Nội tâm tĩnh lặng mới có thể bất khả chiến bại
Vương Thủ Nhân (1472 – 1529) tự Bá An, biệt hiệu là Dương Vương Minh; là người huyện Dư Diêu, phủ Thiệu Hưng, Chiết Giang. Ông là nhà chính trị, nhà triết học, nhà tư tưởng nổi tiếng thời nhà Minh. Ông đã để lại rất nhiều triết lý giúp người đời sau tu tâm dưỡng tính, vượt lên khó khăn gian khổ để hoàn thiện bản thân.
- Ngọc thạch rớt thế gian, tu tâm hồi thiên quốc
- Câu chuyện luân hồi của nhà hiền triết nổi tiếng Vương Dương Minh
Nội dung chính
Chí hướng ra sao thì con người cũng thành như vậy
Vương Dương Minh nói: “Việc quan trọng nhất đó là đọc sách để làm bậc thánh hiền”.
Năm 1483, Vương Dương Minh tại trường tư thục ở Bắc Kinh đọc sách. Có một ngày, ông nghiêm chỉnh hỏi thầy của mình: “Việc quan trọng nhất là gì?” Câu này cũng giống như là đang hỏi giá trị cuối cùng của đời người là gì?
Thầy ông lắp bắp kinh hãi, bởi vì chưa từng có học trò nào hỏi ông vấn đề này. Nhưng ông cũng nhanh chóng đưa ra câu trả lời rằng: “Tất nhiên là đọc sách làm quan lớn rồi!”
Vương Dương Minh nghiêm túc nói với thầy: “Con cho rằng không phải như vậy”. Dừng một lúc, ông trịnh trọng nói tiếp: “Con cho rằng việc quan trọng nhất đó là đọc sách để làm bậc thánh hiền”.
Người xưa có một câu nói rằng “Tam tuế khán đại, thất tuế khán lão”, ý rằng nhìn trẻ lúc lên 3 có thể biết tâm tính nó khi trưởng thành; nhìn trẻ lúc lên 7 sẽ biết cả đời của nó. Vương Dương Minh từ nhỏ đã lập chí làm bậc thánh hiền; về sau quả nhiên đã trở thành một bậc thánh hiền lưu danh sử sách.
Hoàn cảnh càng khó khăn thì càng phải tu tâm dưỡng tính
Vương Dương Minh nói: “Tôi lấy việc xúc động khi thi rớt làm hổ thẹn”.
Năm 1496, Vương Dương Minh lại một lần nữa thi rớt cuộc thi hội. Có người lúc yết bảng nhìn không thấy tên mình thì gào khóc thảm thiết; Vương Dương Minh lại thờ ơ coi như không. Có người cho rằng Vương Dương Minh đang rất đau khổ nên tới an ủi ông.
Tuy nhiên Vương Dương Minh chỉ thoáng cười mà nói rằng: “Mọi người đều lấy việc thi rớt làm hổ thẹn, tôi lại lấy việc xúc động khi thi rớt làm hổ thẹn”.
Cuộc đời không tránh khỏi những lúc gặp phải gian nan, vất vả; chính những lúc như thế mới thể hiện được trình độ tu tâm dưỡng tính của một người. Người bình thường sẽ hoảng loạn bi thương; chỉ người có tu dưỡng thâm sâu mới có thể thản nhiên như không. Văn Thiên Tường nói thật đúng: “Thời cùng tiết nãi hiện” (gặp buổi cùng cực biểu hiện khí tiết).
Vương Dương Minh cũng từng nói: “Con người phải trải qua ma sát sự tình cụ thể thì mới có thể tu được vững chắc; mới có thể tĩnh tại, yên ổn; gặp nguy không loạn. Gian nan khốn khó chính là rèn luyện tốt nhất cho tâm tính”.
Nội tâm hùng mạnh mới có thể bất khả chiến bại
Vương Dương Minh nói: “Điều quyết định thắng bại là ở tâm động hay bất động”.
Có đệ tử hỏi Vương Dương Minh, dùng binh thì có kỹ xảo nào đặc biệt không? Vương Dương Minh trả lời rằng: “Không có kỹ xảo nào cả, chỉ là nỗ lực học tập, nuôi dưỡng cho tâm bất động; nếu như phải nói là có kỹ xảo nào đó thì tâm bất động là kỹ xảo duy nhất. Trí tuệ của mọi người cũng không khác biệt nhau nhiều; điều quyết định thắng bại là để xem tâm này có động hay không”.
Vương Dương Minh nêu ra một ví dụ, “Trong cuộc chiến với Chu Thần Hào, chúng tôi bị rơi vào tình thế không thuận lợi. Tôi lệnh cho người bên cạnh chuẩn bị hỏa công nhưng anh ta không có động tĩnh gì; phải nói đến lần thứ tư thì anh ta mới định thần lại. Loại người này chính là bình thường học hành không đến nơi đến chốn, khi lâm trận thì hoảng loạn, lúng túng. Trí tuệ cũng không phải là từ trên trời rơi xuống, mà là phải bỏ ra công phu học hành nghiêm túc”.
Người có nhiều kỹ xảo tưởng chừng là thông minh, kỳ thực đều chỉ là khôn vặt. Bậc trí giả chân chính, làm việc gì cũng lấy gốc làm điều cơ bản; muốn đạt được gì cũng đều dựa vào công phu luyện tập gian khổ.
Làm theo bản tính của chính mình
Vương Dương Minh nói: “Vị hòa thượng này cả ngày nói a a cái gì! Cả ngày trơ mắt nhìn cái gì!”
Vương Dương Minh nhìn thấy một nhà sư đang ngồi trong chùa, nghe nói vị sư này đã ngồi thiền ba năm, không nói không nhìn bất cứ thứ gì. Vương Dương Minh mỉm cười và đi dạo quanh nhà sư mấy vòng; giống như là đạo sĩ bắt ma đang làm phép. Sau đó ông đứng trước mặt và nhìn thẳng vào nhà sư, ông bất ngờ quát lên: “Vị hòa thượng này cả ngày nói a a cái gì! Cả ngày trơ mắt nhìn cái gì!”
Sau đó nhà sư kinh hoảng mở mắt ra và cất lên tiếng “a a”. Vương Dương Minh nhìn chăm chú ông ta và nói: “Trong nhà còn có ai?”, Sư đáp “Còn có mẹ già”. Vương Dương Minh lại hỏi: “Nhớ bà ấy không?” Nhà sư không nói gì. Lúc này không gian yên tĩnh, có thể nghe thấy tiếng mồ hôi của nhà sư chảy từ trên đầu chảy xuống. Sau đó nhà sư phá sự im lặng và trả lời đầy xấu hổ: “Làm sao có thể không nhớ được!”
Vương Dương Minh tỏ ra hài lòng, nhẹ nhàng vẫy tay với nhà sư và nói: “Đi về nhà chăm sóc mẹ đi”. Ngày hôm sau nhà sư rời chùa và trở về nhà.
Tu tâm dưỡng tính phải thiết thực, không phải ở hình thức
Vị hòa thượng này rõ ràng đã không nói và không nhìn gì trong suốt 3 năm, vậy tại sao Vương Dương Minh lại hỏi ông ta đã nói và nhìn cái gì?
Bởi vì Vương Dương Minh thấy được rằng bề ngoài nhà sư tuy không nói và không nhìn cái gì, nhưng trong tâm lại không ngừng nói và nhìn. Vương Dương Minh thực ra muốn nói với nhà sư một điều: Thuận theo bản tính của chính mình; thuận theo lương tâm của chính mình thì mới là con người, mới hợp với đạo lý.
Theo Secret China