Các cách cảm thông cho người khác
Mỗi người đều có hoàn cảnh riêng của mình, thay vì cải biến, hãy thử cảm thông cho người khác.
Nội dung chính
1. Biết cảm thông cho người khác chính là biết tôn trọng sự khác biệt
Tầm cao của một người thực sự không phải là ở học vấn, tài sản hoặc địa vị, mà nằm ở sự tôn trọng của bạn đối với những người bạn gặp.
Triết gia người Đức Kant từng nói: “Tôi tôn kính bất kỳ một linh hồn độc lập nào; mặc dù cũng có một chút tôi không đồng ý, nhưng tôi sẽ cố gắng dùng hết khả năng của mình để đi lý giải họ”.
Sống tốt rất đơn giản, chính là biết cách cảm thông cho người khác. Cảm thông cho người khác cũng rất đơn giản, chính là tôn trọng người khác, tôn trọng sự khác biệt.
Lương Khải Siêu, một nhà tư tưởng Trung Quốc, ông được mọi người tôn kính cũng là vì ông biết cách tôn trọng sự khác biệt.
Lương Khải Siêu và Nghiêm Phục có thể coi là một đôi bạn vong niên; tuy hai người có quan điểm học tập và chính trị khác nhau nhưng họ lại có một mối quan hệ tốt đẹp. Trong bức thư gửi Nghiêm Phục, Lương Khải Siêu nói: “Người trong thiên hạ biết tôi mà có thể dạy được tôi, ngoài cha và thầy của tôi ra, thì không có ai như Nghiêm Phục tiên sinh”.
Dù khác biệt nhưng không đả kích
Do khác biệt về quan điểm học tập nên hai người có sự giãn cách. Nghiêm Phục đã nhiều lần chỉ trích Lương Khải Siêu. Đối diện với những lời phê bình và chỉ trích của Nghiêm Phục, Lương Khải Siêu lựa chọn cách giữ im lặng.
Sự tôn trọng của Lương Khải Siêu với Nghiêm Phục cũng không vì những lời phê bình này mà giảm đi, bất kể là làm việc gì quan trọng ông cũng đều mời Nghiêm Phục tham gia.
Trong thế giới rộng lớn, mỗi người đều có những trải nghiệm khác nhau, có những lập trường khác nhau, cảm thông cho người khác chính là biết cách tôn trọng sự khác biệt.
2. Hiểu được những khó khăn của người khác
Con người ai cũng khổ, đối mặt với cuộc sống, ai cũng có chỗ yếu đuối của mình, đều không dễ dàng. Chỉ khi hiểu được cho những khó khăn của người khác, bạn mới có thể đạt đến sự trưởng thành từ sâu thẳm trong tâm hồn.
Cho dù là ở cùng người thân hay người xa lạ, bạn đều có thể đánh giá cao những mặt tốt của đối phương; cảm thông cho những khổ đau của đối phương.
Những gì đã xảy ra trong cuộc sống của người khác, những gì họ đang phải trải qua, những người ngoài cuộc như chúng ta chỉ có thể nhìn thấy được vẻ bề ngoài. Ngay cả khi là người nhà, chúng ta cũng không thể hiểu hết được những đau khổ của người thân.
Người không biết cảm thông cho những đau khổ của người khác, sẽ không có lòng cảm ân. Họ luôn cảm thấy tất cả mọi người đều mắc nợ mình; họ ích kỷ nghĩ rằng ai cũng phải phục vụ mình; chỉ thích lấy được mà không biết cho đi.
Bạn không thể thay đổi người khác, nhưng có thể cảm thông cho họ
Mối quan hệ giữa Lương Khải Siêu và Khang Hữu Vi đã có những biến đổi bất ngờ. Trong những năm đầu, Lương Khải Siêu thi đỗ và theo học Khang Hữu Vi. Về sau Lương Khải Siêu lưu vong ở hải ngoại, hai người dần dần bất hòa với nhau.
Khang Hữu Vi từng viết thơ mắng Lương Khải Siêu là không bằng cầm thú, làm trái luân thường; gọi ông là “Lương tặc khải siêu”.
Năm Dân Quốc thứ 10, thuận theo sự phát triển của thời đại, trào lưu tư tưởng mới xuất hiện nhiều, Lương Khải Siêu đột nhiên hiểu ra sự ngoan cố của Khang Hữu Vi trước đây. Lương Khải Siêu đã dần dần biết cách cảm thông cho những khó khăn của Khang Hữu Vi của mình. Năm Dân Quốc thứ 16, trong sinh nhật của Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu đã đến để chúc thọ ông.
3. Học cách suy nghĩ cho người khác
Chúng ta không có đủ trí tuệ để biết hết được những hỉ nộ ai lạc của người khác. Nhưng đôi khi, bạn có thể tìm thấy câu trả lời bằng cách đặt mình vào vị trí của người khác.
Biết cảm thông cho người khác chính là biết cách đặt mình vào vị trí của đối phương; học cách nghĩ cho người khác.
Đầu năm 1925, Lương Khải Siêu phát hiện mình bị chứng bệnh ‘tiểu ra máu’; vì nó không đau nên ông cũng không để ý.
Năm 1926, Lương Khải Siêu bởi vì bệnh ‘tiểu ra máu’ mãi không khỏi nên mới nhập bệnh viện Hiệp Hòa để chữa trị; hy vọng có thể chữa khỏi bằng cách phẫu thuật.
Vào thời ấy, y học phương tây vẫn chưa phổ biến ở Trung Quốc. Người Trung Quốc đối với y học phương tây thì vẫn có thái độ hoài nghi. Lương Khải Siêu sau khi phẫu thuật thì bệnh tình cũng không thấy có chuyển biến. “Hơn 20 ngày sau ca mổ, ông vẫn đi tiểu ra máu”. Vì vậy mọi người mới hoài nghi là bệnh viện Hiệp Hòa đã có sai sót trong quá trình phẫu thuật.
Đã có những bài viết nhằm tấn công bệnh viện Hiệp Hòa, gây được sự chú ý của dư luận.
Cảm thông cho người khác, nội tâm tự an ổn
Trước tình huống này, Lương Khải Siêu đã viết một bài báo có tên là “Bệnh của tôi và bệnh viện Hiệp Hòa”. Trong đó ông nói rằng, phương pháp điều trị của bệnh viện Hiệp Hòa có hiệu quả và trách nhiệm không thuộc về bệnh viện Hiệp Hòa.
“Tôi hy vọng rằng xã hội sẽ không lấy căn bệnh hiện tại của tôi như một cái cớ để tạo ra một loại lập luận quái đản; làm chướng ngại cho sự tiến bộ của y học Trung Quốc”. Ông viết.
Một người có văn hóa, có tu dưỡng thực sự, có thể dùng lòng từ bi và khoan dung để thành tựu người khác. Thành tựu người khác kỳ thực cũng là thành tựu chính mình.
Biết cách cảm thông cho người khác là thể hiện của người có tu dưỡng. Tôn trọng và thiện đãi người khác, thì tự nhiên nội tâm cũng được an ổn.
Theo Vision Times
Xem thêm video: