Cây cỏ nghiêng mình trong cơn bão nhưng lại vươn mình đón ánh nắng vào ngày hôm sau, nó mang trong mình cả sự khiêm tốn và ngoan cường.

Đừng chỉ nhìn cái vẻ nhỏ bé, yếu đuối của cây cỏ, bên trong nó ẩn chứa sức mạnh phi thường. Mặc cho mưa to gió lớn, bão táp phong ba hay cháy rừng động đất, khắp trời nam đất bắc, cứ đông tàn thì xuân lại trổ, trải khắp lối đi. 

Cây cao thì đón gió, lúa chín thường cúi đầu

Trong tây du ký có đoạn: “Cây cao đón gió, gió rung cây; danh tiếng cao thì dễ tang tóc”.

Có một câu chuyện cổ kể rằng:

Ngày xưa, có một vị phú thương vì để khoe gia thế hiển hách của mình, đã tìm người viết câu đối và dán lên cửa nhà mình.

Vế trên là: Phụ tiến sĩ, tử tiến sĩ, phụ tử giai tiến sĩ;

Vế dưới là: Bà phu nhân, tức phu nhân, bà tức đô phu nhân

có nghĩa là: 

 Cha tiến sĩ, con tiến sĩ, cha con đều là tiến sĩ;

 Mẹ là phu nhân, dâu cũng là phu nhân, hai mẹ con đều là phu nhân.

Nhưng có một ngày, có một vị tú tài đi ngang qua. Vị tú tài này nhiều năm khổ học chăm chỉ, lại cứ thi rớt mãi, nhìn thấy câu đối trên cửa nhà phú thương, liền cảm thấy tức giận mà không trút được giận. Liền đề bút ở dưới, cải biến một chút câu đối:

Đem vế trên đổi thành: Phụ tiến thổ, tử tiến thổ, phụ tử giai tiến thổ.

Vế dưới: Bà thất phu, tức thất phu, bà tức đô thất phu.

Nghĩa là: Cha tiến vào đất, con tiến vào đất, cha con cùng tiến vào đất

Mẹ mất chồng, con dâu mất chồng, hai mẹ con đều mất chồng.

Hàm nghĩa bị cải biến một cách oan trái, từ sự vinh hiển của gia đình phú thương trở thành bi thương tang tóc. Sau khi vị phú thương nhìn thấy câu đối bị sửa trên cửa, liền tức giận đến bất tỉnh.

Một người nếu phô trương bản thân thái quá rất dễ chiều mời sự ghen tị từ người khác. 

Có thể khiêm tốn, che giấu bản thân mới là cách đối nhân xử thế của bậc trí giả. 

Tăng Quốc Phiên thời nhà Thành là một người cả đời luôn giữ gìn sự khiêm tốn. 

Một lần, người nhà của Tăng Quốc Phiên chuẩn bị xây một ngôi nhà mới ở quê. Em trai liền phái người đem bản vẽ thiết kế đưa cho ông xem. Thấy bản vẽ ngôi nhà cao đẹp tráng lệ, ông liền sửa lại cho nhỏ đi nhiều lần. Cũng gửi thư cho em trai, bảo rằng thời cuộc bây giờ hỗn loạn, không nên xây nhà quá đẹp, sau này cũng không nên làm những việc phô trương như thế. 

“Thiên cuồng hữu vũ, nhân cuồng hữu họa, thái quá trương dương, họa sự trì tảo yếu lai đáo”. Trời giận thì có mưa, người giận thì có họa, quá mức phô trương, tai họa ắt tìm tới. 

Suy cho cùng, “trời không tự nói cao, đất không tự nói dày”, lúa chín thường cúi đầu, biển rộng đặt mình ở chỗ thấp. 

khiêm tốn và dũng cảm; lúa chín thường cúi đầu; sông sâu thì tĩnh lặng
Sông sâu tĩnh lặng, lúa chín cúi đầu (ảnh: Pinterest)

Người càng tài giỏi, càng biết khiêm tốn như cây cỏ, ở lặng yên nơi chỗ thấp mà sinh trưởng. Cao quý mà không phô trương, đẹp đẽ chẳng khoe khoang; như vậy mới có thể tránh được thị phi.

Làm người hãy như cây cỏ, khiêm tốn và ngoan cường

Bạch Cư Dị nói: “Băng tiêu tuyền mạch động, tuyết tẫn thảo nha sinh.” Băng tan thành suối chảy, tuyết hết cỏ nảy mầm.

khiêm tốn và dũng cảm; lúa chín thường cúi đầu; sông sâu thì tĩnh lặng
Âm thầm ủ mình trong tuyết lạnh, đợi cho băng tan cỏ lại mọc (ảnh minh họa: Instagram)

Giữa mùa đông rét lạnh, cỏ cây khô héo, nhưng khi băng tuyết tan ra, cỏ sẽ lại khôi phục sức sống vốn có của nó. Kỳ thực, làm người chẳng phải cũng nên thế sao? 

Thế gian con người, đau khổ cực nhọc là điều không tránh khỏi, chỉ có những người giống như cây cỏ, khiêm tốn và ngoan cường mới có thể kinh qua được trời đông giá rét, từ trong kẽ nứt của sự khắc nghiệt mà hướng về phía trước để trưởng thành, mới có thể vững bước trên đường đời. 

Vào cuối triều Minh, đầu triều Thanh có một người tên là Đàm Thiên. Từ nhỏ đã khắc khổ hiếu học, nhưng gia cảnh bần hàn nên chỉ có thể mượn sách khắp nơi để học tập. Đàm Thiên đọc nhiều sách vở, phát hiện rằng sử sách có rất nhiều chỗ sai sót. Vì thế, năm 27 tuổi, ông đã quyết tâm phải biên soạn tỉ mỉ, chính xác một lần nữa về sử sách thời nhà Minh. Để hoàn thành tâm nguyện này, ông bôn ba khắp nơi, thu thập tài liệu sách vở, trải qua 26 năm, rốt cục cũng hoàn thành “Quốc các” với hơn 400 vạn từ. 

Không ngờ bản thảo chưa kịp đưa đi in đã bị đánh cắp, hơn hai mươi năm vất vả chỉ trong một đêm đổ xuống sống xuống biển hết. Đả kích này dường như là trí mạng với ông, mỗi ngày ông đều rửa mặt bằng nước mắt, mỗi ngày đều sống trong đau khổ. Chính vào lúc mọi người cho rằng ông sẽ gục ngã thì ông lại một lần nữa vực dậy tinh thần. 

Ông mang theo thân thể đau bệnh của mình, đi tìm gặp các quan cũ thời nhà Minh còn sót lại, khảo sát các di tích lịch sử. Trải qua 4 năm không ngừng nỗ lực, rốt cục cũng hoàn thành một bộ “Quốc Các” mới, cũng bởi vậy mà danh tiếng của ông lưu truyền sử sách. 

Hậu nhân đánh giá rằng: “Một người dân bình thường, có thể viết nên tác phẩm lịch sử lớn nhất, quả là kỳ tích”.

Đừng hơn thua với ai, hãy sống như loài cỏ, khoáng đạt vào bao dung

Núi không tranh cao thấp mà tự đạt, nước chảy xuống phía dưới nhập vào biển. Không tranh là một loại khoáng đạt, là một loại cảnh giới.

Chẳng cần so sánh với ai, hãy cứ là chính mình (ảnh minh họa: Vietjack)

Giống như ngọn cỏ mỏng manh kia, chẳng cùng muôn hoa tranh vẻ tươi đẹp, chẳng cùng đại thụ phân cao thấp, chỉ cần cắm rễ vào đất, cứ thế sinh trưởng theo cách sống của riêng mình, bởi vậy mà có thể bén rễ mọc bất cứ nơi nào. 

Thời xưa, có một vị tăng nhân tên Huệ Năng, tu hành khắc khổ, nhưng tu mãi chưa thấy ngộ được đạo, vì thế liền tới từ biệt sư phụ, xin xuống núi tu hành. 

Sư phụ liền hỏi rằng: “Trong núi cũng là tu hành, xuống núi cũng là tu hành, vì sao phải đổi chỗ?”

Huệ Năng thất vọng giải thích: “Bởi vì trong núi, nhiều đồng môn không cần chăm chỉ như con nhưng đều đã ngộ đạo. Còn con mỗi ngày ngoài lúc ăn ngủ ra đều nghiêm túc tham thiền đả tọa, trước giờ đều nỗ lực nhưng lại không thể khai ngộ. Con cảm thấy vô cùng thống khổ, giống như chim sẻ thấy đại bàng, hổ thẹn vô cùng”.

Sư phụ tiếp tục hỏi: “Chim đại bàng lớn thế nào? chim sẻ nhỏ ra sao?” 

Huệ Năng đáp: “Đại bàng chỉ cần khẽ giương cánh, có thể đi ngàn dặm, còn con bất luận cố gắng thế nào, chỉ có thể lướt trên ngọn cỏ vài thước mà thôi”.

Sư phụ thâm ý nói với huệ năng rằng: “Đại bàng dẫu bay ngàn dặm, có thể bay qua sinh tử không? Đại bàng hay chim sẻ mỗi loài đều có cái riêng, sao phải so cao thấp?”

Huệ Năng không nói nên lời, trong lòng dường như cũng đã tỏ ngộ.

Tăng Quốc Phiên nói: “Quân tử tự sắp xếp việc của mình, không cần cùng người khác so đo hơn thua.” 

Trên thế gian, sẽ luôn có người hơn bạn về phương diện nào đó, nếu cứ mang điểm yếu của bản thân đi so sánh với điểm mạnh của người khác, thì sẽ chỉ nhận được thống khổ. 

Mỗi người mỗi con đường, bạn có chí lớn của bạn, tôi có thú vui của tôi, bạn có hùng tâm tráng chí, tôi có nhàn hạ thoải mái, đâu cần phải hơn thua cao thấp.

Cuộc sống là của chính mình, đừng so sánh với ai, rộng lòng với tất cả, khoan dung và khoáng đạt. Hãy sống như loài cỏ, khiêm tốn và ngoan cường. 

Theo Vision Times