏi, tránh để người khác rơi vào tình huống khó xử; việc dù nhìn thấu cũng không cần phải nói ra, im lặng để tránh tai họa.
- Tăng Quốc Phiên: “Nhân bại do lười biếng, sự bại do kiêu ngạo, gia bại do hoang phí”
- Đạo đối nhân xử thế: Giữ được ‘trung’ và ‘hòa’ thì vạn sự an
Biết rõ không hỏi là tu dưỡng
Bạn không cần cái gì cũng phải nói ra để liễu giải người khác, hãy để lại cho họ một chút tôn nghiêm. Bạn có bao giờ như thế này chưa: Khi bạn biết ai đó sắp ly hôn, bạn phải hỏi cho rõ ràng, xem ai là người có lỗi trước? Khi thấy người khác mặc đồ hiệu, bạn cố ý hỏi cho bằng được xem người đó mua ở đâu, bao nhiêu tiền? Biết người khác đang rơi vào tình huống khó xử, nhưng bạn vẫn cứ thảo luận về họ trước mặt mọi người… Bạn có thể cho rằng mình như thế là thông minh, nhưng nó chỉ thể hiện là bạn thiếu tu dưỡng.
Trong cuộc sống, ai cũng có lúc gặp khó khăn, nếu bạn phải tìm ra sự thật của mọi thứ, bạn đang làm cho người khác trở nên tồi tệ hơn. Mỗi người đều có những vết thương của mình, tại sao cứ phải vội vã khám phá những vết sẹo của người khác? Để lại cho người khác một chút không gian, cũng là lưu lại cho họ một chút tôn trọng.
Có một nhà văn đã chia sẻ một câu chuyện như sau: Ở một trường trung học nọ, cha của một bạn nữ làm bảo vệ cho một ngân hàng. Do sự nhạy cảm và tự ti của tuổi mới lớn, bạn nữ sinh luôn nói dối khi được hỏi về nghề nghiệp của cha: “Cha mình là nhân viên giao dịch của ngân hàng”. Kỳ thực thì việc này ai cũng biết, nhưng trước giờ chưa từng tiết lộ ra.
Một lần nọ, mấy học sinh rủ nhau cùng đi ăn hàng. Cha của bạn nữ kia mặc đồ bảo vệ đi tới, bạn nữ lập tức xấu hổ, lúng túng không biết làm sao. Lúc này, có một bạn nữ khác đột nhiên nói: “Mình muốn đi siêu thị, chúng ta cùng đi nha?” Không chờ mọi người đồng ý, cô liền kéo mọi người đi hướng khác.
Bằng cách này, mọi người đã ngầm bảo vệ lòng tự tôn mong manh của cô bé trong 3 năm. Nhiều năm sau gặp lại, cô gái đã bước qua mặc cảm tuổi mới lớn, cô công khai đàm luận về nghề nghiệp của cha mình, đồng thời cảm tạ mọi người đã không tiết lộ chuyện của cô.
Có câu nói rằng: “Nói được là có năng lực, không nói là trí tuệ, nhưng trầm mặc đúng lúc lại khiến cho người khác cảm thấy dễ chịu hơn”. Khi người khác rơi vào tình huống khó xử, giữ im lặng chính là lòng tốt lớn nhất mà một người có thể làm.
Một nụ cười hiểu ý còn tốt hơn nhiều lần một câu hỏi không phù hợp. Có thể cẩn thận quan sát những khó khăn của người khác và âm thầm giúp đỡ, đó mới là một người thiện lương.
Nhìn thấu không nói là trí tuệ
Vào thời Tam Quốc, Dương Tu là một mưu sĩ của Tào Ngụy, phục vụ dưới trướng của Tào Tháo. Ông được đánh giá là người có tài, xuất thân danh giá, học rộng biết nhiều. Tuy nhiên ông lại là người không biết giữ mồm giữ miệng, thường xuyên tỏ ra thông minh, như “đi guốc trong bụng” Tào Tháo, cuối cùng là tự chuốc họa vào thân.
Trong “Tam quốc diễn nghĩa” của La Quán Trung có viết về những chuyện Dương Tu làm Tào Tháo bực mình. Ví như một lần nọ, Tào Tháo sai người xây dựng một vườn hoa. Khi công việc xong, Tào Tháo đến xem, không nhận xét gì, chỉ lấy bút viết lên cửa vườn một chữ Hoạt – 活.
Dương Tu trông thấy bèn nói thợ phá cái cửa đi và làm lại nhỏ hơn. Có người hỏi thì Dương Tu nói đó chính là ý của Tào Tháo, rồi chỉ ra rằng, chữ Hoạt – 活 mà Tào Tháo lại viết ở ngay cửa vườn (Môn – 門 – nghĩa là cửa) thì thành ra chữ Khoát – 闊; mà chữ Khoát nghĩa là rộng, vậy ở đây có thể hiểu là cửa rộng quá, nên cho phá đi làm lại. Tào Tháo biết được việc này thì ngoài mặt tỏ ra hài lòng, nhưng lại có phần không vui, vì bị Dương Tu đọc được suy nghĩ của mình.
Lại một lần khác, có người ở Tái Bắc biếu một hộp sữa, Tào Tháo viết 3 chữ “Nhất hợp tô” – 一合酥 (một hộp sữa) ở trên mặt hộp rồi bỏ ở trên bàn. Dương Tu trông thấy thế, liền lấy ngay thìa chia với mấy người cùng ăn. Tào Tháo hỏi sao lại dám ăn thì Dương Tu thưa rằng:
– Trên hộp rõ ràng đề rằng “Nhất nhân nhất khẩu tô” – 一人一口酥 (chữ Hợp – 合 chiết tự ra thành 人一口), nghĩa là mỗi người một thìa sữa, chúng tôi đâu dám trái lệnh thừa tướng!
Tào Tháo ngoài miệng thì cười nhưng trong bụng thì ghét lắm.
Nhìn thấu cũng không nhất định phải nói ra, đặc biệt là những người ở địa vị của Tào Tháo, rất muốn biết rõ thuộc hạ, nhưng lại không muốn thuộc hạ biết rõ mình. Dương Tu cứ thoải mái nói ra mà không suy xét, đúng là tự đào hố chôn mình.
Một lần đi đánh trận, quân Tào Tháo bị kẹt tại Tà Cốc, tiến thoái lưỡng nan, dùng dằng không quyết được. Đang ngồi buồn bực thì nhà bếp mang lên bát canh gà, Tào Tháo nhìn trong bát có miếng gân gà, nghĩ đến tình cảnh của mình mà thở dài.
Vừa hay lúc đó Hạ Hầu đôn bước vào xin khẩu lệnh ban đêm, Tào Tháo buột miệng nói: “Gân gà! Gân gà!”. Hạ Hầu Đôn thấy khẩu lệnh này lạ lùng quá bèn thắc mắc đem hỏi Dương Tu. Dương Tu cười lớn rồi bảo Hạ Hầu Đôn chuẩn bị gói ghém đồ đạc, kẻo nội trong 3 ngày nữa Tào Tháo sẽ hạ lệnh rút quân. Dương Tu giải thích rằng khẩu lệnh “gân gà” nói lên tâm trạng của Tào Tháo, vừa muốn rút quân, vừa không muốn bỏ, giống như gân gà, ăn thì không có thịt, bỏ đi thì thấy tiếc.
Quả nhiên sau đó Tào Tháo ra lệnh hồi kinh. Việc Dương Tu đoán được ý của chủ nhân cuối cùng cũng đến tai Tào Tháo, khiến Tào Tháo tức giận và muốn tìm cơ hội giết Dương Tu.
Năm Kiến An thứ 24 (năm 219), Dương Tu cùng Tào Thực say rượu đi qua Tư Mã môn, do quá say nên đã hạ nhục bộ hạ của Tào Chương. Việc này được trình lên, Tào Tháo mượn cớ Dương Tu tự cao tự đại, để lộ quân cơ mà ra lệnh xử tử Dương Tu.
Thế nên, có những điều dù biết rõ cũng không cần phải nói ra, để tránh bị ganh ghét đố kỵ. Có những việc nhìn thông suốt cũng không cần phải thể hiện, chừa cơ hội cho người khác. Nhân sinh phức tạp, lòng người khó đoán, chỉ có khiêm tốn mới tránh được tai họa.
Người trí tuệ biết điều gì nên nói điều gì không, giữ tâm thiện lương, luôn đứng ở vị trí của đối phương mà suy xét, như vậy mới không làm người khác bị tổn thương. “Họa từ miệng mà ra”, cần phải chú ý tu khẩu để giữ gìn phúc đức cho bản thân.
Tổng hợp