Giữa những bộn bề nhân sinh, hạnh phúc rốt cục là gì?
Cuộc sống của chúng ta đang ngày càng trở nên sung túc, đời sống vật chất đủ đầy nhưng đời sống tinh thần dường như không theo lên kịp. Con người sống trong xã hội, giữa những bộn bề nhân sinh, hạnh phúc rốt cục là gì?
Một cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc thường có hai yếu tố: Thứ nhất là bản thân mình cảm thấy thoải mái hạnh phúc, sau đó là khiến cho người khác cảm thấy thoải mái hạnh phúc vì sự tồn tại của mình.
Hạnh phúc là khi chẳng cầu hơn ai, chỉ mong được tự tại
Cổ ngữ có câu: “Trên đời vốn chẳng có chuyện gì đáng lo, chỉ có kẻ thích tự chuốc lấy phiền toái”.
Nỗi đau của một người, ngoài những thương tích thật sự trên thân thể ra, thì đều là những đau đớn vô cớ.
Có một câu chuyện cổ kể rằng: Thời Tây Tấn, Thạch Sùng và Vương Khải đều là những bậc cự phú, nhưng họ lại luôn luôn hơn thua nhau về độ giàu có của mình.
Khi nghe nói rằng Vương Khải dùng đường ăn để cọ nồi, Thạch Sùng liền dùng nến để làm củi đốt.
Thời đó thạch cao còn quý hiếm, nghe nói Vương khải dùng thạch cao để trát tường, thạch Sùng bèn dùng hoa tiêu quý giá để sơn tường.
Thế nhưng việc không ngừng hơn thua với Vương khải lại không hề khiến Thạch Sùng cảm thấy vui vẻ tự tại, ngược lại càng trở nên phiền não, nếu không thế thì sao ông lại sáng tác ca khúc “Ảo não khúc“, dành riêng cho nàng Lục Châu?
Bận rộn toan tính so đo, dẫu giàu sang quyền thế tới mấy cũng chẳng vui vẻ gì. Đôi khi hạnh phúc chỉ đơn giản là một người bình thường, chẳng cầu hơn ai, chỉ mong tự tại.
Trong biển người mênh mang, mỗi người đều có những nỗi niềm và khó khăn riêng. Để có thể bảo trì một tâm thái tốt, không bị những chuyện bên ngoài làm cho phiền não, thực cũng không dễ dàng gì.
Về vấn đề này, Vương Dương Minh đã từng nhắc nhở chúng ta rằng: “Con người cần phải ma luyện bản thân trước thế sự, mới có thể trụ vững được, động tĩnh bất động”.
Những vui buồn một đời vốn không thể thay đổi, nhưng chúng ta có thể tận lực làm những việc của mình, sống nghiêm túc và trách nhiệm với cuộc đời mình.
Chúng ta có thể không thay đổi được những sự việc đã định trước, nhưng chỉ cần biết thuận theo tự nhiên, bình tĩnh xử lý mọi tình huống, thì vẫn có thể thong dong sống qua từng ngày.
Sống biết đủ, tự biết hài lòng chính là hạnh phúc
Cuộc sống tựa như một bộ phim vậy, mỗi chúng ta đều là nhân vật chính trong cuộc đời mình.
Bất luận là khi gặp khó khăn đến mấy, cũng đừng sa vào thống khổ, biến mình thành một nhân vật bi thương.
Khổng Tử từng nhiều lần khen ngợi Nhan Hồi rằng:“Hiền vậy thay Nhan Hồi! Một giỏ cơm, một bầu nước, ở chỗ ngõ hẹp, giá người khác ở vào cảnh ấy thì lo buồn không chịu được, thế mà Nhan Hồi không bao giờ đổi cái vui của mình. Hiền vậy thay Nhan Hồi!“
Người trí tuệ thực sự, cho dù số phận chỉ cho một miếng cơm, một ngụm nước ở nơi hẻm nhỏ vẫn có thể sống thật tự tại, vui vẻ, an nhiên.
Về chủ đề này, có thể có nhiều người nghĩ:”Tôi chỉ có một gia đình bình thường, một người bạn đời bình thường, con cái không có gì nổi bật, trong khi những người khác có thể sống trong giàu sang phú quý, cuộc sống này của tôi thật chẳng có gì vui vẻ.”
Thế nhưng, có một người vợ ở bên, con cái hòa thuận, năm tháng êm đềm, là điều mà những gia đình luôn bất hòa, lục đục không thể có được, có cầu cũng không được.
Thật vậy, có một gia đình nhỏ vui vầy đã là một loại hạnh phúc lớn lao với nhiều người trong xã hội. Sống biết đủ, biết tự hài lòng chính là hạnh phúc.
Hạnh phúc là khi lòng mình an định và khiến người khác được yên tâm
Trong cuộc sống, chỉ cần đơn giản là “tôi làm việc, bạn yên tâm”.
Có rất nhiều người có năng lực, nhưng người ta thường chọn những người đáng tin cậy để hợp tác.
Những người đáng tin cậy là những người chân thành và tốt bụng, họ luôn có đủ tinh thần trách nhiệm để đốc thúc bản thân hoàn thành các công việc, làm việc đến nơi đến chốn.
Khi Vương Dương Minh làm Tri huyện ở Lư Lăng, ông luôn chuyên cần chính sự, việc lớn nhỏ đều tự mình xử lý, cẩn thận không chút qua loa.
Có một học trò từng hỏi ông: “Tiên sinh, ngài không biết mệt sao”
Ông đáp rằng: “Làm việc không có tâm được mất, thì sẽ không cảm thấy mệt“
Rất nhiều người coi công việc và trách nhiệm như gánh nặng, suốt ngày ca thán, lòng đầy oán trách, nên càng làm càng thấy tinh thần mệt mỏi.
Thân thể mệt mỏi thì chỉ cần nghỉ ngơi, nhưng tinh thần mệt mỏi thì không dễ mà khôi phục. Nếu một người luôn mệt mỏi cả về tinh thần và thể chất thì sao có thể khiến người khác yên tâm được?
Ngược lại, nếu chúng ta đối mặt với công việc với một thái độ tích cực và tinh thần trách nhiệm, sẽ khiến cả thân và tâm chúng ta đều cảm thấy nhẹ nhàng, làm ít được nhiều, càng dễ nhận được sự tán thành.
Tào Tháo từng viết trong “Đoản ca hành”:
Đối rượu thì hát ca,
Nhân sinh có nhiêu đâu?
Chỉ thoảng như sương mai,
Vốn khổ đau qua ngày.
Nhân sinh thực sự ngắn ngủi, hạnh phúc rốt cục là gì? Thực ra, có thể cảm nhận được hạnh phúc, cũng là một loại phúc khí. Có thể khiến bản thân an ổn mới là căn bản của hạnh phúc. Khiến cho người khác yên tâm chính là năng lượng của hạnh phúc. Một người thực sự thông minh sẽ không tìm kiếm đau khổ trong quá khứ, mà tìm kiếm hạnh phúc trong hiện tại!
Theo Zhbaike