Giáo dục con cái theo ‘Binh pháp Tôn Tử’
Ngày nay, điều khó khăn nhất của giáo dục con cái là làm sao thuyết phục chúng trở thành người tốt, kính trọng cha mẹ và sẵn sàng giúp đỡ người khác.
Làm thế nào để trẻ em tin rằng chúng cần trở thành người tốt? Câu trả lời thực ra nằm trong “Binh pháp Tôn Tử”, một tác phẩm văn học ưu tú với nhiều câu nói nổi tiếng.
Nội dung chính
Người lớn có thực sự hiểu con trẻ?
Khi cha mẹ cảm thấy tức giận và buồn bã vì con cái thô lỗ và mâu thuẫn với họ, có lẽ có một điều chúng ta phải tự hỏi mình: Người lớn có thực sự hiểu con trẻ? Chúng đang làm gì hàng ngày và chúng đang nghĩ gì?
Bạn đã lắng nghe chúng một cách cẩn thận chưa? Bạn có biết sở thích và mong muốn trong lòng của chúng hay không? Liệu bạn có áp đặt những gì mình cho là tốt lên chúng?
Ví dụ, sau khi vẽ một bức tranh, hoặc xếp xong một món đồ chơi, trẻ con vui mừng, hào hứng nói chuyện với cha hoặc mẹ về đồ chơi này hoặc ai được hình dung trong bức tranh này. Trẻ có trí tưởng tượng phong phú và nhiều câu chuyện muốn chia sẻ cùng cha mẹ.
Nhưng đa số cha mẹ đều bận rộn. Mấy ai dành thời gian quan tâm đến những điều nhỏ nhặt tưởng như vô nghĩa ấy. Cha mẹ có thể còn bận nấu ăn, có thể còn đang đọc báo, có thể đang xem một chương trình truyền hình. Hoặc mải mê tán gẫu với bạn bè, than thở về những muộn phiền cuộc sống, mà không còn thời gian rảnh rỗi, chú ý đến thế giới của bọn trẻ.
Dành thời gian cho con
Vậy giáo dục con cái có liên quan gì đến “Binh pháp Tôn Tử”, vốn là một kiệt tác quân sự? Dạy trẻ em có vẻ không liên quan gì đến nghệ thuật chiến tranh. Tuy nhiên, một ngày nọ, tôi chợt nhận ra rằng ngay cả khi chưa ai trong chúng ta đọc “Binh pháp Tôn Tử”, chúng ta đã thực sự sử dụng nó ở khắp mọi nơi để giải quyết các vấn đề trong cuộc sống một cách khôn ngoan, bao gồm cả giáo dục con cái.
Trên thực tế, là một người mẹ, tôi đã sử dụng trí tuệ trong “Binh pháp Tôn Tử” một cách tình cờ. Nó bắt đầu từ một cuộc trò chuyện giữa hai mẹ con tôi cách đây không lâu sau khi ghé thăm một hiệu sách.
Giáo dục con cái bằng cách cùng con đi chơi
Được nghỉ hè, tôi đi chơi với con gái nhỏ đang học lớp 3. Hôm đó tâm trạng tôi không được tốt, vì công việc không suôn sẻ. Tôi cảm thấy rất bất lực, cô độc. Một mình ở Nhật, vừa phải chăm sóc ba đứa con, vừa phải lo cho công việc, rất nhiều áp lực và tôi thường cảm thấy rất mệt mỏi. Tôi không thể lúc nào cũng để ý đến chúng. Khi bận rộn tôi thường bỏ qua cảm xúc của con cái.
Tôi xấu hổ thú nhận rằng tôi đi chơi với con không hoàn toàn vì đứa trẻ. Tôi cũng có sự ích kỷ của riêng mình. Tôi muốn cùng con đi mua sắm, đi ăn và rủ con đi cùng đến một nhà sách lớn ở đó để mua sách. Tôi đã quen tìm kiếm những cuốn sách để giải quyết khó khăn mà mình gặp phải trong công việc.
Hiệu sách ở đó rất lớn, và cơ hội là rất hiếm, tôi không muốn bỏ lỡ nó. Thật không dễ dàng để thực hiện một chuyến đi đặc biệt. Vì vậy, tôi hỏi con có muốn đi cùng tôi đến hiệu sách lớn không. Đứa trẻ không muốn đi, chỉ muốn về nhà nhanh và nói rằng mệt lắm.
Lúc này nỗi bất lực, uất ức trong lòng tôi lại ùa về. Bất giác tôi than thở về hoàn cảnh của mình. Nhưng kinh nghiệm nhiều năm đã dạy tôi rằng đây là một điều kiện thực tế không thể tránh khỏi. Không còn cách nào khác là phải đối mặt với nó. Vì vậy, tôi thở dài và quyết định từ bỏ việc mua sách.
Ghé thăm một hiệu sách
Bất ngờ, đứa trẻ nói rằng có thể đến hiệu sách ở gần nhà để xem thử.
Thật lạ, tôi đã đến hiệu sách đó nhiều lần, chưa bao giờ cảm thấy có gì đặc biệt. Nhưng lần này, sau khi nghe lời con kể, tôi thấy có những giá sách mà mình chưa từng thấy bao giờ. Trong lòng tôi tự hỏi tại sao trước đây mình lại bất cẩn như vậy. Khi biết thứ mình muốn đang ở ngay trước mặt, đang cận kề bên cạnh nhưng mình lại không chú ý đến, tôi mới nhận ra xưa nay mình toan tính và ích kỷ quá. Chính do lòng bất an mà đã bỏ qua nhiều thứ xung quanh!
Một cuộc trò chuyện về một con chó
Vì vậy, khi bước ra khỏi nhà sách, tôi đã điều chỉnh lại tâm lý và quyết định gác lại công việc, tập trung nói chuyện với con. Trên đường về, đứa trẻ cứ chăm chăm nhìn những chú chó con và mèo con được người khác dắt đi dạo chơi và nói với tôi, con chó sao mà dễ thương quá, con mèo trông thích thế nào. Sau đó, con gái đột nhiên hỏi tôi rằng mẹ thích mèo hay chó. Tôi nói là chó, bởi vì chó rất trung thành với chủ. Chúng luôn tận tâm bảo vệ chủ và gia đình.
Nói về tình huống chú chó tìm đồ giúp chủ
Cô con gái nói, có phải vì đồ của chủ nhân bị mất nên chó con mới hiểu được lời nói của chủ nhân và giúp chủ nhân tìm lại đồ bị mất hay không? Ví dụ, nếu chủ quên nơi đã đặt một cái gì đó, con chó sẽ tìm thấy nó và chạy đến với chủ? Tôi nói rằng đúng vậy, chừng nào đồ đạc vẫn để ở nhà, chó dùng mũi nhạy cảm là có thể phát hiện ra được.
Cô con gái cảm thấy vui vẻ, hỏi rằng nếu là chó con của mẹ, nó tìm được vật gì đó và chạy đến mẹ, mẹ có sờ đầu nó không? Tôi chưa bao giờ nuôi chó, tự nhiên bộc phát theo gợi mở của con gái thì bắt đầu hình dung ra. Tôi đáp rằng chắc mẹ sẽ rất vui, sẽ thích nó, sờ đầu nó khen ngợi. Nó đã làm những điều tốt đẹp, và tất nhiên nó mong chủ nhân vui vẻ. Nếu chủ nhân không thể hiện điều đó, nó sẽ rất thất vọng, rất buồn.
Bất ngờ, cô con gái hỏi một điều kỳ lạ: con chó giúp chủ để được khen ngợi? Tôi sững sờ một lúc rồi trả lời ngay là không; đó là vì nó muốn chủ hài lòng và có thể giải quyết vấn đề cho chủ. Cảm giác chủ rất vui, còn nó rất hữu ích và có giá trị. Lời khen ngợi của chủ nhân là lời khẳng định tuyệt vời nhất. Khuôn mặt tươi cười của chủ nhân là mong muốn của nó. Vì vậy giúp được chủ nhân khiến chó cảm thấy rất hạnh phúc.
Liên hệ đến việc giúp đỡ người khác
Lúc này, tôi chợt nghĩ, đây chẳng phải là cơ hội tốt nhất để bọn trẻ hiểu những gì người lớn thường nói về việc trở thành người tốt và giúp đỡ người khác hay sao? Vì vậy, tôi liền nói “bây giờ, con đã hiểu tại sao mọi người nên là người tốt chưa?”. Bởi vì giúp đỡ người khác, không chỉ người khác sẽ hạnh phúc, mà chính con cũng sẽ cảm thấy rất hạnh phúc và có giá trị. Con gái nhìn tôi và gật đầu lia lịa, như thể vừa chợt nhận ra điều này.
Câu chuyện về con mèo
Sau đó, con gái nhớ đến một con mèo bị bỏ rơi; nó bị sẹo và được một ông già nhặt về. Con mèo rất thân thiết với ông già và đi theo ông mọi lúc mọi nơi. Nghe con gái kể câu chuyện này, tôi mới nhận ra tại sao gần đây nó luôn nói rằng nó thích mèo, thường đi xem mèo của người khác, cũng đã đặt tên cho một con mèo.
Tôi xấu hổ vì quá bận rộn với công việc nên đã không lắng nghe các con của mình. Con gái nói tiếp rằng ông già đã làm một việc tốt là giải cứu mèo con; mèo con hẳn phải rất biết ơn và hạnh phúc. Ông già chắc cũng rất vui. Dường như con gái tôi đang thực sự muốn thành người hữu ích!
Con gái vui vẻ hứa với tôi rằng sau này, nó sẽ thường xuyên đến thăm một con mèo con gần đó sau khi học đàn piano. Con bé lo lắng rằng con mèo sẽ quá cô đơn, nên sẽ đến thăm nó thường xuyên. Con cũng nói cho tôi biết, ngay khi nhìn thấy con bé và nghe con bé chào tên chú mèo con, chú mèo con đã vội chạy đến và trông rất vui vẻ.
Liên hệ đến việc giáo dục con cái
Tôi chợt nảy ra một suy nghĩ và hỏi con gái. Nếu chú mèo phớt lờ con và không nhìn lại con khi nghe gọi, con có cô đơn và cảm thấy bị bỏ rơi không. Con gái tôi nói, tất nhiên nó sẽ rất buồn. Tôi hỏi con gái thêm nữa, tại sao con lại phớt lờ, thậm chí nhăn nhó khi mẹ gọi con ăn cơm hoặc có việc gì cần nhờ con? Mẹ không buồn sao?
Cô con gái ngay lập tức nhận ra mình sai nên cười cười: ‘Mẹ ơi, do con mải xem tivi quá’. Tôi nói với con rằng ít nhất giọng điệu không nên tức giận, sẽ làm tổn thương người khác. Con có thể nói đợi con một chút. Nếu con không trả lời, mọi người sẽ cảm thấy bị bỏ qua. Hơn nữa, mẹ đã nuôi dạy con rất nhiều. Đó là một công việc không dễ dàng gì. Con nhớ giọng điệu phải tốt, kính trọng cha mẹ. Cô con gái không cự tuyệt nữa mà răm rắp đồng ý với mẹ.
Dùng Binh pháp Tôn Tử trong giáo dục con cái
Qua sự việc này, tôi nhận ra rằng muốn giáo dục trẻ em cần phải hiểu trẻ em. Nếu quan tâm nhiều hơn, cha mẹ sẽ có thể hiểu được cảm xúc và mối quan tâm của trẻ. Nói nhiều hơn về những điều trong cuộc sống của trẻ và lắng nghe những suy nghĩ thực sự của trẻ, cha mẹ sẽ có thể giải quyết các vấn đề một cách tự nhiên. Người lớn muốn dạy các nguyên tắc cho trẻ, hãy dựa trên những sự việc và kinh nghiệm mà chúng gặp phải.
Trong kinh tế và chiến tranh, mọi người đều hiểu được tầm quan trọng của nguyên tắc “Biết người, biết ta, trăm trận trăm thắng”. Thật ra ở đâu cũng cần đến trí tuệ như vậy. Làm sao có thể giải quyết các vấn đề và xung đột mà không cần biết tình hình thực tế của đối phương?
Muốn giáo dục con cái, cha mẹ cần lắng nghe
Đối với việc giáo dục con cái cũng như vậy. Khi trẻ có mâu thuẫn, xích mích với cha mẹ, nếu chúng ta không đủ bình tĩnh, kiên nhẫn và hiểu được tâm tư, hoàn cảnh thực sự của trẻ thì có thể giải quyết vấn đề như thế nào? Đối với tôi mà nói, đây là một đúc kết sâu sắc.
Vì vậy, cha mẹ nên bình tĩnh, gạt bỏ phiền nhiễu sang một bên. Quan tâm đến trẻ và cho chúng cơ hội để thực sự bày tỏ mong muốn cũng như cảm xúc của mình. Hãy để mọi thứ được tự nhiên và thoải mái.
Mỗi ngày, nếu bạn có thể yên lặng lắng nghe con nói, bạn sẽ tìm ra vấn đề. Có lẽ, nhiều vấn đề trong giáo dục con cái theo đó sẽ được giải quyết một cách tự nhiên.
Nguồn: Mu Yao/Secret China
Xem thêm: