Người xưa nói “nhà tích thiện ắt có dư phúc, nhà không tích thiện ắt có dư họa”, người hay hành thiện thì có thể thay đổi được đường đời.

Trong “Tiểu song u ký” của tác giả Trần Kế Nho thời nhà Minh có câu: “Nhất niệm chi thiện, cát thần tùy chi; nhất niệm chi ác, lệ quỷ tùy chi”, đại ý là, một người nếu như xuất ra thiện niệm thì sẽ gặp được may mắn, được chính Thần bảo hộ, mọi việc đều an lành; còn nếu như xuất ra ác niệm thì sẽ có ác quỷ đi theo, thường xuyên gặp phải tai họa và phiền toái.       

Người lâm vào khốn cảnh thì suy nghĩ và hành động thiện lương chính là cách tốt nhất để tự cứu lấy mình, dưới đây là một câu chuyện như vậy:

Cách tự cứu mình của ngạ quỷ

Trong “Duyệt vi thảo đường bút ký” của Kỷ Hiểu Lam thời nhà Thanh có một câu chuyện như sau: Lý Tình Lân, người ở Cảnh Châu kể rằng: Có vị Lưu tiên sinh ở trong một ngôi chùa cổ để dạy học cho trẻ em. Một đêm nọ, dưới ánh trăng mờ, có hai ngạ quỷ (quỷ đói) đi đến chỗ Lưu tiên sinh để xin chút cơm thừa canh cặn. Lưu tiên sinh nói: “Cửa Phật thường xuyên cử hành pháp sự kinh sám hối, công đức này đã đủ để cứu tế ngạ quỷ ở âm gian. Các ngươi vì sao không tìm tới hòa thượng trong chùa để xin được siêu độ?”

Ngạ quỷ nói: 

“Ngạ quỷ muốn được siêu độ thì cũng phải nhờ kiếp trước gieo mầm thiện lương. Hai người chúng tôi đời trước toàn đi luồn cúi quan lại, xem ai quyền thế lớn thì đến nịnh hót để dựa dẫm. Nếu người đó lụn bại, chúng tôi lập tức trở mặt không nhận người quen, coi như người dưng nước lã. 

Khi chúng tôi đắc ý, chưa từng làm được một việc tốt gì để giúp đỡ người nghèo khó. Kiếp trước không tích được chút nhân thiện nào, bây giờ rơi vào đường ngạ quỷ, thì làm sao có đủ thiện duyên để mà được siêu độ? 

Nhưng cũng may mắn là chúng tôi hồi đó không lấy của phi nghĩa, cũng không có tham lam, bủn xỉn quá đáng. Trong bạn bè người thân, ai nghèo đói khó khăn, mẹ góa con côi thì cũng giúp đỡ đôi chút. Cho nên bây giờ mới thỉnh thoảng có được một chút lòng thương xót, ăn được một miếng cơm thừa canh cặn. Nếu không thì cũng giống như mẹ của Mục Kiền Liên, bị đọa vào địa ngục. Thức ăn dẫu có đưa đến miệng thì cũng hóa thành than lửa. Cho dù là đại thần thông của Phật, Bồ Tát, thì cũng không làm gì được với nghiệp lực của bản thân!” 

Lưu tiên sinh nghe xong thì động lòng thương cảm, liền đáp ứng thỉnh cầu của họ. Ngạ quỷ cảm kích không thôi, nghẹn ngào khóc lóc mà rời đi. Từ đó mỗi lần Lưu tiên sinh đem cơm thừa canh cặn rải về hướng bức tường thì dường như những ngạ quỷ đó cũng có cảm ứng, liền đi đến để ăn, tuy nhiên không để lại dấu vết hay cũng không nghe thấy nói chuyện gì.

Thay đổi được đường đời; Hành thiện mới thay đổi được đường đời
Hành thiện là cách để tự cứu lấy mình (ảnh minh họa Pinterest)

Hơn 1 năm sau, vào một buổi tối nọ, đột nhiên nghe thấy phía bên ngoài tường có tiếng gọi: “Lưu tiên sinh! Nhờ có ngài khoản đãi một thời gian dài, hôm nay tới để cáo biệt ngài đây!” Lưu tiên sinh ngạc nhiên hỏi: “Các ngươi phải đi đâu?” 

Ngạ quỷ nói: “Chúng tôi không có cách nào để cầu được siêu thoát, chỉ có thể làm một số việc tốt trong khả năng cho phép, để mong có thể tự thoát khổ. Trong cánh rừng này có rất nhiều chim hoang, có người muốn bắn chúng, chúng tôi liền làm cho những con chim hoảng sợ mà bay đi trước. Có người dùng lưới để bắt cá trong hồ, chúng tôi liền xua đuổi cho cá chạy trước đi, khiến chúng bỏ trốn, không bị mắc vào trong lưới. Cũng bởi một niệm thiện lương này, làm cảm động Thần linh, cho nên mới miễn xá tội nghiệp cho hai chúng tôi. Nay có thể thoát khỏi đường quỷ và đi đầu thai rồi”.

Lưu tiên sinh thường kể chuyện này cho người khác nghe, cũng nói thêm rằng: “Những ngạ quỷ kia bị trầm luân như vậy mà còn có thể dùng lực lượng yếu ớt của chúng để cứu giúp động vật; vậy mà mọi người đối với rất nhiều việc thiện, tại sao luôn mượn cớ thoái thác, nói rằng mình không thể làm?”                    

Câu chuyện tơ nhện: Một niệm thiện ác thay đổi cuộc đời

Còn có một câu chuyện như sau bên Phật giáo: Khi đó Đức Phật Thích Ca Mâu đang tản bộ bên ao sen ở Cực Lạc Tịnh Thổ, thì phát hiện ra tên cướp Kiền Đà Đa đang ở trong ao máu dưới 18 tầng địa ngục. Ngài nhớ lại trước đây anh ta từng xuất thiện niệm và bỏ qua cho một con nhện; lúc này, tình cờ có một sợi tơ nhện treo ở trên lá sen, Đức Phật liền lấy sợi tơ nhện thả xuống địa ngục, để coi như là chiếc thang cho Kiền Đà Đa có thể thoát ly địa ngục. 

Hành thiện có thể thay đổi được đường đời
(ảnh minh họa Pinterest)

Kiền Đà Đa nắm được sợi tơ nhện và liều mình leo lên, dần dần rời khỏi địa ngục. Vào thời khắc này, anh ta phát hiện ra có hàng ngàn tội nhân khác đang kết thành đoàn bò ra khỏi ao máu, họ cũng bám vào sợi tơ nhện và liều mình leo lên. 

Anh ta nghĩ: “Chỉ có một mình mình mà cái sợi tơ nhện cũng sắp đứt rồi, làm sao có thể chịu đựng được sức nặng của nhiều người như vậy?” Vì vậy, anh lại chứng nào tật nấy, lớn tiếng quát mắng, xua đuổi những người kia, với ý đồ độc chiếm sợi tơ nhện. Không ngờ lúc này sợi tơ nhện bị đứt ra, Kiền Đà Đa lại rơi xuống địa ngục.

Kiền Đà Đa bởi vì từng xuất ra thiện niệm mà có hy vọng được cứu, nhưng lại bởi vì tâm ích kỷ mà cuối cùng đánh mất cơ hội. Suy nghĩ chỉ sai một chút thì đã cho ra kết cục hoàn toàn khác.

Người xưa nói: “Đừng thấy việc ác nhỏ mà làm, đừng thấy việc thiện nhỏ mà không làm”, trời cao có mắt, suy nghĩ và hành động thiện lương mới là đảm bảo cho một cuộc đời bình an.

Theo Vision Times